Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | Bài 37. Nhóm Thuộc Tánh Tịnh Hảo (sobhanacetasikā) - Thuộc Tánh Tàm (hiricetasika) & Thuộc Tánh Quý (ottappa)

Thứ năm, 22/12/2022, 17:53 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 22.12.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

37. Nhóm Thuộc Tánh Tịnh Hảo (sobhanacetasikā)

Thuộc Tánh Tàm (hiricetasika) & Thuộc Tánh Quý (ottappa)

Thuộc tánh tàm (hiricetasika) và Thuộc tánh quý (ottappa) là hai trong số 19 thuộc tánh tịnh hảo biến hành có nghĩa là có mặt trong tất cả tâm tịnh hảo. Hai thuộc tánh nầy luôn đi chung với nhau như cặp bài trùng dù trong Kinh Tạng hay Thắng Pháp Tạng nên giảng chung trong một bài học. Hơn nữa, cần giảng chung hai pháp để có thể thấy rõ sự khác biệt giữa pháp nầy so với pháp kia.

Hiểu chính xác tàm và quý là gì?

Trong cách định nghĩa thường gặp ở kinh sách Phật giáo thì tàm là hổ thẹn tội lỗi và quý là ghê sợ tội lỗi. Định nghĩa như vậy thì tàm và quý là nhận thức rất cao rộng trên phương diện luân lý đạo đức khó có thể hiểu là hai pháp nầy hiện diện như là hai trong số nhiều thuộc tánh của một sát na tâm. Ngay cả sanh khởi và hiện hữu đồng thời của ghê sợ và hỗ thẹn cũng khó tưởng tượng vì có vẻ như hai ý niệm khác nhau. Để hiểu rõ cần được nhận thức với nhiều phương diện.

Tàm và quý hiểu theo cách hiểu vĩ mô

Hiểu tàm và quý là thuộc tánh của tâm có nghĩa là không chấp nhận tiêu cực và là thái độ sống có nguyên tắc, dù nguyên tắc đó có thể khác biệt giữa người nầy và người khác. Và thái độ độ nầy có thể tàng ẩn một cách rất tế nhị. Thí dụ một người được giáo dục từ nhỏ là không dùng ngôn ngữ thô tục nên khi lớn lên trong cuộc sống hằng ngày trong lời chào hỏi hay phát biểu thì ngôn phong tao nhã. Mặc dù không nói rõ nhưng mỗi lời nói đều có tiềm tàng nguyên tắc không nói những chữ bất nhã.

Tàm được hiểu là thái độ tự trọng của bản thân.

Quý được hiểu là sự tôn trọng sự khiển trách từ người khác.

Hai trạng thái nầy có thể tồn tại như hai thuộc tánh tế nhị khó nhận rõ vì có mặt ở trong tất cả tâm tịnh hảo. Thí dụ như một người vốn “sống đàng hoàng” thì dù sống một mình nơi rừng sâu thì cử chỉ và hành động vẫn đàng hoàng dù không nghĩ có ai chung quanh.

Nên lưu ý chữ quý ở đây là là sợ. Có hai từ mang ý nghĩa sợ trong chữ Hán mà cách phát âm gần giống nhau là quý 愧và úy 畏. Trong cách dùng phổ thông của Phật học thì quý chỉ cho sợ điều sai quấy (ottapa) trong lúc uý chỉ cho sự sợ hãi vì không đủ can đảm hay sức mạnh (bhaya).

Tàm và quý hiểu theo cách nói đại loại

Tàm và quý trong cách nói đại loại được hiểu như lương tâm hay lương thức. Đức Phật dạy đây là hai pháp hộ trì thế gian. Thí dụ trong văn hoá loài người hoặc bản năng của một số loài vật thì không chấp nhận sự giao phối giữa mẹ và con. Điều nào tạo nên một ranh giới tự nhiên trong sự quan hệ với giới tính. Chính những nguyên tắc về những gì có thể làm và không nên làm tạo thành văn hoá, trật tự, luân lý đạo đức. Không có tàm quý thì chúng sanh bất chấp và sống với bản năng vô luân. Trong khi với cách nói vĩ mô thì tàm và quý như nguyên tắc tàng ẩn thì trong cách nói đại loại hai thuộc tánh nầy là sự biểu hiện thí dụ thái độ không chấp nhận hành động sai quấy hay biết hối lỗi khi làm điều ác.

Nói về sự khác biệt giữa tàm và quý các vị giảng sư thường dùng thí dụ tàm như một người quen sống sạch sẽ mà bổng nhiên thấy áo mặc bị một vết bẩn thấy khó chịu. Còn quý như một người biết lửa nguy hiểm nên cẩn thận với lửa. Hai thí dụ nầy tạo nên hiểu lầm là tàm là sự xấu hổ khi đã làm việc quấy còn quý là ý thức được nguy hiểm của điều sai quấy chưa làm nên quan ngại. Ở đây không có nghĩa như vậy. Một bậc đoạn tận lậu hoặc không làm việc ác quấy và cũng không lo sợ mình sẽ làm việc ác quấy nhưng vẫn có tàm quý. Hai pháp nầy nên được hiểu là thái độ sống có nguyên tắc đối với cái nên làm và nên tránh. Cũng có thể hiểu là lòng tự trọng đối với bản thân và sự tôn trọng đối với cái nhìn của người khác.

Vai trò của tàm và quý trong các tâm tịnh hảo

Hai thuộc tánh tàm và quý trong các tâm tịnh hảo là sự bảo đảm các pháp đồng sanh không vượt khỏi nguyên tắc tốt đẹp giống uỷ ban giám luật (ethics committee) trong quốc hội có trách nhiệm giám thị các nghị viên không vi phạm những luật định căn bản.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc