Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG - THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - 19. Tâm Quả Sắc Giới (rūpāvacara-vipākacittāni)

Thứ sáu, 05/08/2022, 16:13 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 5.8.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

19. Tâm Quả Sắc Giới

(rūpāvacara-vipākacittāni)

Chánh văn

1. Vitakka-vicāra-pīti-sukh’-ekaggatā-sahitaṃ paṭhamajjhāna-vipākacittaṃ.

2. Vicāra-pīti-sukh’-ekaggatā-sahitaṃ dutiyajjhāna-vipākacittaṃ.

3. Pīti-sukh’-ekaggatā-sahitaṃ tatiyajjhāna-vipākacittaṃ.

4. Sukh’-ekaggatā-sahitaṃ catutthajjhāna-vipākacittaṃ.

5. Upekkh’-ekaggatā-sahitaṃ pañcamajjhāna-vipākacittañ cā ti.

Imāni pañca pi rūpāvacara-vipākacittāni nāma.

Tâm quả sơ thiền với tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất hành

Tâm quả nhị thiền với tứ, hỷ, lạc, nhất hành

Tâm quả tam thiền với hỷ, lạc, nhất hành

Tâm quả tứ thiền với lạc, nhất hành

Tâm quả ngũ thiền với xả, nhất hành

Những tâm nầy được gọi là 5 tâm quả sắc giới

Vitakka > tầm

Vicāra > tứ

Pīti > hỷ

Sukha > lạc

Ekaggatā > nhất hành

Sahitaṃ > cùng với

paṭhamajjhāna > sơ thiền

vipākacittaṃ> tâm quả dị thục

dutiyajjhāna > nhị thiền

tatiyajjhāna > tam thiền

catutthajjhāna > tứ thiền

pañcamajjhāna > ngũ thiền

rūpāvacara-vipākacittaṃ – tâm quả sắc giới

Chú thích

Tâm quả sắc giới là tâm làm việc tục sinh, tiềm thức, và mệnh chung của các vị phạm thiên sắc giới. Tâm nầy phải tương ứng hoàn toàn với tâm thiện sắc giới có được lúc lâm chung. Điều nầy có nghĩa là khi lâm chung với thiền chứng tâm thiện tam thiền thì tâm tục sinh sẽ là tâm quả tam thiền. Sự tương ứng triệt để nầy không có trong tâm quả dục giới (…)

Tâm quả sắc giới khác thiền chứng sắc giới

Chúng sanh sống cõi dục rất khó tìm được sự an lạc của tịnh chỉ mà luôn truy cầu cái gì đó và nếu được thoả mãn thì xem đó là trạng thái hạnh phúc (hỷ lạc). Để có được niềm hạnh phúc nầy thì phải có nguồn cung ứng như sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc ..v.v.. Có thể nói đó là thứ hạnh phúc vay mượn ở cảnh. Một người tu thiền với bước đầu cảm nhận được thứ hạnh phúc không do cảnh dục mà là sự an định nội tại thì đó là thứ “hỷ lạc do ly dục sanh”. Có thể tạm thí dụ như người bình thường hạnh phúc với sự hơn thua nhưng có thứ hạnh phúc khác là “vượt ngoài danh lợi hơn thua”.

Tâm thiện sắc giới không phải là tâm tu thiền sắc giới mà là tâm chứng thiền sắc giới.Tâm thiện dục giới có thể khởi sự từ tâm lành phôi thai cho tới khi phát triển toàn diện. Tâm thiện sắc giới thì không như vậy. Tất cả tâm thiện sắc giới đều là thiền chứng, dù là sơ thiền, là sự thành tựu hoàn chỉnh. Lúc chưa đắc thiền người tu thiền bằng tâm thiện dục giới tịnh hảo.

Có thể chứng những tầng thiền cao hơn trong cõi nhân loại

Mặc dù các cõi phạm thiên có chia theo tầng thiền nhưng loài người (cũng như nhiều cõi vui khác) có thể chứng nhiều tầng thiền sắc giới và vô sắc giới do công phu tu tập. Không nên hiểu là phải sanh lên cõi sơ thiền rồi mới tu tập được nhị thiền. Sự tu chứng không giới hạn trong các cõi phạm thiên tương ứng.

Có thể bị hoại thiền

Một người tu tập chứng thiền, nhất là thiền sắc giới, tuy trình độ tâm thuật cao nhưng vẫn có thể hoại thiền. Nói cách khác sau đó phải tu tập lại (đôi khi khó khăn) để chứng nhập lại trạng thái trước kia. Có thể thí dụ người tu thiền sắc giới hay vô sắc gọi là thiền chỉ (samatha) giống như người tạo lập tài sản trở thành người giàu có nhưng vẫn có khả năng phá sản và phải làm lại từ đầu trong lúc người đi học trau giồi kiến thức dù hoàn cảnh thăng trầm như sự hiểu biết đã tích tập không thể khánh tận như người tạo tài sản bằng tiền.

Nếu hoại thiền trước khi lâm chung thì không tạo được tâm quả sắc giới (cũng như tâm quả vô sắc giới.

Khác với tâm thiện dục giới tịnh hảo, tâm thiện sắc giới tịnh hảo chỉ cho quả nếu giờ phút lâm chung vẫn còn thiền chứng. Điều nầy có thể thí dụ như trong cuộc sống có những việc làm đòi hỏi quá trình liên tục không gián đoạn để tạo thành kết quả như nấu cơm chẳng hạn: nếu không giữ lửa liên tục thì cơm không thể chín. Devadatta từng chứng tầng thiền sắc giới cao nhất nhưng sau đó bị hoại thiền nên khi mạng chung không thể sanh vào cõi Phạm thiên.

Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc