Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 97. Thập Triền (Dasasaṃyojanāni)

Thứ sáu, 06/09/2024, 10:21 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 97. Tổng Hợp Các Phân Loại Bất Thiện-THẬP TRIỀN (Dasasaṃyojanāni)

Dasa saṃyojanāni: (1) kāmarāgasaṃyojanaṃ; (2) rūparāga

saṃyojanaṃ; (3) arūparāgasaṃyojanaṃ; (4) paṭighasaṃyojanaṃ; (5)

mānasaṃyojanaṃ; (6) diṭṭhisaṃyojanaṃ; (7) sīlabbataparāmāsa

saṃyojanaṃ; (8) vicikicchāsaṃyojanaṃ; (9) uddhaccasaṃyojanaṃ; (10)

avijjāsaṃyojanaṃ, suttante.

Có mười pháp triền theo Kinh Tạng: (1) dục ái; (2) sắc ái; (3) vô sắc ái; (4) sân hận; (5) mạn; (6) tà kiến; (7) giới cấm thủ; (8) nghi hoặc; (9) phóng dật; (10) vô minh .

Aparāni dasa saṃyojanāni: (1) kāmarāgasaṃyojanaṃ; (2)

bhavarāgasaṃyojanaṃ; (3) paṭighasaṃyojanaṃ; (4) mānasaṃyojanaṃ;

(5) diṭṭhisaṃyojanaṃ; (6) sīlabbataparāmāsasaṃyojanaṃ; (7)

vicikkicchāsaṃyojanaṃ; (8) issāsaṃyojanaṃ; (9) macchariya

saṃyojanaṃ; (10) avijjāsaṃyojanaṃ, abhidhamme.

Có mười pháp triền khác chỉ có trong Thắng Pháp Tạng: (1) dục ái; (2) hữu ái; (3) sân hận; (4) mạn; (5) tà kiến; (6) giới cấm thủ; (7) nghi hoặc; (8) tật đố; (9) xan lận (10) vô minh.

Chú thích

Chữ “saṃyojana” thường được dịch là “triền” hay “kiết sử” chỉ cho những pháp cột trói chúng sanh như những gông cùm, xiềng xích cột trói tù nhân. Chính những pháp này khiến chúng sanh không thể tự tại, an lạc thật sự. Đối lập với ý nghĩa này là sự giải thoát.

Có hai bản liệt kê pháp kiết sử. Một là bản liệt kê tìm thấy trong cả hai Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng. Bản liệt kê này tương thích với những kiết sử được đoạn diệt hay làm giảm nhẹ bởi bốn đạo (magga), tức tuệ giác khi đắc đạo. Những kiết sử trong bản liệt kê này hàm ý những pháp triền trong phạm trù trầm luân sanh tử.

Bản liệt kê thứ hai chỉ có riêng trong Thắng Pháp Tạng gồm những pháp xiềng xích chúng sanh trong cuộc sống hằng ngày.

Ý nghĩa của mười pháp kiết sử trong bản liệt kê chung của Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng được định nghĩa như sau:

  1. Dục ái (kāmarāga-saṃyojana) là ái chấp dục giới khiến tái sanh vào cảnh dục giới.
  2. Sắc ái (rūparāga-saṃyojana) là ái chấp sắc giới khiến tái sanh vào cảnh sắc giới.
  3. Vô sắc ái (arūparāga-saṃyojana), là ái chấp vô sắc giới khiến tái sanh vào cảnh vô sắc giới.
  4. Sân hận (paṭigha-saṃyojana) là sự căm ghét với những cái không vừa ý.
  5. Mạn (māna-saṃyojana) là sự so sánh mang tính cách nhân, ngã, bỉ, thử.
  6. Tà kiến (Diṭṭhi-saṃyojana) là chấp kiến sai lạc cụ thể là thường kiến và đoạn kiến.
  7. Giới cấm thủ (sīlabbata-parāmāsa saṃyojana) là chấp trì những mê tín dị đoan với những thực hành thiếu lý tính.
  8. Nghi hoặc (vicikicchā-saṃyojana) là thái độ ngờ vực không chịu quyết đoán dựa trên phân tích, tìm hiểu.
  9. Phóng dật (uddhacca-saṃyojana) là trạng thái “lăng xăng không yên” đối lập với khả năng tĩnh lặng của nội tâm.
  10. Vô minh (avijjā-saṃyojana) là trạng thái u mê không ý thức được bản chất thật của các pháp.

Bản liệt kê thập triền dưới đây chỉ có riêng trong Thắng Pháp Tạng:

  1. Dục ái (kāmarāga-saṃyojana) là ái chấp đối với thị dục của ngũ quan tức là sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc.
  2. Hữu ái (bhavarāga-saṃyojana) là ái chấp đối với sự hiện hữu trong ý niệm “ta sẽ như thế này, như thế kia”.
  3. Sân hận (paṭigha-saṃyojana) là thái độ bất mãn trước điều trái ý.
  4. Mạn chấp (māna-saṃyojana) là thái độ tự thị dù kém cõi, ngang bằng hay vượt trội hơn người khác.
  5. Kiến chấp (diṭṭhi-saṃyojana) là cực lực bảo thủ quan điểm cá nhân không cần phân biệt đúng sai.
  6. Giới cấm thủ (sīlabbata-parāmāsa saṃyojana) là chấp thủ những hành trì dựa trên niềm tin suông như do phong tục, tín ngưỡng dân gian.
  7. Nghi hoặc (Vicikicchā-saṃyojana) là sự nghi ngờ chận lối thái độ tìm hiểu rồi mới nhận định.
  8. Tật đố (issāsaṃyojana) là sự ganh tị, ghen tuông, đố kị với người khác.
  9. Xan lận (macchariya--saṃyojana) là sự keo kiết, bủn xỉn sợ mất đi cái mình có.
  10. Vô minh (Avijjā--saṃyojana) là sự vắng mặt của khả năng nhận ra vấn đề, nguyên nhân, giải pháp và phương cách đạt được giải pháp đối với tất cả hệ lụy.

Có những pháp trùng lập và sai biệt giữa hai bản liệt kê, nhưng nên hiểu bản thứ nhất tương thích với những gì mà tuệ giác của bốn đạo giảm thiểu hay đoạn tận nằm trong phạm trù lớn là sự cột trói trong cuộc trầm luân, đối lập với phạm trù giải thoát của các bậc thánh và niết bàn. Mười kiết sử hay thập triền này được chia làm hai là:

  1. Hạ phần kiết sử gồm thân kiến, nghi hoặc, giới cấm thủ, dục ái, sân hận.
  2. Thượng phần kiết sử gồm ái sắc, ái vô sắc, mạn chấp, phóng dật, vô minh.

Thập kiết sử theo bản liệt kê thứ nhất tương thích với sự giác ngộ, giải thoát của bốn đạo quả. Sơ đạo tận diệt thân kiến, nghi hoặc, giới cấm thủ. Nhị đạo giảm thiểu dục ái và sân. Tam đạo tận diệt dục ái và sân. Tứ đạo tận diệt sắc ái, vô sắc ái, mạn chấp, phóng dật và vô minh.

Pháp bản thể của thập triền trong bản liệt kê I (cả hai Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng) được ghi nhận như sau:

  • Dục ái, sắc ái, vô sắc ái là thuộc tánh tham.
  • Sân hận là thuộc tánh sân.
  • Mạn chấp là thuộc tánh mạn.
  • Kiến chấp là thuộc tánh tà kiến.
  • Giới cấm thủ cũng là thuộc tánh tà kiến.
  • Nghi hoặc là thuộc tánh nghi hoặc.
  • Phóng dật là thuộc tánh dao động.
  • Vô minh là thuộc tánh si.

Pháp bản thể của thập triền trong bản liệt kê II (chỉ có trong Thắng Pháp Tạng) được ghi nhận như sau:

  • Dục ái và hữu ái đều là thuộc tánh tham.
  • Sân hận là thuộc tánh sân.
  • Mạn chấp là thuộc tánh mạn.
  • Kiến chấp là thuộc tánh tà kiến.
  • Giới cấm thủ cũng là thuộc tánh tà kiến.
  • Nghi hoặc là thuộc tánh nghi hoặc.
  • Tật đố là thuộc tánh tật đố.
  • Xan lận là thuộc tánh xan lận.
  • Vô minh là thuộc tánh si.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Ý kiến bạn đọc