- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học ngày 16.6.2022
II. Phẩm Không Dể Duôi _ Kệ số 6&7
Duyên sự:
Hai bài kệ nầy được đức Phật thuyết tại Jetavana thành Sāvatthi, nhân sự kiện lễ hội thác loạn.
Tại Sāvatthi có một thời tưng bừng lễ hội thác loạn. Trong bảy ngày lễ hội ấy dân chúng như những kẻ điên khùng, lấy bùn đất và phân bò thoa trét trên thân thể rồi đi lanh quanh, gặp bất cứ ai, kể cả quyến thuộc hoặc các bậc tu hành, họ đều tuôn ra những lời khiếm nhã thô tục; Hay họ đứng trước cửa nhà trong thành mà văng tục, người ta không muốn nghe phải cho tiền họ để tống tiễn, như tống ôn dịch vậy.
Trong tuần lễ ấy, các vị thánh cư sĩ đã khẩn thỉnh bậc Đạo Sư và tăng chúng ở yên trong chùa, không vào thành khất thực, họ sẽ gửi vật thực đến chùa cúng dường cho quí Ngài.
Bảy ngày lễ hội thác loạn chấm dứt, các gia đình cư sĩ trong thành cung thỉnh đức Phật và chúng tỳ kheo về nhà họ cúng dường. Sau bữa ăn, họ ngồi lại hầu chuyện với đức Phật, họ thưa rằng trong bảy ngày qua họ rất khổ sở, bị quấy rầy với những lời khiếm nhã của những kẻ cuồng ngông, họ không đi ra khỏi nhà, thậm chí không dám mở cửa nhà, chính vì vậy các cư sĩ đã thỉnh đức Thế Tôn và chư Tăng ở yên tại chùa. Sau khi nghe các cư sĩ kể lể, đức Phật đã dạy rằng: Những con người phóng túng như vậy là những kẻ ngu si thiểu trí, còn các bậc trí thì giữ hạnh không phóng túng như giữ tài sản quí, nên đạt đến níp bàn bất tử. Rồi bậc Đạo Sư đã nói lên hai bài kệ: Pamādamanuyuñjanti ..v.v.. khi pháp thoại chấm dứt có nhiều người đã chứng quả Dự lưu.
*
Chánh văn:
Pamādamanuyuñjanti
bālā dummedhino janā
appamādañca medhāvī
dhanaṃ seṭṭhaṃ’ va rakkhati.
(dhp 26)
Mā pamādamanuyuñjetha
mā kāmaratisanthavaṃ
appamatto hi jhāyanto
pappoti vipulaṃ sukhaṃ.
(dhp 27)
*
Thích văn:
pamādamanuyuñjanti [hợp âm (pamādaṃ anuyuñjanti)]
pamādaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính pamāda] sự dể duôi, sự phóng túng, sự buông lung.
anuyuñjanti [thì hiện tại ngôi III số ít của động từ anuyuñjati (anu + căn yuj + ṃ_a)] bắt tay vào, lao vào, liên kết với, sống theo.
bālā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính bāla] những kẻ ngu, những kẻ ngông cuồng.
dummedhino [chủ cách số nhiều nam tính của danh từ hợp thể dummedhī (du + medha + ī)] thiểu trí, không sáng suốt, thiếu khôn ngoan.
janā [chủ cách số nhiều của danh từ nam tính jana] dân chúng, quần chúng, những con người.
appamādañca [hợp âm (appamādaṃ ca)]
appamādaṃ [đối cách số ít của danh từ nam tính appamāda (na + pamāda)] sự không dể duôi, sự không phóng túng, sự không buông lung.
medhāvī [chủ cách số ít của danh từ trung tính medhāvī] bậc trí, người sáng suốt, người khôn ngoan.
dhanaṃ [chủ cách số ít của danh từ trung tính dhana] tài sản, của cải.
seṭṭhaṃ [đối cách số ít trung tính của tính của tính từ seṭṭha] cao quí, cảo cả, quí báu nhất.
iva [bất biến từ tỷ giảo] ví như, như là.
rakkhati [thì hiện tại ngôi III số ít của động từ rakkhati (căn rakkha + a) giữ gìn, hộ trì, bảo vệ.
mā [bất biến từ] đừng, chớ có.
anuyuñjetha [khả năng cách attanopada ngôi III số ít của động từ anuyuñjati] bắt tay vào, lao vào, liên kết với, sống theo.
kāmaratisanthavaṃ [đối cách số ít của danh từ hợp thể kāmaratisanthava (kāma + rati + santhava)] sự đắm say dục lạc, sự quyến luyến dục lạc.
appamatto [chủ cách số ít nam tính của tính từ appamatta (na + pamatta)] không dể duôi, không xao lãng.
hi [bất biến từ] thật vậy, bởi vì.
jhāyanto [chủ cách số ít và số nhiều của hiện tại phân từ jhāyanta (cơ bản jhāna + nta)] đang hành thiền, đang tu thiền.
pappoti [thì hiện tại ngôi III số ít, động từ pappoti _ hình thức giản lược từ động từ pāpuṇāti (pa + căn ap)] đến nơi, chứng đắc, đạt được.
vipulaṃ [đối cách số ít của tính từ vipula] rộng lớn, bao la.
sukhaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính sukha] sự an lạc, sự an vui, hạnh phúc.
*
Việt văn:
Chúng ngu si thiếu trí
sống lăn xả phóng túng
người trí không dể duôi
như giữ tài sản quý.
(pc 26)
Chớ lăn xả phóng túng
chớ đắm say dục lạc
không dể duôi, thiền định
đạt được an lạc lớn.
(pc 27)
*
Chuyển văn:
Bālā dummedhino janā pamādaṃ anuyuñjanti, medhavī ca appamādaṃ rakkhati seṭṭhaṃ dhanaṃ iva.
Những con người cuồng ngông thiếu trí lao vào cách sống phóng túng, còn bậc trí thì giữ cách sống không dể duôi như giữ tài sản quý.
Mā pamādaṃ anuyuñjetha mā kāmaratisanthavaṃ anuyuñjetha, appamatto hi jhāyanto vipulaṃ sukhaṃ pappoti.
Chớ có sống phóng túng, chớ có đắm say dục lạc, thật vậy, người tu thiền không dể duôi sẽ đạt được hạnh phúc lớn lao.
*
Lý giải:
Trong hai bài kệ nầy, bài kệ trước đức Phật mô tả hai cách sống của người trí và người ngu. Người ngu có cách sống phóng túng dể duôi, không biết kềm chế hành vi lời nói của mình, trâng tráo không hổ thẹn, như đám người trong câu chuyện, tự do nói thô tục chửi mắng bất cứ ai họ gặp vì là ngày lễ hội. Người trí thì biết hổ thẹn ngượng ngùng nên luôn giữ cho mình nếp sống chừng mực, không dể duôi phóng túng, tựa như một người giữ gìn tài sản quí báu vậy.
Cũng nhân sự việc nầy, ở bài kệ sau đức Phật dạy thêm pháp tu tập cho hàng đệ tử: chớ có sống dể duôi! chớ có đam mê dục lạc! phải chuyên cần thiền định, vì người có chánh niệm tỉnh táo trong mọi hành động người ấy sẽ đạt được an lạc lớn. Câu nói: “Appamatto hi jhāyanto pappoti vipulaṃ sukhaṃ _ không dể duôi, thiền định đạt được an lạc lớn”, Chú giải đã giải thích là “upaṭṭhitassatitāya hi appamatto jhāyanto puggalo vipulaṃ uḷāraṃ nibbānasukhaṃ pāpuṇāti”, nghĩa là “Người an trú niệm là người không dể duôi, là người tu thiền, người ấy sẽ chứng được lạc níp bàn, lớn lao, tuyệt hảo”.
Như vậy, an lạc lớn (vipulaṃ sukhaṃ) tức là lạc níp bàn (nibbānasukhaṃ).
Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu