- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
Bài học ngày 14.4.2022
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
3. Bốn Loại Tâm (Catubbidha Citta)
Chánh văn:
Tattha cittaṃ tāva catubbidhaṃ hoti kāmāvacaraṃ rūpāvacaraṃ arūpāvacaraṃ lokuttarañceti.
Trong đó, tâm gồm có bốn: (1) dục giới, (2) sắc giới, (3) vô sắc giới, và (4) siêu thế
Tattha > trong đó (pháp chơn đế)
cittaṃ > tâm
tāva > đến mức độ
catubbidhaṃ hoti > gồm có bốn
kāmāvacaraṃ > (kāma + avacaraṃ) > dục giới
rūpāvacaraṃ > sắc giới
arūpāvacaraṃ > vô sắc giới
lokuttarañceti > (lokuttara + añchati) > tiếp đến là siêu thế
Chú Thích:
Tâm – citta – được định nghĩa là sự biết cảnh. Nói theo ngôn ngữ bình thường là nhận thức hay tri giác. Thí dụ một dòng chữ được viết và khi đọc nhận ra đó là một câu thơ hay. Sự nhận biết đó là tâm thức. Cái biết nầy khác biệt hoàn toàn với vật chất. (Cái biết của trí tuệ nhân tạo –artificial intelligence – không là tâm thức vì là lập trình máy móc)
Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào (pabhassaramidaṃ, bhikkhave, cittaṃ. tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkiliṭṭhan’ti) là Phật ngôn trích trong Anguttaranikāya I chỉ cho tâm theo nghĩa uyên nguyên nhất tức khả năng nhận thức. Không nên hiểu có một thức tâm hằng hữu bị vọng thức bao che cho đến khi quét sạch vọng thức thì chơn tâm hiển lộ. Tất cả tâm đều vô thường sanh diệt trong từng sát na. Su tu tập không phải là tách rời các thuộc tánh (hay thọ, tưởng, hành) ra khởi thức uẩn.
Tâm (citta) là đề tài vô cùng quan trọng trong Phật học và đặc biệt riêng đối với Thắng Pháp. Không thể hiểu tâm theo ý nghĩa thường thức. Thế giới quan và con đường tu tập theo Phật pháp đều y cứ trên những khái niệm về tâm thức. Đề tài “tâm” luôn luôn được nhấn mạnh trong cả ba Luật tạng, Kinh Tạng và Thắng pháp tạng. Riêng đối với Thắng pháp tạng thì đề tài nầy chiếm phần lớn bố cục trình bày.
Chữ avacara – dịch là giới – hàm nghĩa là lãnh vực hay cảnh giới. Đây là thuật ngữ thường bị hiểu lầm bởi người học Phật. Chữ “giới” trong dục giới, sắc giới, vô sắc giới (từ đây có chữ “tam giới”) không giới hạn trong đối tượng nhận thức (cảnh), cõi (cảnh giới tái sanh), người (chúng sanh). Nói cách khác không phải chỉ có tâm siêu thế mới biết cảnh niết bàn hay chư vị phạm thiên cõi sắc giới chỉ có tâm sắc giới.
Có nhiều cách phân loại tâm mà cách phân ra bốn loại ở đây chỉ là một trong những cách đó. Thí dụ tâm có thể chia làm hai là tâm hiệp thế và tâm siêu thế hoặc dục giới, đáo đại, siêu thế hoặc tâm chia làm sáu là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức … Mỗi cách phân chia đều có trọng tâm riêng và góc nhìn cá biệt. Đa số các bản phân loại thường xếp tâm không tốt không xấu nằm ở đầu hay ở cuối hơn là nằm giữa. Trong bộ Thắng Pháp Yếu Luận nầy tâm được liệt kê theo thứ tự từ thấp nhất lên cao nên khởi đầu là tâm bất thiện rồi tâm trung tính (vô nhân) tiếp theo là những tâm “tốt đẹp” thuộc dục giới, sắc giới và siêu thế. Cách phân tâm theo sáu thức là cách chia theo giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác … có ích cho hành giả tu thiền và nói tổng quát về tâm thức con người. Phải đào sâu và mất nhiều thời gian để thấy được sự lợi ích của từng cách liệt kê tâm thức. Biểu đồ chư pháp (hay Bảng Nêu Chi Pháp) của Ngài Tịnh Sự y cứ trên cách liệt kê tâm theo Thắng Pháp Tập Yếu khởi đầu với tâm bất thiện.
Tâm thường nói là đơn vị bao gồm các thuộc tánh nên có 121 tâm. Nếu tính đơn thuần là thức uẩn thì tâm chỉ có 1. Sau khi học về các thuộc tánh và sự tương hợp sẽ thấy rõ hơn điều nầy.
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng