Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | Bài 33. Thuộc Tánh Của Tâm (Cetasika)

Thứ sáu, 07/10/2022, 18:36 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 7.10.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

33. Thuộc Tánh Của Tâm (Cetasika)

33. Ekuppāda-nirodhā ca ekālambana-vatthukā

Cetoyuttā dvipaññāsa dhammā cetasikā matā.

52 trạng thái tương hợp với tâm là những pháp đồng sanh đồng diệt, đồng cảnh đồng căn được gọi là thuộc tánh.

ekuppāda-nirodhā = đồng sanh đồng diệt

ekālambana-vatthukā = đồng cảnh đồng căn

cetoyuttā = tương ưng với tâm

dvipaññāsa dhammā = 52 pháp

cetasikā = thuộc tánh của tâm, tâm sở

matā = hiểu, biết, thấy

Chú thích

Theo Thắng Pháp Abhidhamma, có thể nói là kể cả toàn bộ Phật Pháp, tất cả hiện tượng của pháp hữu vi dù là đơn vị cực vi như mỗi sát na tâm pháp hay sắc pháp đều là sự kết cấu của nhiều thành tố. Trong trường hợp tâm thức thì sự kế cấu nầy đôi khi rất khó hiểu mặc dù hoàn toàn tương hợp với những gì khoa học trình bày ngày nay.

Giáo trình nầy gọi là thuộc tánh của tâm để chỉ cho những thành tố có mặt trong mỗi sát na tâm tạo nên tính cách đặc thù. Những thành tố nầy dễ bị hiểu lầm như là thứ tâm riêng biệt như tham, sân, tín, niệm, tàm, quý ..v.v.. Trong Phật học thuộc hệ Hán ngữ citta được dịch là “tâm vương” trong lúc cetasika được dịch là “tâm sở” được hiểu như một triều đình mà trong đó vua là chủ vị và các cận thần là phụ thuộc. Ý nghĩa nầy giống với hệ Pāli nhưng ở đây không dùng vì người ta có thể hiểu tâm vương, tâm sở là hai thứ tâm. Ngài Tịnh Sự dịch cetasika là sở hữu tâm cũng mang ý nghĩa là thuộc tánh của tâm nhưng trong tiếng Việt ngày nay sở hữu thường được hiểu là “làm chủ” cái gì đó nên trong giáo trình nầy chọn chữ thuộc tánh.

Trong cách định nghĩa thuộc tánh thì Thắng Pháp nêu những đặc điểm: đồng sanh, đồng diệt, đồng nương một căn, đồng biết một cảnh. Điều nầy có nghĩa là tâm và thuộc tánh đồng hiện hữu trong mỗi sát na. Nói cách khác tất cả tâm đều có bốn danh uẩn là thọ, tưởng, hành, thức (thức uẩn là tâm; thọ, tưởng, hành là thuộc tánh). Điểm thú vị là trong một cái biết có nhiều cái biết cùng lúc như cái biết của thức, cái biết của tưởng, cái biết của trí tuy đặc tính có khác lại có thể đồng sanh trong một sát na nhận thức.

Có tất cả là 52 thuộc tánh của tâm được chia thành ba nhóm. Nhóm đầu là nhóm tợ tha, với đặc tính là khi đi với tâm thiện thì là thiện; đi với bất thiện trở thành bất thiện. Nhóm thứ hai là nhóm bất thiện chỉ có trong những tâm bất thiện. Nhóm thứ ba là nhóm tịnh hảo chỉ có trong những thứ tâm tốt đẹp.

Sự gặp gỡ và phân ngã rẽ giữa Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng. Nói về tâm (citta) và những thuộc tánh (cetasika) không phải chỉ có trong Thắng Pháp Tạng mà Kinh Tạng cũng đề cập rất nhiều. Trong ngũ uẩn, thức uẩn là tâm còn thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn là những thuộc tánh (cetasika). Điểm nầy rất cần lưu ý vì nhiều người quan niệm rằng Thắng Pháp dạy những gì rất xa lạ so với Kinh Tạng. Nói như vậy không có nghĩa là hoàn toàn giống nhau. Đọc Kinh Tạng thường người ta có cảm tưởng thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn sanh khởi và tồn tại độc lập trong lúc Thắng Pháp dạy tâm và các thuộc tánh đồng sanh, đồng điệt, đồng nương một căn, đồng biết một cảnh. Hoàn toàn không có sự mâu thuẩn chỉ do hai cách trình bày nên có có khác biệt.

Hai cách nói vĩ mô (micro) và quy mô (macro) cần được nhận rõ ở đây. Như đã nói trong Phật Pháp dù là Kinh Tạng hay Thắng Pháp Tạng có sự khác biệt giữa cách nói đại loại hay quy mô (macro) và vĩ mô (micro). Theo cách nói đại loại thì núi non thuộc địa đại, sông hồ thuộc thuỷ đại ..v.v.. nhưng trong cách nói vĩ mô thì một hạt vi trần có đủ bốn đại. Sẽ rất khó hiểu nếu cố gắng tưởng tượng tại sao trong một sát na mà có những thành tố như xúc, thọ, tưởng, tư ..v.v.. Pháp sư Giác Chánh dùng thí dụ như một chút nước canh trên đầu đủa vẫn chứa đủ những hợp chất của nồi canh. Người học cần dùng nhiều thí dụ để hiểu điều nầy. Theo cách nói vĩ mô thì những ý nghĩa tín, niệm, tàm, quý ..v.v.. có mặt trong tất cả tâm tịnh hảo và không nên hiểu những điều đó như cách hiểu bình thường.

Những khái niệm tốt xấu, thiện ác cần được hiểu một cách khác hơn thường thức. Thắng Pháp dùng chữ tịnh hảo – sobhana – chỉ cho cái đẹp. Tất cả tâm thiện đều là tịnh hảo nhưng tịnh hảo không nhất thiết là tâm thiện. Thiện ác theo thường thức, đặc biệt là tôn giáo, có những điểm khác với Thắng Pháp khi nói về các thuộc tánh. Ăn năn hối hận sau khi làm điều ác được xem là thiện chí nhưng hối quá là thuộc tánh bất thiện. Có những thứ là trung tánh nhưng khi tu luyện trở thành chi thiền nhưng tầm, tứ, hỷ, lạc, định. Nên “học với tâm thái hồn nhiên” hơn là đem những định kiến khi đào sâu vào các thuộc tánh.

Sự phân nhóm những thuộc tánh cho chúng ta biết nhiều những khía cạnh của tâm lý. Có thể nói một trong những lợi ích lớn nhất của việc học Thắng Pháp là tính cách phân nhóm của các thuộc tánh. Thí dụ thuộc tánh tà kiến thuộc tham phần (thông thường người ta có thể hiểu tà kiến là si mê) hay thuộc tánh tư (cetana) có mặt trong tất cả tâm. Hiểu rõ những điều nầy cho chúng ta cái nhìn tinh tế hơn khi học Kinh Tạng hay Phật Pháp nói chung.

Sự kết hợp giữa tâm và các thuộc tánh cho chúng ta biết nhiều điểm tế nhị về tâm thức. Một điểm khác rất thú vị và lợi ích khi học về các thuộc tánh của tâm là sự kết hợp giữa tâm và thuộc tánh. Như trường hợp tại sao thuộc tánh si có mặt trong tất cả tâm bất thiện. Hoặc có những thuộc tánh cùng là “trung tánh” nhưng chia ra hai nhóm “biến hành” và “biệt cảnh”. Những tương hợp tạo nên những khía cạnh sống động khi nói về tâm thức.

Những từ vựng trong phần nầy phải được hiểu là “thuật ngữ” hay danh từ chuyên môn. Thắng Pháp có cả “rừng thuật ngữ” Điều nầy tự nhiên bắt buộc phải xài nhiều từ Hán Việt. Vấn đề là trong chữ Hán có cách hiểu khác biệt giữa từ vựng cổ văn và kim văn. Lấy thí dụ chữ tác ý có thể hiểu là chủ tâm tạo tác mà cũng có ý nghĩa là tập chú (focus). Ý nghĩa đầu có thể dùng để dịch chữ cetanà (tác ý tạo nghiệp), ý nghĩa sau có thể dùng để dịch chữ manasikāra hay tập chú đối với cảnh như khi nói về thuộc tánh biến hành. Một thí dụ khác là chữ phóng dật. Phóng dật có thể hiểu là sự buông thả, giãi đãi mà cũng có nghĩa là giao động. Hai nhà dịch thuật tinh thông Hán Việt là HT Thích Minh Châu và HT Tịnh Sự đôi khi có sự trái ngược trong cách dịch do vấn đề nầy.

Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc
suncity oxbet bk8 s666 11bet zbet lode88 12bet nbet hb88 kubet77 fcb8 k8 mig8 top88 sbobet vnloto onebox63 vwin bet69 zowin win2888 sun hotlive bet168 ibet888 33win bong99 kubet w88 bong88 m88 vn88 xoso66 vobo88 binh88 jdb666 corona888 kimlong90 hb88g pua88 dd7 8xbet