Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VIII. Phẩm Ngàn (Sahassavagga) _ Kệ số 9 (dhp 108)

Thứ năm, 02/02/2023, 09:38 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 2.2.2023


VIII

PHẨM NGÀN

(sahassavagga)

VIII. Phẩm Ngàn _ Kệ số 9 (dhp 108)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết cho vị bà la môn bạn của trưởng lão Sāriputta, khi đức Phật trú ở Veḷuvana gần thành Rājagaha.

Trưởng lão Sāriputta đến thăm người bạn là vị bà la môn ở Rājagaha. Trưởng lão hỏi vị bà la môn ấy có làm được điều thiện gì không? Ông ta đáp: Tôi đã làm nhiều tế đàn (yāga) qui mô, phải bỏ ra rất nhiều tiền của để tổ chức các tế đàn ấy.

Trưởng lão hỏi làm tế đàn như vậy vì mục đích gì?

Vị bà la môn trả lời là vì mục đích lên phạm thiên giới.

Trưởng lão Sāriputta nói: Đó không phải là con đường đến cõi phạm thiên. Ta sẽ dẫn ông đến một vị đạo sư, vị ấy biết con đường đến phạm thiên giới, sẽ thuyết pháp cho ông nghe.

Rồi trưởng lão dẫn vị bà la môn bạn đi đến đức Thế Tôn, và thuật lại câu chuyện, đồng thời thỉnh Ngài thuyết pháp tế độ ông bà la môn.

Đức Thế tôn đã hỏi vị bà la môn ấy có thật là ông đã làm nhiều tế đàn mong cầu phước sanh cõi phạm thiên? Ông bà la môn ấy đã xác nhận là vậy.

Đức thế tôn bèn thuyết pháp cho ông ta nghe và Ngài nói lên bài kệ: “Yaṃ kiñci yiṭṭhaṃ va hutaṃ va loke … abhivādanā ujjugatesu seyyo ’ti”.

Dứt pháp thoại, vị bà la môn ấy đắc quả tu đà hườn.

*

Chánh văn:

Yaṃ kiñci yiṭṭhaṃ va hutaṃ va loke

saṃvaccharaṃ yajetha puññapekkho

sabbampi taṃ na catubhāgameti

abhivādanā ujjugatesu seyyo.

(dhp 108)

*

Thích văn:

yaṃ [đối cách số ít trung tính của quan hệ đại từ ya] cái nào, điều mà.

kiñci [đối cách số ít trung tính của phiếm chỉ đại từ kaci (ka + ci)] bất cứ điều gì. Kiñci thường đi chung với yaṃ (yaṃ kiñci, yaṅkiñci) có ý nghĩa “bất cứ cái gì, bất luận cái nào”.

yiṭṭhaṃ [đối cách số ít trung tính của tính từ yiṭṭha (quá khứ phân từ của động từ yajati)] cúng tế, vật cúng tế.

va [hình thức giản lược của _ liên từ] hay là, hoặc là.

hutaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính huta] sự bái tế, sự tế lễ.

loke [định sở cách số ít của danh từ nam tính loka] trong đời, ở đời, trong thế gian.

saṃvaccharaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính saṃvacchara. Ở đây dùng như một trạng từ chỉ thời gian] hằng năm, mỗi năm.

yajetha [động từ khả năng cách attanopada ngôi III số ít (yaj + a)] có thể cúng tế, có thể hiến tế.

puññapekkho [chủ cách số ít nam tính của hợp thể danh từ puññapekkha (puñña + pekkha)] hướng cầu phước báu.

sabbampi [hợp âm sabbaṃ api]

sabbaṃ [chủ cách số ít trung tính của phiếm chỉ đại từ sabba] tất cả, mọi thứ, hết thảy.

pi [api bất biến từ] dù cho, mặc dù.

taṃ [chủ cách số ít trung tính của chỉ thị đại từ ta] điều ấy, việc ấy.

na [phân từ phủ định] không, chẳng

catubhāgameti [hợp âm catubhāgaṃ eti]

catubhāgaṃ [đối cách số ít của hợp thể danh từ nam tính catubhāga (catu + bhāga)] một phần tư.

eti [động từ hiện tại ngôi III số ít (i + a)] đến, đi đến, đạt đến.

abhivādanā [chủ cách số ít của danh từ nữ tính abhivādanā] sự đảnh lễ, sự kính lễ.

ujjugatesu [định sở cách số nhiều của hợp thể tỉnh từ ujjugata hoặc ujugata (uju + gata)] chính đạo, lộ trình ngay thẳng. Hợp thể danh từ nam tính ujugata (vị đã đi chánh đạo).

seyyo [bất biến từ] tốt đẹp hơn, tốt hơn.

*

Việt văn:

Suốt năm cúng tế vật

để cầu phước ở đời

không bằng một phần tư

kính lễ bậc chánh trực.

(pc 108)

*

Chuyển văn:

Loke puññapekkho yaṃ kiñci yiṭṭhaṃ vā hutaṃ vā saṃvaccharaṃ yajetha taṃ sabbaṃ api na catubhāgaṃ eti ujjugatesu abhivādanā seyyo.

Ở đời, người cầu phước có thể suốt năm hiến cúng bất cứ tế phẩm hoặc tặng phẩm gì, tất cả sự hiến cúng ấy cũng không bằng một phần tư sự kính lễ các bậc chánh trực, sự kính lễ ấy tốt hơn.

*

Lý giải:

Ý nghĩa của bài kệ nầy là đảnh lễ một bậc thánh nhân cao quí hơn là dâng hiến lễ phẩm trong ngày lễ hội hoặc bố thí tặng phẩm cho người phàm phu để cầu được phước.

Bậc chánh trực (ujjugata) theo chú giải là ám chỉ các bậc thánh từ tu đà hườn đến A la hán, là những bậc đã đi trên con đường thẳng tiến đến níp bàn.

Sự bố thí hay hiến tặng phẩm vật cho mọi người cũng có phước nhưng quả phước ấy là nhỏ so với sự đảnh lễ bậc thánh.

Điều so sánh, không bằng một phần tư là cách nói thường thức chứ không phải nói chính xác việc phước do đảnh lễ bậc thánh nhiều gấp bốn lần so với việc phước hiến tặng lễ phẩm trong các ngày lễ hội.

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn

Ý kiến bạn đọc