- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
Bài học ngày 23.9.2022
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
27. Tâm Quả Siêu Thế
(lokuttara-vipākacittāni)
Chánh văn
1. Sotāpatti-phalacittaṃ.
2. Sakadāgāmi-phalacittaṃ.
3. Anāgāmi-phalacittaṃ.
4. Arahatta-phalacittañ cā ti.
Imāni cattāri pi lokuttara-vipākacittāni nāma.
Icc’evaṃ sabbathā pi aṭṭha lokuttara-kusala-vipāka-cittāni samattāni.
1. Tâm quả nhập lưu
2. Tâm quả nhất lai
3. Tâm quả bất lai
4. Tâm quả vô sanh ứng cúng
Đây là bốn tâm quả siêu thế.
Như vậy tổng cộng tất cả 8 loại tâm siêu thế gồm tâm thiện và tâm quả.
Phalacittaṃ > tâm quả
Sotāpatti > nhập lưu, vào giòng thánh vức
Sakadāgāmi > nhất lai
Anāgāmi > bất lai
Arahatta > vô sanh ứng cúng, đoạn tận phiền não
lokuttara-vipākacittāni > những tâm quả siêu thế
*
Chú thích
Tâm quả siêu thế là những tâm do tâm đạo siêu thế tạo thành theo nguyên lý “nhân quả” mặc dù chỉ là sát na trước và sát na sau. Nguyên lý nhân quả được hiểu là do thuộc tánh tư (cetanā) trong tâm thiện tạo thành tâm quả - trong trường hợp nầy là tâm thiện siêu thế hay tâm đạo (maggacitta). Những tâm quả hiệp thế hoàn toàn không có quả dị thục nối liền trước sau như vậy. Hiện tượng nầy được gọi là akāliko (vượt thời gian hay không có thời gian gián đoạn)
Nên lưu ý những tâm nầy được gọi với vả hai từ phala và vipāka mà từ vựng tiếng Việt đều dịch là “quả”. Phala là trái kết thành do hoa (mang tính chóng vánh) còn vipāka là trái từ hạt giống (trãi qua quá trình dâm chồi nảy lộc, cây con, cây lớn, đơm hoa kết trái). Trong Phật học tiếng Việt có thể tạm gọi phalacitta tâm quả siêu thế, vipāka là tâm quả dị thục. Trong trường hợp nầy khó tìm chữ tương đương. (Sự khác biệt nầy có thể tạm hiểu theo cách dùng khác biệt giữa hai từ hệ quả và hậu quả)
Tâm quả siêu thế cũng là trạng thái cao siêu nhưng không tạo nên ảnh hưởng đột phá như tâm đạo. Tâm quả siêu thế sanh sau tâm đạo là sự sanh khởi đương nhiên như bóng đèn bật sáng (tâm đạo) và ánh sáng tiếp tục (tâm quả). Một người học trò được đào tạo trong một trường phái nghệ thuật, tư tưởng … tuy có thể làm nên những tác phẩm hay tư tưởng có tầm cở nhưng không thể tạo ảnh hưởng như vị thầy đặc biệt trong trường hợp chỉ là “phiên bản” của người đi trước.
Tâm quả siêu thế chỉ làm việc xử lý cảnh không làm các việc tục sinh, tiềm thức, mệnh chung. Chư vị thánh tu đà huờn, tư đà hàm, a na hàm không tái sanh bằng tâm quả siêu thế. Tất nhiên là chư vị a la hán không còn sanh tử nên không cần đề cập về phương diện nầy. Chư thánh nhân chỉ dùng tâm quả để nhập thiền quả. Trong đời sống hằng ngày các Ngài dùng nhiều thứ tâm. Riêng chư vị A la hán thường dùng tâm đại tố dục giới. Điểm nầy cần lưu ý vì thường có hiểu lầm là chư thánh nhân sống hằng ngày bằng tâm quả. Tâm quả chỉ biết cảnh níp bàn.
Tâm quả siêu thế có đặc điểm là trong đời sống bình thường có thể phát khởi do ý chí, một điều không thể được đối với các loại tâm quả dục giới tịnh hảo, sắc giới, vô sắc giới. Có nghĩa là như một vị thánh tu đà huờn trong đời sống hằng ngày muốn nhập thiền quả (Phalasamāpatticittavīthi) lấy niết bàn làm án xứ thì có thể khiến tâm sơ quả sanh khởi như ý vì tâm quả siêu thế làm việc javana (xử lý). Tâm quả chỉ được dùng để quán chiếu niết bàn. Chỉ có những bậc đắc định (thiền chứng) mới có thể nhập thiền quả.
Những vị đắc đạo không có thiền chứng gọi là can quán giả (sukhavipassanā) không thể nhập thiền quả mặc dù khi đắc đạo thì tâm có thiền chi tương đương với sơ thiền. Lý do được giải thích là những vị nầy vốn không có quá trình tôi luyện thuần thục trong việc xuất nhập thiền.
Theo một số các vị a xà lê thì một vị thánh chứng tâm đạo siêu thế nào thì chỉ có thể nhập thiền quả, nếu đã có thiền chứng, bằng thứ tâm quả siêu thế đó. Đơn cử như một vị chứng tam đạo nhị thiền thì sau đó tâm quả siêu thế để nhập thiền quả dừng lại ở tâm quả nhị thiền. Điều nầy tạo nên nguyên lý là sự sai biệt giữa các thiền chứng trong tâm quả được quyết định bởi sự chứng thiền trước khi đắc đạo. Không có một cơ sở nào trong kinh điển nói rằng một vị chứng thánh quả sau đó không thể tu luyện thiền chứng cao hơn như từ chỗ không có thiền chứng đắc các thiền chứng hay thiền chứng thấp có thể chứng các thiền chứng cao. Điểm chính được nói ở đây là sự tương đương của tâm quả siêu thế đối với tâm đạo (…)
Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng