Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | Bài 38. Nhóm Thuộc Tánh Giới Phần (virati)

Thứ sáu, 17/02/2023, 19:43 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 17.2.2023


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

38. Nhóm Thuộc Tánh Giới Phần (virati)

V. (1) Sammāvācā, (2) sammākammanto, (3) sammā-ājīvo cā ti tisso viratiyo nāma.

Ba (thuộc tánh) Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng gọi là giới phần

Sammāvācā = chánh ngữ

Sammākammanto = chánh nghiệp

Sammā’ājīvo = chánh mạng

tisso = ba

viratiyo nāma = gọi là giới phần, tiết chế, kiêng tránh

Chú thích

Nhóm thuộc tánh giới phần hay kiêng tránh (virati) gồm ba thuộc tánh: chánh ngữ (sammāvācā), chánh nghiệp (sammākammanta), chánh mạng (sammā’ājīva) là những thuộc tánh có chung đặc điểm là kiêng tránh vì nguyên tắc sống tốt đẹp. Theo Sớ giải thì giới hạnh từ bỏ nghiệp bất thiện có ba trường hợp:

1. Giới tự nhiên (sampattavirati) là giới hạnh do quan niệm, giáo dục, môi trường, hay cá tính về điều đúng sai thí dụ một thiếu niên được giáo dục trong môi trường không sát sanh thì khi gặp trường hợp ai đó rủ đi câu cá thấy thì từ chối vì không chấp nhận sát sanh.

2. Giới thọ trì (samādānavirati) là sự phát nguyện giữ giới từ sự học hiểu và quyết tâm thực hành thí dụ như một người thọ trì ngũ giới hay bát quan trai giới nên tránh xa việc sát hại dù là việc mưu sinh.

3. Giới đoạn lậu (sammucchedavirati) đây là hạnh đức rất tế nhị trong tâm đạo siêu thế. Giới trong trường hợp nầy thuộc về “đạo chi” là kết tinh của giới uẩn tăng thượng cùng với các đạo chi đoạn tận hay vĩnh viễn giảm thiểu kiết sử.

Hai trường hợp đầu tiên thuộc về hiệp thế; trường hợp thứ ba thuộc về siêu thế.

Nói chính xác chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là gì?

Chánh ngữ – sammāvācā – là thái độ đoan chính trong cách truyền đạt, đặc biệt là lời nói. Một trong những thể hiện quan trọng của hạnh nghiệp là truyền thông. Ngoài lời nói cũng nên hiểu những cách biểu đạt khác như viết lách, nhắn tin ..v.v.. đều là những cách liên hệ tới ngôn ngữ.

Chánh nghiệp – sammākammanta – là sự nguyên tắc hành động vô hại đối với chúng sanh cũng như bản thân. Nên chú ý là khi đơn cử thì Đức Phật chỉ nói ngắn gọn như không sát sanh, không trộm cắp ..v.v.. nhưng bao gồm nhiều điều đôi khi “bất thành văn” như không đánh đập, gây hại cho chúng sanh qua sự tàn phá môi sinh… Nên lưu ý chữ nghiệp (kammanta) trong thuật ngữ nầy giới hạn trong thân nghiệp khác với chữ nghiệp trong ý nghĩa thường hiều là bao gồm cả thân, ngữ, ý.

Chánh mạng – sammā’ājīva – là sinh kế lương thiện. Nuôi mạng không phải chỉ là cách sinh tồn mà còn nói lên quan khuynh hướng sống cố hữu của mỗi con người. Nếu vì sự sống còn của mình mà tạo ác nghiệp thì người có trí không làm thí dụ như những nghề bán các con thú, hay bán vũ khí, độc dược..v.v.. Cách nuôi mạng có ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt khác qua thói quen và thái độ. Một người sống bằng nghề sát sanh, trộm cắp không thể ngồi thiền với tâm ý an tịnh.

Ba thuộc tánh chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng sanh khởi trong các tâm tịnh hảo tuỳ theo trường hợp chứ không phải luôn luôn có như những thuộc tánh tịnh hảo biến hành. Điều nầy nghĩa là những thuộc tánh nầy chỉ có mặt khi có trường hợp tương ứng sanh khởi thí dụ một người làm quan liêm chính không ăn hối lộ khi có người đút lót phi pháp. Cũng nên lưu ý điểm nầy chỉ có trong các tâm siêu thế thì cả ba thuộc tánh chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng đồng sanh khởi trong một sát na tâm còn trong các tâm hiệp thế thì mỗi lần sanh khởi chỉ có một trong ba.

Ba pháp chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là những pháp được nói tới rất nhiều trong cả Tam Tạng. Sự huân tu giới hàm dưỡng ba đặc tính nầy. Một vài dẫn chứng cụ thể như khi đề cập tới tam nghiệp (thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp); hoặc đời sống hiền thiện của một người có trí là không làm gì hại người, hại mình; đặc biệt là khi Đức Phật dạy về con đường tu tập tam học (giới, định, tuệ) hay bát chánh đạo thì ba pháp chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng được nêu rõ. Có thể khẳng định là không có một người học Phật, tu Phật nào không biết tới ba pháp nầy.

Ba pháp chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng đôi khi dễ lẫn lộn về hình thức mặc dù rất khác về chủ tâm tạo tác. Không sát sanh có thể là chánh nghiệp cũng có thể là chánh mạng. Một người kiêng tránh không sát hại sinh vật vì giữ giới thì gọi là chánh nghiệp nhưng khi trung thành với nguyên tắc là không nuôi mạng bằng những nghề nghiệp sát sanh thì đó là chánh mạng.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc
suncity oxbet bk8 s666 11bet zbet lode88 12bet nbet hb88 kubet77 fcb8 k8 mig8 top88 sbobet vnloto onebox63 vwin bet69 zowin win2888 sun hotlive bet168 ibet888 33win bong99 kubet w88 bong88 m88 vn88 xoso66 vobo88 binh88 jdb666 corona888 kimlong90 hb88g pua88 dd7 8xbet