Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | Bài 37. Nhóm Thuộc Tánh Tịnh Hảo (Sobhanacetasikā) - Thuộc Tánh Quân Bình (Tatramajjhattatā)

Thứ sáu, 27/01/2023, 18:22 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 27.1.2023


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

37. Nhóm Thuộc Tánh Tịnh Hảo (sobhanacetasikā)

Thuộc Tánh Quân Bình (tatramajjhattatā)

Thuật ngữ tatramajjhattatā có nghĩa là “ở đó ngay chính giữa” chỉ cho sự cân bằng, trung lập, trung hoà, khách quan. Những bản kinh xưa thường dùng thí dụ người điều khiển xe song mã khéo léo khiến cho hai con ngựa luôn chạy song song không trước không sau. Đây là thuộc tánh dễ gây nhiều ngộ nhận trên cả hai phương diện ngữ và nghĩa. Hầu hết các các giáo trình Thắng Pháp tiếng Việt thường được gọi là hành xả. Người học cần nắm rõ ngữ cảnh khi muốn định nghĩa đích xác từ vựng nầy.

Tương tự nhưng những người biểu diễn xiếc đi từ điểm A sang điểm B trên sợi dây treo cần sự quân bình không thiên lệch. Nếu sức nặng nghiêng một bên sẽ bị rơi xuống. Sự tồn tại tốt đẹp của các tâm tịnh hảo luôn cần sự cân bằng. Thiếu đặc tính nầy tâm thức rơi vào tình trạng xáo trộn.

Sự quân bình luôn là yếu tố cần thiết để đi tới. Trong một tổ chức, một gia đình có sự thiên vị thì thường tạo nên xáo trộn. Một chiếc xe bốn bánh nếu không cân bằng sẽ nhanh chóng hỏng hóc. Khách quan, vô tư, không thiên vị là đặc tánh của thuộc tánh quân bình.

Trong cách nói đại loại tatramajjhattatā được biết đến với tên gọi upekkhā thường được dịch là hành xả như xả trong bốn vô lượng hay hành xả trong các pháp ba la mật. Sự quân bình nếu tu tập tinh luyện tạo nên đức tánh khách quan trong cái nhìn, sự công bằng trong cách hành xử, sự an nhiên không cảm xúc của tâm.

Nếu nhận dạng trong đời sống hằng ngày thì sự quân bình chính là tánh cách chừng mực; ở mức độ sâu kín và tinh luyện nội tâm chính là những trạng thái xả niệm thanh tịnh của thiền định.

Như đã đề cập tatramajjhattatā (quân bình, trung lập) là cách nói vĩ mô của upekkhā (hành xả). Đa số các bản dịch đều dùng chữ “hành xả” để dịch cả hai từ. Có rất nhiều trường hợp tâm tịnh hảo có sự quân bình nhưng không nhất thiết là an nhiên. Ba trạng thái từ, bi và hỷ đều có tatramajjhattatā nhưng không phải là upekkhā.

Người học Phật cần hết sức cẩn thận giữa thọ xả và hành xả. Thọ là trạng thái không vui không buồn của cảm xúc có khi tạo nên sự lãnh đạm. Hành xả là sự quân bình khách quan, không thiên vị. Chử xả trong “từ, bi, hỷ, xả” chỉ cho hành xả. Và xả vô lượng tâm lấy chúng sanh làm đối tượng.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc