- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
Bài học ngày 18.11.2022
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
36. Nhóm Thuộc Tánh Bất Thiện (akusalacetasika)
Nhóm Thuộc Tánh Sân Phần
(1) Moho, (2) ahirikaṃ, (3) anottappaṃ, (4) uddhaccaṃ, (5) lobho, (6) diṭṭhi, (7) māno, (8) doso, (9) issā, (10) macchariyaṃ, (11) kukkuccaṃ, (12) thīnaṃ, (13) middhaṃ, (14) vicikicchā cā ti cuddas’ime cetasikā akusalā nāma.
14 thuộc tánh gọi là bất thiện gồm có: si, vô tàm, vô quý, trạo cử, tham, (tà) kiến, mạn, sân, tật, lận, hối, hôn trầm, thuỵ miên, nghi hoặc.
moha = si
ahirika = vô tàm
anottappa = vô quý
uddhacca = trạo cử
lobha = tham
diṭṭhi = (tà) kiến
māna = mạn
dosa = sân
issā = tật
macchariya = lận
kukkucca = hối
thīna = hôn trầm
middha = thuỵ miên
vicikicchā = nghi hoặc
cuddasa = 14
Chú thích
Chánh văn của nguyên tác khi nói về nhóm thuộc tánh bất thiện thì rất ngắn gọn. Tuy vậy để hiểu rõ và dễ nhớ cần được phân nhóm: nhóm si phần gồm bốn thuộc tánh: si, vô tàm, vô quý, giao động; nhóm tham phần gồm ba thuộc tánh: tham, (tà) kiến, mạn; nhóm sân phần gồm 4 thuộc tánh: sân, tật, lận, hối; nhóm hôn phần gồm: hôn trầm, thuỵ miên; nghi hoặc đúng riêng lẻ một mình. Sự phân nhóm nầy không đơn giản vì cùng thể loại mà do những lý do đặc biệt. Thí dụ thuộc tánh lận (keo kiết, bỏn xẻn) theo cách hiểu bình thường thuộc về tham nhưng theo Thắng Pháp thì nằm trong nhóm sân phần. Nên lưu ý về trạng thái của từng thuộc tánh, vốn rất dễ hiểu trong loại thuộc tánh bất thiện, và nhóm nào mà mà mỗi thuộc tánh được liệt kê. Điều nầy sẽ soi sáng một số khía cạnh rất lợi lạc khi học về thuộc tánh của tâm.
Trong ba loại thuộc tánh của tâm là tợ tha, bất thiện và tịnh hảo thì các thuộc tánh bất thiện tương đối dễ hiểu ngay cả trong cách nói vĩ mô. 14 thuộc tánh bất thiện đều có thể hiểu như thường được định nghĩa trong Kinh Tạng với rất ít sai biệt. Nói rõ hơn những thuộc tánh tịnh hảo như tín, niệm, tàm, quý ..v.v.. mang ý nghĩ vĩ mô có phần khác với với những pháp có tên gọi tương tự trong Kinh Tạng. Trong lúc những thuộc tánh bất thiện như si, vô tàm, vô quý ..v.v.. thì hoàn toàn tương tự.
Cần phân biệt tâm bất thiện và thuộc tánh bất thiện. Tâm bất thiện có ba thứ là tâm tham, tâm sân, tâm si. Thuộc tánh bất thiện có 14 là si, vô tàm, vô quý, phóng dật, tham, tà kiến, mạn, sân, tật, lận, hối, hôn trầm, thuỵ miên và hoài nghi. Sự phối ngẫu giữa 14 thuộc tánh bất thiện đối với 3 thứ tâm bất thiện cho thấy nhiều khía cạnh tế nhị trong tâm lý học Phật giáo. Thí dụ trong quan niệm bình thường thì tà kiến là si mê nhưng trong Thắng Pháp nói rõ tà kiến chỉ có mặt trong tâm tham.
Nên hiểu sự khác biệt giữ thuộc tánh bất thiện và pháp bất thiện theo Kinh Tạng giống như sự khác biệt giữa màu gốc và màu pha. Có sự sai biệt lớn giữa bảng liệt kê thuộc tánh bất thiện trong Thắng Pháp Tạng và bảng liệt kê các pháp bất thiện trong Kinh Tạng. Thí dụ như ganh tị hoặc bỏn xẻn được xem là thuộc tánh bất thiện trong lúc ngoan cố hoặc giả dối thì không có. Đi vào thuộc tánh của tâm cho thấy có những trạng thái bất thiện thuộc căn để và có những trạng thái bất thiện là sự hỗn hợp. Điều nầy tương tự như trong hội hoạ từ ba màu gốc là xanh, vàng, đỏ có thể pha ra thành rất nhiều màu khác.
Có sự giới hạn cần biết của cách trình bày vĩ mô. Không phải ở bất cứ phương diện nào thì sự đào sâu vào các thuộc tánh của cho thấy cái nhìn sâu sắc về các pháp. Nên nhớ nói về các thuộc tánh là nói theo cách vĩ mô. Thí dụ như trường hợp thuộc tánh tham không nói hết vai trò của ái trong tứ đế và giáo lý duyên khởi mà chỉ mô tả là sự dính mắc đối với cảnh. Cái nhìn tổng quát sẽ được nói ở những phần khác. Riêng trong phần thuộc tánh thì cần giới hạn trong trạng thái được đề cập.
Có những pháp bất thiện dường như không bất thiện. Nên hiểu Thắng Pháp nói về thiện hay bất thiện theo ý nghĩa hiện tượng tự nhiên hay pháp thực tính chứ không theo đánh giá của luân lý, tôn giáo. Uể oải, dã dượi trong cách nhìn bình thường không có gì là xấu nhưng là thuộc tánh bất thiện. Sự phân vân cũng là thí dụ khác. Người học Thắng Pháp nên học theo cách cởi mở ghi nhận ở giai đoạn đầu để dễ dàng hấp thụ. Đi sâu vào các phần sau sẽ dễ nhận ra những lý do tại sao có sự khác biệt giữa bản chất và hiện tượng.
*
Bài học ngày 4.11.2022
Nhóm Thuộc Tánh Si Phần
Nhóm thuộc tánh si phần gồm 4 thuộc tánh bất thiện tạo nên sự mê lầm trong tất cả tâm bất thiện. Những thuộc tánh nầy được gọi là nhóm thuộc tánh bất thiện biến hành vì có mặt trong tất cả tâm bất thiện. Gọi là si phần vì mang đặc tính làm mê mờ. Đây là một trong những khía cạnh rất quan trọng khi nói về phiền não trong Phật học.
Từ vĩ mô tới quy mô. Trong bốn thuộc tánh si, vô tàm, vô quý, trạo cử của nhóm nầy thì thuộc tánh si mang chiều kích rộng lớn đến mức khó hiểu. Giống như một quân sư có tà ý không những chỉ ảnh hưởng tai hại đến cái nhìn của vị vua mà còn làm hỏng cả triều đình, quốc sách, cả nhiều thế hệ. Thuộc tánh si là một thành tố chi phối toàn bộ tâm bất thiện; chẳng những vậy còn trực tiếp hay gián tiếp chi phối tất cả sở hành dù thiện hay bất thiện tạo nên nghiệp quả sanh tử trong dòng hiện hữu luân hồi.
Không phải chỉ là thụ động mà là manh động. Trong cách hiểu qua ngôn ngữ thì si là không sáng suốt, vô tàm là không có hổ thẹn, vô quý là không có ghê sợ, trạo cử là không an định. Những “cái không” có thể bị hiểu một cách thụ động là “sự thiếu vắng”. Trên thực tế đây là những thuộc tánh manh động. Si ở đây không đơn giản là vắng mặt của trí tuệ mà là một thứ hoả mù khiến tâm không thấy biết xác thực. Khi đi sâu vào ý nghĩa của từng thuộc tánh sẽ thấy những thành tố nầy mang tánh cách manh động chứ không thụ động.
Không có những thứ nầy thì không gọi là bất thiện. Có những trạng thái thoạt nghe như tự nhiên không có gì đáng gọi là bất thiện thí dụ như hoài nghi, hôn trầm, thuỵ miên.. Nhưng theo Thắng Pháp thì khi những trạng thái đố đi chung với 4 thuộc tánh bất thiện biến hành thì không thể gọi là “vô tội vạ”. Phải hiểu theo cách nầy thì mới thấy được được tại sao phiền não (kilesa) được giải thích theo Thắng Pháp có những ý nghĩa quan trọng. Những trạng thái nầy đôi khi quá tế nhị để nhận diện nếu không đủ chánh niệm.
Thuộc tánh si (mohacetasika)
Si ở đây không phải là sự mê mờ mà là cái làm cho mê mờ. Giống như khói mù khiến mắt không thấy được sự vật. Khi si hiện hữu không đơn giản là không có khả năng hiểu mà là không chịu hiểu. Giống như trường hợp một số người vì quá sùng bái một lãnh tụ cho dù lãnh tụ đó có những hành động hay lời nói sai quấy họ cũng không muốn hiểu là khuyết điểm mà luôn cố gắng giải thích tại sao có lý do chánh đáng để lãnh tụ đó có hành động như vậy. Si chính là vô minh (avijjā) lực đẩy chính của dòng hiện hữu sanh tử.
Thuộc tánh vô tàm (ahirikacetasika)
Vô tàm là sự trơ trẽn, bất chấp. Thường được định nghĩa theo ngôn ngữ là không hổ thẹn tội lỗi. Ahirikacetasika mang ý nghĩa manh động hơn là đơn thuần sự vắng mặt của hổ thẹn. Trạng thái nầy có thể hiểu qua thí dụ khi người ta mặc một cái áo mới nếu có một vết bẩn nhỏ thì áy náy nhưng khi chiếc áo lấm tấm nhiều vết dơ thì cảm giác bình thường.
Thuộc tánh vô quý (anottappa)
Vô quý là sự liều lĩnh, khinh suất. Vô quý không đơn giản là là sự không biết sợ như một đứa trẻ chơi dao mà không hiểu sự nguy hiểm. Có thể thí dụ vô quý như tâm trạng của một người thích đua xe gắn máy (motorbike) đùa giỡn với nguy hiểm. Một khía cạnh khác để hiểu về vô quý là “sự quen lờn”. Khi đại dịch mới xẩy ra người ta cẩn trọng nhưng khi đại dịch kéo dài quá lâu và con số người lây nhiễm quá nhiều thì dễ khiến người ta chai lì.
Thuộc tánh trạo cử (uddhacca)
Trạo cử là sự lăng xăng, đối lập với điềm đạm. Trạng thái nầy thường được hiểu là giao động - một trạng thái bị động. Kỳ thật không phải vậy. Có thể thí dụ trạng thái nầy giống như bản chất của một đám đông kỳ thị khi nghe một chuyện gì không tốt về những người mình ghét thì sẳn sàng “nhốn nháo” lên mà không thể có thái độ xử trí với tâm thái điềm đạm.
*
Bài học ngày 11.11.2022
Nhóm Thuộc Tánh Tham Phần
Nhóm thuộc tánh tham phần bao gồm ba thuộc tánh: tham, tà kiến, ngã mạn. Nếu nhóm si phần là phần chìm của phiền não như rễ cây thì nhóm tham phần là sự phô diễn như hoa, lá, cành.
Thuộc tánh Tham (lobhhacetasika)
Tham ở đây được hiểu là tham luyến, dính mắc, không thể buông xả. Phân biệt đẹp xấu, hay dở, ngon không ngon ..v.v.. không phải là tham. “Thích” hay vừa ý cũng không hẳn là tham. Lấy thí dụ các vị A la hán như Đức Phật, Ngài Sāriputta vẫn thấy thành Vesāli đẹp nhưng không có tham luyến.
Thuộc tánh tà kiến (diṭṭhicetasika)
Tà kiến ở đây nghĩa là chấp sai: muốn cái gì đó phải đúng cho dù rất sai. Hiểu lầm chưa hẳn là tà kiến. Thấy ông A mà tưởng ông B vì hai người có nét giống nhau thì cái hiểu sai nẩy là lầm tưởng chứ không phải tà kiến. Một người có khuynh hướng về ngã tính khi nhìn mọi hiện tượng sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì chấp kiến đó là tự ngã thì đó là tà kiến. Phải thấy được ý nghĩa nầy mới hiểu tại sao trong Thắng Pháp trạng thái chấp kiến sai lạc không nằm trong nhóm si phần mà nằm trong nhóm tham phần.
Thuộc tánh ngã mạn (mānacetasika)
Có lẽ thuộc tánh nầy gọi là mạn ít bị hiểu lầm hơn là ngã mạn. Chấp ngã thuộc tà kiến. Mạn đơn thuần là nặng tánh cá nhân (individualism). Mạn ở đây là quan niệm theo cách so sánh giữa cá nhân với người khác. Nói cách khác là chấp thủ “nhân ngã bỉ thử”. Sự so sánh nầy cho dù thấy mình hơn người, bằng người hay thua người đều nằm trong mạn.
Cần hiểu nhóm tham phần qua cả hai bình diện Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng.
Trong ba thuộc tánh tham phần là tham, tà kiến, ngã mạn đều cần được hiểu qua cả hai phương diện vĩ mô và quy mô. Ba trạng thái nầy nằm trong rất nhiều thể tài, chi pháp trong Tam Tạng. Phải có cái nhìn toàn diện và sự hiểu biết căn gốc mới tránh được những định nghĩa hạn hẹp.
Nhận thức với sự kết hợp giữa pháp học và pháp hành
Ái chấp, kiến chấp và mạn chấp là ba sự chấp thủ rất tế nhị mà hành giả cần luôn quán chiếu. Đức Phật lập đi lập lại nhiều lần ở nhiều bài kinh về tâm niệm “đây không phải là của ta, không phải ta, không phải là tự ngã của ta”. Không đủ tinh tế để nhận thức tất cả sở đắc, sở chứng như vậy không phải chỉ khiến người tu tập dậm chân mà còn đi vào con đường sai lạc.
Có sự khác biệt lớn trong cách dùng từ theo thường thức và theo thuật ngữ Thắng Pháp.
Ba tên gọi của ba thuộc tánh tham, tà kiến, ngã mạn vốn rất phổ thông trong thường thức cũng như Phật học. Người học cần có sự cẩn trọng như tham không chỉ là “ham muốn tà vạy, quá mức”; tà kiến không chỉ là quan niệm sai lầm có tánh cách tôn giáo mà ngay cả thân kiến cũng là tà kiến; ngã mạn không phải là chấp kiến về ngã (thuộc tà kiến). Nên hiểu theo ý nghĩa chuyên môn.
*
Bài học ngày 18.11.2022
Nhóm Thuộc Tánh Sân Phần
Nhóm thuộc tánh sân phần gồm có bốn: sân, tật, lận, hối. Cả bốn đều có chung tánh cách là khó chịu với cảnh. Một cách thú vị trong sân phần chỉ nêu bốn pháp bản thể mà không đề cập tới những trạng thái thường nhắc tới trong đời sống hằng ngày như lo lắng, sợ hãi ..v.v.. Những trạng thái đó được xem là “màu pha” chứ không phải “màu gốc”.
Thuộc tánh sân (dosa)
Sân là sự khó chịu đối với cảnh. Từ trạng thái phật ý nhỏ cho đến hận thù đều là sân. Sân được xem là đối lập với dục ái. Còn dục ái thì còn sân. Hễ ưa chuộng cái nầy thì ghét cái đối lập. Sân tạo nên sự nóng nảy của tâm; được mô tả là không ưa sự hiện hữu của cảnh không vừa ý.
Thuộc tánh tật (issā)
Tật hay tật đố là sự ganh ghét với cái có, cái được của người khác. Sự khó chịu của tật không phải chỉ là sự so đo mà là ghen ghét cái người khác có đôi khi chỉ đơn thuần là sự đố kỵ.
Thuộc tánh lận (macchariya)
Lận – nói rõ hơn là xan lận – là không muốn mất cái mình có nên khó chịu khi thấy phải san sẻ hay mất đi. Ở cường độ mạnh thì tật là bỏn sẻn keo kiết. Sự xan lận ở đây không phải chỉ đối với tiền bạc, tài sản mà ngay cả đối với kiến thức hoặc sở đắc ..v.v..
Thuộc tánh hối (kukkucca)
Hối là nuối tiếc. Có thể là sự hối hận đã làm điều ác quấy hoặc hối tiếc việc thiện không làm. Đây là điểm thú vị trong Phật học. Trong cái nhìn thường có thì ăn năn là cái gì hiền thiện nhưng theo Thắng Pháp tâm trạng nuối tiếc thuộc tâm sân. Trong Kinh Tạng cũng dạy rõ một người tự biết đã làm sai thì nên “như pháp tỏ lộ” rồi tích cực làm điều tốt chứ không nên sống trong ray rức.
Ngôn ngữ thông thường thường mang ý nghĩa rất nặng
Trong ngôn ngữ thông thường thì những trạng thái như sân giận, ganh tị, keo kiết, hối tiếc được hiểu với tâm trạng rất nặng nề. Những thuật ngữ được dùng cho các thuộc tánh mang cả những hình thức tế nhị nhất. Thí dụ sự phật ý cũng xem là một trạng thái sân, thoáng bâng khuâng nghĩ về cái đã mất cũng là trạng thái sân. Như vậy chữ sân ở đây được dùng với nhiều cường độ khác nhau từ thô đến tế chứ không phải chỉ có sự nặng nề như câu nói “nổi tam bành lục tặc”
Những thuộc tánh sân phần tương đối là phiền não thô
Trái với quan niệm thường có sự khó chịu trước nghịch cảnh theo Phật học chỉ có trong cõi dục giới. Điều nầy có nghĩa là một khi đối với các chúng sanh ở cõi sắc giới và vô sắc giới đau khổ không thể hiểu như sự buồn khổ trước nghịch cảnh.
*
Bài học ngày 25.11.2022
Nhóm Thuộc Tánh Hôn Phần & Nghi Phần
Nhóm thuộc tánh hôn phần có hai: hôn tràm và thuỵ miên. Nhóm nghi phần chỉ có một là hoài nghi. Nếu chỉ có một thì không nên gọi là nhóm nhưng vì đã có bốn nhóm trên mà thuộc tánh hoài nghi nằm riêng lẻ một mình nên tạm gọi là nghi phần.
Thuộc tánh hôn trầm (thiṇa) và thuộc tánh thuỵ miên (middha)
Hai thuộc tánh nầy là trạng thái khiến tâm thụ động, uể oải, chùn xuống, không bén nhạy. Cả hai luôn đi chung. Hôn trầm làm trì trệ thức uẩn. Thuỵ miên làm trì trệ thọ uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Nói cách khác, hôn trầm chi phối tâm còn thuỵ miên chi phối các thuộc tánh. Thể hiện rõ nhất của hôn trầm thuỵ miên là sự buồn ngủ dã dượi. Chính vì điểm nầy đôi khi có sự lầm lẫn cho là hôn trầm là sự dã dượi của tâm còn thuỵ miên là sự uể oải của thân. Theo Thắng Pháp thì cả hai thuộc tánh hôn trầm và thuỵ miên đều chi phối danh pháp (tâm và thuộc tánh). Sự định nghĩa hai thuộc tánh nầy tạo nên sự khác biệt giữa Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng. Sự ngủ nghỉ của chư vị A la hán là do nhu cầu của thân, thậm chí sự mệt mỏi, nhưng không có hôn trầm thuỵ miên.
Thuộc tánh nghi hoặc (vichikiccā)
Nghi hoặc là sự lưỡng lự phân vân, thiếu quyết đoán. Đây không phải là sự có gắng lựa chọn giữa hai điều khó lựa chọn mà là trạng thái trù trừ. Thí dụ một người có thói quen lưỡng lự khi nhìn vào một thực đơn có nhiều món mà mình không hiểu ngon dở thế nào thay vì hỏi thăm hay cứ chọn một món nào đó thì chứ phân vân trong thời gian dài. Nói cách khác nghi hoặc ở đây không phải là sự hoài nghi trước điều nên đặt câu hỏi mà là thái độ trù trừ không chịu quyết đoán.
Nên hiểu ý nghĩa bất thiện ở đây theo cách vĩ mô.
Người ta thường quan niệm thiện hay bất thiện khi làm điều gì đó phương hại tới người khác. Đó là cách nói đại loại. Trong trong cách nói vĩ mô những gì chỉ đi với tâm bất thiện và thuộc tánh bất thiện thì cái đó luôn bất thiện. Những thuộc tánh hôn trầm, thụy miên, nghi hoặc thoạt dường như là bản chất tự nhiên vô hại kỳ thật là những ngăn ngại tâm trí. Những hiện tượng như thụ động, biếng nhác, thiếu quyết đoán để hành động đều do những thuộc tánh nầy. Càng tu tập định uẩn thì càng phải đương đầu với sự chi phối của hôn thuỵ và nghi hoặc.
Tốt xấu có khi do làm, có khi do không làm
Một quan niệm khác rất phổ thông là tốt xấu là do làm cái gì đó. Còn nếu không làm không có quả lành, quả khổ chứ không có gì đáng nói. Thực tế thì ngay trong cuộc sống có những cái thụ động “không làm gì” tạo nên hệ quả nghiêm trọng thí dụ người lính gác lơ là với sự canh gác hay con không quan tâm tới cha mẹ già yếu. Hôn trầm, thuỵ miên, nghi hoặc là những ngăn ngại lớn đối với sự sống tích cực.
Có những thứ thoạt nhìn rất nhẹ nhưng ảnh hưởng tai hại
Trong cách nói vĩ mô như thuộc tánh trong một sát na tâm thì có thể không quá lớn để ghi nhận hay tạo nên hệ quả nghiêm trọng. Thế nhưng khi những thuộc tánh trở nên nổi trội như biến thành chi thiền hay triền cái thì là “chuyện lớn”. Cũng như sự lười biếng sau một tuần làm việc không phải là chuyện phải nói nhiều nhưng khi lười biếng trở thành bản chất cố hữu thì là vấn đề lớn.
Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn