Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI” - BÀI 31. BIẾN CÁCH CỦA NHÂN XƯNG ĐẠI TỪ

Thứ sáu, 04/03/2022, 19:57 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI”

Bài học ngày 4.3.2022


BÀI 31. BIẾN CÁCH CỦA NHÂN XƯNG ĐẠI TỪ

1. Biến cách của nhân xưng đại từ ngôi thứ nhất: amha

Số ít Số nhiều
Chủ cách ahaṃ = tôi mayaṃ, amhe = chúng tôi
Đối cách maṃ, mamaṃ amhe, amhākaṃ, no
Sở dụng cách mayā, me amhehi, no
Xuất xứ cách mayā amhehi
Chỉ định cách mama, mayhaṃ, mamaṃ, me amhaṃ, amhākaṃ, no
Sở thuộc cách mama, mayhaṃ, mamaṃ, me amhaṃ, amhākaṃ, no
Định sở cách mayi amhesu

2. Biến cách của nhân xưng đại từ ngôi thứ hai: tumha

Số ít  Số nhiều
Chủ cách tvaṃ, tuvaṃ = anh, các anh tumhe = các anh
Đối cách taṃ, tavaṃ, tuvaṃ tumhe, tumhākaṃ, vo
Sở dụng cách tvayā, tayā, te tumhehi, vo
Xuất xứ cách tvayā, tayā tumhehi, vo
Chỉ định cách tava,tuyhaṃ, te tumhaṃ, tumhākaṃ, vo
Sở thuộc cách tava, tuyhaṃ, te tumhaṃ, tumhākaṃ, vo
Định sở cách tvayi, tayi tumhesu

PĀLI VUI ĐỂ HỌC

NÓI THEO THÓI QUEN VÀ NÓI CHÍNH XÁC

Phật giáo Việt Nam mang ảnh hưởng lớn từ Phật giáo Trung Hoa nên có những cách nói thoạt nghe không có gì sai nhưng nếu phân tích kỹ thì không phù hợp lắm theo tam tạng kinh điển. Dưới dây là một vài thí dụ.

Người Phật tử thường nói có ba pháp nên hành trì là bố thí, trì giới và tham thiền. Nghe rất gọn và dễ hiểu. Tuy vậy pháp thứ ba, tham thiền, thật ra là chữ dịch không chuẩn lắm của chữ bhāvanā. Chữ thiền nói chính xác là phiên âm của chữ jhāna là sự tu tập tịnh chỉ với năm thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, định). Chữ bhāvanā mang ý nghĩa tu tập nội tâm. Jhāna là một phần cùa bhāvanā nhưng không thể dùng đồng nghĩa. Nói cách khác là chữ “tham thiền” mang ý nghĩa hẹp hơn chữ bhāvanā.

Một câu nói quen thuộc khác đó là lời dịch Phật ngôn:

Không làm các điều ác

Gắng làm các việc lành

Luôn tu tâm, tịnh ý

Đó là lời Phật dạy

Câu đầu hoạt nghe thì rất “ổn” hay dịch rất sát câu “chư ác mạc tác” nhưng nếu đọc vào Pāli thì câu Sabbapāpassa akaraṇaṃ có chữ sabba nghĩa là “không làm tất cả điều ác” hay “không làm bất cứ điều ác nào” trong bản chữ Hán dịch như thể biền ngẫu: “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” không nói được một điều sai biệt là đối với điều ác thì tất cả đều không làm; còn đối với điều thiện thì không có chữ “tât cả” vì không ai có thể làm được tất cả điểu thiện. Hai câu thoạt nghe thì đối xứng thật ra thì trong đó có sự khác biệt giữa cái có thể và cái không có thể.

Còn câu niệm Phật “Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu Ni Phật” thường được sử dụng bởi tất cả Phật tử thuộc cả hai truyền thống Bắc tông và Nam tông. Thực tế thì câu niệm nầy có cơ sở từ nền văn hoá thờ phượng nhiều vị Phật của Phật giáo Đại thừa. Chính do điểm nầy nên trong nhiều vị Phật như Phật A Di Đà, Phật Dược Sư, Phật Tỳ Lô Giá Na… thì Đức Phật Thích Ca là “bổn sư”. Tại các quốc gia Phật giáo Nam Tông thì không bao giờ niệm Phật có đi kèm với chữ “bổn sư” như vậy. Nói đến Phật thì hiểu ngay là Đức Phật hiện tại; nói đến chư Phật thì hiểu là chư Phật trong quá khứ, hiện tại, tương lai. Còn điểm nầy nữa: Nói theo Phật tông (Buddhavaṃsa) thì Đức Phật hiện tại là Đức Gotama (Cồ Đàm). Chữ Thích Ca Mâu Ni – Sakya Muni – có nghĩa là bậc hiền thánh dòng Thích Ca. Gọi như vậy không phải là sai nhưng không chuẩn lắm.

Chúng ta là Phật tử chỉ lễ Phật, cúng Phật tự nhiên là nghĩ tới Bậc Đạo Sư nghĩa là Đức Phật hiện tại không cần phải nên nêu danh tánh (cũng có ý kiến khác là thay vì “Namo Buddhāya – đảnh lễ Phật thì nên đổi thành Namo Buddhānaṃ - đảnh lễ chư Phật. Thật ra thì số ít hay số nhiều ở đây không cần thiết. Cứ lễ Phật, cúng dường Phật là đủ rồi)

Người ta nói “phép vua thua lệ làng”. Có rất nhiều cách nói, cách dùng từ theo thói quen hay văn hoá. Rất khó để chỉnh đốn một sớm một chiều. Dù thế nào thì người học Phật nghiêm túc cũng nên quan tâm. Biết cái gốc thì bớt chấp sai theo ngọn. Còn vui hay không … là chuyện khác.


PĀLI NGHI THỨC NHẬT HÀNH

ĐẢNH LỄ VÀ CÚNG DƯỜNG TAM BẢO

Taṃ arahādiguṇasaṃyuttaṃ buddhaṃ sirasā namāmi.

Tañca buddhaṃ imehi sakkārehi abhipūjayāmi.

Taṃ svākkhātādiguṇasaṃyuttaṃ dhammaṃ sirasā namāmi.

Tañca dhammaṃ imehi sakkārehi abhipūjayāmi.

Taṃ supaṭipannādiguṇasaṃyuttaṃ saṅghaṃ sirasā namāmi.

Tañca saṅghaṃ imehi sakkārehi abhipūjayāmi.


Bài tập 31

A. Dịch tiếng Pāli sang tiếng Việt

1. Mama ācariyo maṃ vācento potthakaṃ (book) likhi (wrote).

2. Mayhaṃ bhaginī gilānaṃ (sick) pitaraṃ posesi.

3. Dātāro bhikkhūnaṃ dānaṃ dentā amhe pi bhojāpesuṃ.

4. Tumhākaṃ dhītaro kuhiṃ (where) gamissanti?

5. Amhākaṃ dhītaro satthāraṃ namassituṃ Veḷuvanaṃ gamissanti.

6. Amhaṃ kammāni karontā dāsā (servants) pi sappurisā bhavanti.

B. Dịch Tiếng Việt sang tiếng Pāli

1. Mong con cháu của chúng ta trường thọ và hạnh phúc.

2. Những cây không nên bị cắt bởi chúng tôi hay các anh.

3. Vị vua của ngài đã đến hòn đảo cùng với quần thần và đánh bại kẻ thù.

4. Tôi đã lượm những hạt giối do anh rãi trên mặt đất.

5. Thầy của chúng ta là bậc trí tuệ và là người có danh tiếng đã dạy chúng ta giáo pháp.

6. Con chim ăn trái bằng cái mỏ được bạn nhìn thấy.

Tỳ kheo Giác Đẳng dịch và biên soạn giáo trình

Ý kiến bạn đọc