Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI” - BÀI 32. BIẾN CÁCH CỦA ĐẠI TỪ

Thứ sáu, 11/03/2022, 19:24 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI”

Bài học ngày 11.3.2022


BÀI 32. BIẾN CÁCH CỦA ĐẠI TỪ

1. Biến cách của đại từ

Trong văn phạm, đại từ hay đại danh từ được hiểu là những chữ có thể đứng một mình hay trong một mệnh đè vẫn mang đầy đủ nghĩa. Thí dụ: Ai? Đó!... Ở đây chọn chữ đại từ thay vì đại danh từ bởi đôi khi những chữ nầy có thể làm tính từ.

Đại từ có thể chia làm ba:

- Đại từ chỉ sự quan hệ

- Đại từ chỉ sự biểu thị

- Đại từ chỉ nghi vấn

Đại từ được dùng cho cả ba giới tính.

Đại từ được chia theo tất cả biến cách danh từ ngoại trừ hô cách

Đại từ trở thành tính từ khi chúng bổ nghĩa cho những danh từ khác.

2. Biến cách đại từ nam tánh, số ít

Biến cách  Đại từ quan hệ Đại từ chỉ định Đại từ nghi vấn
Chủ cách yo = anh ấy, người so = anh ấy, người ấy ko = ai, người nào
Đối cách yaṃ taṃ kaṃ
Sở dụng cách yena tena kena
Xuất xứ cách yamhā, yasmā tamhā, tasmā kasmā, kismā
Chỉ định cách yassa tassa kassa, kissa
Sở thuộc cách yassa tassa kassa, kissa
Định sở cách yamhi, yasmiṃ tamhi, tasmiṃ kamhi, kasmiṃ, kimhi, kismiṃ

3. Biến cách đại từ trung tánh, số ít

Biến cách Đại từ quan hệ Đại từ chỉ định Đại từ nghi vấn
Chủ cách yaṃ = người mà, cái mà, mà taṃ = cái đó, điều đó, vật ấy, vật đó kiṃ = người nào, vật nào
Đối cách yaṃ taṃ kiṃ

4. Biến cách đại từ nữ tánh, số ít

Biến cách Đại từ quan hệ Đại từ chỉ định Đại từ nghi vấn
Chủ cách = cô ấy, người = cô ấy, người ấy = ai, người nào
Đối cách yaṃ taṃ kaṃ
Sở dụng cách yāya tāya kāya
Xuất xứ cách yāya tāya kāya
Chỉ định cách yassā, yāya tassā, tāya kassā, kāya
Sở thuộc cách yassā, yāya tassā, tāya kassā, kāya
Định sở cách yassaṃ, yāyaṃ tassaṃ, tāyaṃ kassaṃ, kāyaṃ

5. Biến cách đại từ nam tánh, số nhiều

Biến cách Đại từ quan hệ Đại từ chỉ định Đại từ nghi vấn
Chủ cách ye =chúng, họ, những người ấy te = chúng, họ, những người ấy ke = những ai, những người nào
Đối cách ye te ke
Sở dụng cách yehi tehi kehi
Xuất xứ cách yehi tehi kehi
Chỉ định cách yesaṃ (yesānaṃ) tesaṃ (tesānaṃ) kesaṃ (kesānaṃ)
Sở thuộc cách yesaṃ (yesānaṃ) tesaṃ (tesānaṃ) kesaṃ (kesānaṃ)
Định sở cách yesu tesu kesu

6. Biến cách đại từ trung tánh, số nhiều

Biến cách Đại từ quan hệ Đại từ chỉ định Đại từ nghi vấn
Chủ cách yāni, ye = những người  mà, những cái  mà, mà tāni, te = những cái đó,  những điều đó,  những vật ấy kāni = những người  nào, những vật  nào

7. Biến cách đại từ nữ tánh, số nhiều

Biến cách Đại từ quan hệ Đại từ chỉ định Đại từ nghi vấn
Chủ cách

yā, yāyo = chúng, họ, những người

tā, tāyo = chúng, họ, những người ấy kā, kāyo = những ai, những người nào
Đối cách

yā, yāyo

tā, tāyo kā, kāyo
Sở dụng cách

yāhi

tāhi kāhi
Xuất xứ cách 

yāhi

tāhi kāhi
Chỉ định cách yāsaṃ (yāsānaṃ) tāsaṃ (tāsānaṃ) kāsaṃ (kāsānaṃ)
Sở định cách yāsaṃ (yāsānaṃ) tāsaṃ (tāsānaṃ) kāsaṃ (kāsānaṃ)
Định sở cách yāsu tāsu kāsu

8. Tiểu từ bất định: ci

Tiểu từ bất định được thêm vào đại từ nghi vấn để biểu đạt ý nghĩa: bất cứ ai, bất cứ cái nào, bất cứ người nào …

Nam tính

koci puriso = bất cứ người đàn ông nào

kenaci purisena = bởi bất cứ người đàn ông nào

Trung tính

kiñci phalaṃ = bất cứ trái cây nào

kenaci phalena = bằng bất cứ trái cây nào

Nữ tính

kāci itthi = bất cứ người đàn bà nào

kāyaci itthiya = bởi / đến / của / nơi bất cứ người đàn bà nào


9. Đại trạng từ

Đại trạng từ quan hệ Đại trạng từ chỉ định Đại trạng từ nghi vấn

yattha – nơi nào

tattha – ở nơi đó

kattha – ở đâu?

yatra – ở nơi nào

tatra – tại nơi đó.

kutra – ở đâu?

yato – từ nơi nào, do nơi đâu

tato – từ đó, cho nên

kuto – từ đâu?

yathā – cách nào, như thế nào

tathā – theo cách ấy

kathaṃ – bằng cách nào?

yasmā – vì, bởi do

tadā – vào lúc ấy

kasmā – tại sao?

yadā – vào khi nào

tena – bằng cách ấy

kadā – vào lúc nào?

yena – bằng cách nào

tāva – đến khi ấy

yāva – đến khi nào

10. Những thí dụ về cách thành lập câu

Yo atthaññu hoti so kumāre anusāsituṃ āgacchatu.

Mong người nhân ái ấy tới để khuyên lơn những đứa con trai

Yaṃ ahaṃ ākaṅkhamāno ahosiṃ so āgato hoti.

Người mà tôi kỳ vọng đã tới

Yena maggena so āgato tena gantuṃ ahaṃ icchāmi.

Ông ấy đến bằng đường nào, tôi cũng muống đi bằng con đường ấy

Yassa sā bhariyā hoti so bhattā puññavanto hoti.

Người nào lấy cô ấy làm vợ là người có phước

Yasmiṃ hatthe daddu atthi tena hatthena patto na gaṇhitabbo hoti.

Bình bát không nên cầm lấy bởi bàn tay có chàm

Yāni kammāni sukhaṃ āvahanti (bring) tāni puññāni honti.

Những hành động mang lại an lạc là phước hạnh

Yā bhariyā sīlavatī hoti sā bhattuno piyāyati.

Người vợ giới hạnh rất thân ái đối với với chồng

Yāya rājiniyā sā vāpī kārāpitā taṃ ahaṃ na anussarāmi.

Bể nước ấy được xây bởi hoàng hậu (hay nữ hoàng) nào tôi không nhớ

Yassaṃ sabhāyaṃ so kathaṃ pavattesi tattha bahū manussā sannipatitā abhaviṃsu / ahesuṃ.

Nơi ông ấy diễn thuyết đã có nhiều người tụ tập

Yāsaṃ itthīnaṃ mañjūsāsu suvaṇṇaṃ atthi tāyo dvārāni thaketvā gehehi nikkhamanti.

Những người đàn bà có vàng trong những rương hòm đóng cửa đi ra ngoài.

Yāsu itthīsu kodho natthi tāyo vinītā bhariyāyo ca mātaro ca bhavanti.

Những phụ nữ không nóng tánh trở thành những người vợ và người mẹ hiền thục

Yattha bhūpatayo dhammikā honti tattha manussā sukhaṃ vindanti.

Ở đâu vua là minh quân thì dân chúng an lạc

Yato bhānumā ravi lokaṃ obhāseti tato cakkhumantā rūpāni passanti.

Bởi mặt trời chiếu sáng thế giới nên những ai có mắt thấy được cảnh tượng.

Yathā Bhagavā dhammaṃ deseti, tathā tumhehi paṭipajjitabbaṃ.

Đức Thế Tôn đã thuyết pháp thế nào, các bạn nên phụng hành như vậy

Yasmā pitaro rukkhe ropesuṃ, tasmā mayaṃ phalāni bhuñjāma.

Do cha ông trồng cây, nên chúng ta hưởng quả

Yāda amhehi icchitaṃ patthitaṃ samijjhati tadā amhe modāma.

Khi sự mong mỏi và nguyện vọng thành tựu thời chúng ta sẽ hạnh phúc

Ko tvaṃ asi? Ke tumhe hotha?

Ông là ai? Các người là ai?

Kena dhenu aṭaviyā ānītā?

Do ai những con bò được mang về từ rừng?

Kassa bhūpatinā pāsādo kārāpito?

Vì ai mà cung điện được xây bởi nhà vua?

Kasmā amhehi saccaṃ bhāsitabbaṃ?

Tại sao chúng ta nên nói sự thật?

Asappurisehi pālite dīpe kuto mayaṃ dhammikaṃ vinetāraṃ labhissāma?

Trên hòn đảo cai trị bởi kẻ ác, từ đâu chúng ta có được người chấp pháp chân chính?

Kehi kataṃ kammaṃ disvā tumhe kujjhatha?

Việc do ai làm khiến bạn giận dữ?

Kesaṃ nattāro tuyhaṃ ovāde ṭhassanti?

Những đứa cháu nội (hay cháu ngoại) nào sẽ tuân thủ lời khuyên của bạn?

Kehi ropitāsu latāsu pupphāni ca phalāni ca bhavanti?

Do ai trồng mà có những hoa, trái trên dây leo?

Kāya itthiyā pādesu daddu atthi?

Có chàm trên chân người phụ nữ nào?


PĀLI VUI ĐỂ HỌC

Khi Vấn Đề Không Phải Tại Tiếng Pāli

Khi học Phạm ngữ Pāli có những khó khăn trong những xa lạ hay mới mẻ về ngôn ngữ thì chúng ta hay than phiền là tại Pāli khó học. Thật sự thì ngôn ngữ nào cũng có cái khó. Tiếng Việt đối với người ngoại quốc cũng không dễ. Thử đưa ra một thí dụ. Trong tiếng Pāli (hoặc Anh ngữ) thì nhân xưng đại danh từ tương đối đơn giản là ahaṃ hay tvaṃ nhưng khi dịch sang tiếng Việt thì rất phiền. Dịch “tôi và anh” cũng được. Dịch là “ta và ngươi” cũng được. Dịch là “tao và mày” cũng được. Tất nhiên là tuỳ theo ngữ cảnh và nhân vật được đề cập đến.

Ngay cả ngữ cảnh và nhân vật rất rõ ràng nhưng để đồng thuận trong sự chuyển ngữ cũng không đơn giản. Thí dụ trường hợp Đức Phật nói với chư tỳ kheo. Bản dịch quen thuộc với phần đông là bản của Hoà thượng Thích Minh Châu trước kia (bản dịch chưa san định sau nầy bởi những người khác) thì Đức Phật tự xưng là “Ta” và gọi chư tỳ kheo là “các ngươi”. Sau nầy một số người khác thì chuộng cách nói “Như lai và các Thầy” (mặc dù từ Như Lai có cách dùng tương đối đặc biệt trong chánh tạng). Thậm chí “thân thương” thì dịch là “Như lai và các con”.

Ngay cả cách xưng gọi giữa các thầy tỳ kheo như bhante (từ gọi của vị nhỏ đối với vị lớn) và āvuso (từ gọi vị lớn đối với vị nhỏ) dịch chuẩn thì bhante là “tôn giả”, āvuso là “hiền giả” nhưng trong đời sống thực tế thì không ai xài tới vì nghe cao sang hay kinh điển quá. Người ta thường gọi là “Ngài” hay “pháp hữu”. Thế hệ bây giờ có chế thêm chữ “sư phụ” để gọi các vị lớn. Thế mới biết ngôn ngữ có tự tánh tiến hoá riêng.

Ngữ nghĩa thì thường khi dễ lựa cho còn văn phong, văn khí thì tuỳ người dịch, người dùng. Những quyền từ điển hay tự điển không giúp gì về mặt nầy mà ngay cả những dịch giả uy tín cũng có khí chất riêng khi hành văn. Vậy thì nên chọn cách nào đây? Cái nầy mỗi người nên tự tìm câu trả lời. Nói vậy thật không vui chút nào.


PĀLI NGHI THỨC NHẬT HÀNH

Lời Tuỳ Hỷ

Sādhu ! Sādhu ! Sādhu !

(phát âm thế nào là chuẩn và dùng trong trường hợp nào)


Bài tập 32

A. Dịch tiếng Pāli sang tiếng Việt

1. Yassā so putto hoti sā mātā puññavatī hoti.

2. Yo taṃ dīpaṃ pāleti so dhammiko bhūpati hoti.

3. Kena ajja (today) navaṃ (new) jīvitamaggaṃ na pariyesitabbaṃ?

4. Sace tumhe asappurisā lokaṃ dūseyyātha (pollute) kattha puttadhītarehi saddhiṃ tumhe vasatha?

5. Yadā bhikkhavo sannipatitvā sālāyaṃ kilañjāsu nisīdiṃsu tadā Buddho pāvisi.

6. Yasmiṃ padese Buddho viharati tattha gantuṃ ahaṃ icchāmi.

B. Dịch Tiếng Việt sang tiếng Pāli

1. Vị ấy, người đức độ, sẽ chiến thắng kẻ thù

2. Cô gái, người phát biểu tại phiên họp, không phải là bà con của tôi

3. Khi người mẹ tới nhà, đứa con gái sẽ dâng những viên ngọc

4. Con chó mà tôi cho ăn cơm là của người anh

5. Tại sao con không về nhà hôm nay để đảnh lễ chư tăng?

6. Từ đâu bạn đã có được những bộ y đã dâng cúng đến chư tăng?

Tỳ kheo Giác Đẳng dịch và biên soạn giáo trình

Ý kiến bạn đọc