Môn học: Phạn ngữ Pāli _ BÀI 14. CHIA ĐỘNG TỪ THÌ TƯƠNG LAI

Thứ sáu, 17/09/2021, 15:23 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI”

Bài học ngày 17.9.2021


BÀI 14. CHIA ĐỘNG TỪ THÌ TƯƠNG LAI

1. Chia động từ thì tương lai

Thì tương lai chỉ cho những gì sẽ xảy ra đối với động từ. Động từ thì tương lai trong Pāli cũng đơn giản như trong Anh ngữ.

Thì tương lai tạo thành bằng cách thêm -ssa và động từ căn hoặc động từ nguyên mẫu với nguyên âm -i- đứng giữa. Cũng có trường hợp không cần nguyên âm -i-.

Sự tận cùng để chia ngôi thứ và số cũng giống nhưng thì hiện tại.

Nguyên mẫu: paca = nấu

Số ít
Ngôi thứ ba (So) pacissati = Nó sẽ nấu
Ngôi thứ hai (Tvaṃ) pacissasi = Anh sẽ nấu
Ngôi thứ nhất (Ahaṃ) pacissāmi = Tôi sẽ nấu
Số nhiều    
Ngôi thứ ba (Te) pacissanti = Họ sẽ nấu
Ngôi thứ hai (Tumhe) pacissatha = Các anh sẽ nấu
Ngôi thứ nhất (Mayaṃ) pacissāma = Chúng tôi sẽ nấu

Nguyên mẫu: core = trộm cướp

Ngôi Số ít Số nhiều
Ngôi thứ ba (So) coressati (Te) coressanti
Ngôi thứ hai (Tvaṃ) coressasi (Tumhe) coressatha
Ngôi thứ nhất (Ahaṃ) coressāmi (Mayaṃ) coressāma

Nguyên mẫu: kiṇā = mua

Ngôi  Số ít Số nhiều
Ngôi thứ ba (So) kiṇissati (Te) kiṇissanti
Ngôi thứ hai (Tvaṃ) kiṇissasi (Tumhe) kiṇissatha
Ngôi thứ nhất (Ahaṃ) kiṇissāmi (Mayaṃ) kiṇissāma

2. Nên lưu ý có vài trường hợp đặc biệt sau:

gacchati – gamissati = nó sẽ đi
āgacchati – āgamissati = nó sẽ tới
dadāti – dadissati / dassati = nó sẽ cho
tiṭṭhati – ṭhassati = nó sẽ đứng
karoti – karissati = nó sẽ làm

PĀLI VUI ĐỂ HỌC

CÙNG GỐC NHƯNG KHÁC NGỌN

Ngôn ngữ nào cũng có những điểm “lắc léo”. Phạm ngữ ngoài cấu trúc tế nhị của một ngôn ngữ mang nhiều màu sắc tôn giáo, triết học còn được diễn dịch bởi tông phái và những phân hoá hậu kỳ. Hơn thế nữa những thuật ngữ Phật học ở Việt Nam còn chịu ảnh hưởng bởi “một ông lớn của văn minh Đông Phương” là Trung Hoa. Những chi phối nầy đôi khi tạo nên những từ ngữ dở khóc dở cười.

Khi A la hán không phải là ứng cúng. Trong nền Phật Học Đại Thừa chữ Ứng Cúng dành cho bậc Chánh Đẳng Chánh Giác trong lúc A la hán chỉ cho hàng thinh văn tiểu thừa. Điều trớ trêu là trên phương diện văn tự thì cả hai có cùng một gốc. A la hán là Phạn âm của chữ Arahaṃ, được dịch là Ứng cúng có nghĩa là “bậc xứng đáng được cúng dường vì hoàn toàn thanh tịnh. Trong Tam Tạng Pāli thì tất cả bậc đoạn tận phiền não dù toàn giác, độc giác hay thinh văn giác đều là bậc Arahaṃ. Khi HT. Thích Minh Châu dịch Kinh Tạng Pāli mở đầu với câu “Đảnh lễ Đức Thế Tôn, Bậc A La Hán, Chánh Đẳng Chánh Giác” đã tạo nên nhiều “khó chịu” trong giới Phật học Việt Nam bởi vì “tại sao là chánh đẳng chánh giác mà còn là a la hán (sic)”.

Khi thiền không có định. Thiền trong tiếng Hán Việt được đọc là “chan” trong Hoa ngữ và “Zen” trong Nhật ngữ. Tất cả đều phát xuất từ Phạm ngữ jhāna. Định nghĩa chính xác thì jhāna là phương cách thiêu đốt phiền não bằng định lực với năm thiền chi là tầm, tứ, hỷ, lạc, định. Bằng sự tập trung cao độ hành giả có thể xuất nhập tự tại đối với các thiền chứng. Jhāna thuộc samatha (tịnh chỉ) đối lại với vipassana (quán niệm). Zen trong thiền học Nhật Bản (và cũng một phần của thiền tông Trung Hoa) là cách trực nhận để tỏ ngộ qua sự chiêm nghiệm và giải mã các công án với những tiêu chí như “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ chơn tâm, kiến tánh thành Phật”. Nói một cách tương đối thì “thiền Zen” gần với vipassana hơn samatha trong ý nghĩa uyên nguyên của chữ jhāna.

Giáo chủ ta bà không hẳn là ta bà giáo chủ. Chữ ta bà là phiên âm chữ sahā là cách viết ngắn của chữ sahālokadhātu (ta bà thế giới) là một khái niệm bắt nguồn từ Bà la môn giáo mà sau nầy Phật giáo Đại Thừa sử dụng với khái niệm là một cõi Phật nằm trung vị trong ngũ phương thế giới. Cõi ta bà không có được những hạnh phúc như cõi Tây Phương Cực lạc của Đức Phật A Di Dà hay cõi Đông Phương của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. Đức Phật Thích Ca là giáo chủ cõi ta bà. Cõi ta bà được dịch là nhẫn giới có nghĩa là cõi giới khổ nhất trong tất cả cõi Phật cũng gọi là ngũ trược ác thế (giống như người ta nói quê hương Miền Trung đất cày lên sỏi đá). Trong Tam Tạng Pāli thì chữ ta bà giáo chủ hay Sahampati chỉ cho một vị Đại Phạm Thiên ở cõi sắc giới. Vị nầy không trực tiếp can dự vào những tế toái của nhân gian như Tứ Thiên Vương hay Thiên chủ Đế Thích mà giống như vai trò danh dự của tổng thống Ấn Độ (ceremonial role). Chính đại phạm thiên Sahampati cung thỉnh Đức Phật chuyển pháp luân.

Trong ngôn ngữ nhà chùa đôi khi cụm từ “ta bà giáo chủ” chỉ cho những nhà sư đi rày đây may đó không thích trụ một chỗ. Chữ nghĩa có lúc cũng khiến người ta … bó tay.

PĀLI TRONG NGHI THỨC NHẬT HÀNH

Hồi Hướng Chư Thiên

Ākāsaṭṭhā ca bhummaṭṭhā
devā nāgā mahiddhikā
puññaṃ no anumodantu
ciraṃ rakkhantu sāsanaṃ
… raṭṭhake
… ñātayo
... pāṇino
… no sadā

BÀI TẬP 14

Dịch sang tiếng Việt

1. So pabbatamhā udentaṃ candaṃ passituṃ pāsādaṃ āruhissati.

2. Bhūpālo corehi dīpaṃ rakkhituṃ amaccehi saha mantessati.

3. Ahaṃ samuddaṃ taritvā dīpaṃ pāpuṇitvā bhaṇḍāni vikkiṇissāmi.

Dịch sang tiếng Pāli

1. Được học giáo pháp từ Đức Phật tôi sẽ sống thuận pháp trong đời.

2. Tôi sẽ khuyên nhắc nhà vua cùng các quần thần cai trị hòn đảo với chân pháp.

3. Để quần áo trên chỗ ngồi, đức bé sẽ xuống nước để tắm.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc