Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI” - BÀI 28. BIẾN CÁCH DANH TỪ NAM TÁNH VĨ NGỮ -U VÀ -AR

Thứ sáu, 11/02/2022, 16:07 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI”

Bài học ngày 11.2.2022


BÀI 28. BIẾN CÁCH DANH TỪ NAM TÁNH VĨ NGỮ -U VÀ -AR

1. Biến cách danh từ nam tánh vĩ ngữ -U / -AR

Một vài danh từ nam tánh có hai từ gốc với vĩ ngữ -U và -AR. Những từ nầy nói lên tác nhân hay sự liên hệ.

Satthu / satthar – đạo sư, bậc thầy (mang ý nghĩa người răn dạy)

Số ít Số nhiều
Chủ cách satthā satthāro
Đối cách satthāraṃ satthāro
Sở dụng cách satthārā satthārehi, satthūhi
Xuất xứ cách satthārā satthārehi, satthūhi
Chỉ định cách satthu, satthuno, satthussa satthārānaṃ, satthūnaṃ
Sở thuộc cách satthu, satthuno, satthussa satthārānaṃ, satthūnaṃ
Định sở cách satthari satthāresu, satthūsu
Hô cách satthā, sattha satthāro

2. Vài danh từ có biến cách tương tự:

kattu – người thực hiện, người làm
gantu – người đi
sotu – thính giả, người nghe
dātu – thí chủ, người cho
netu – nhà lảnh đạo, người chỉ huy
vattu – người nói
jetu – người chiến thắng
vinetu – giám luật, người chấp pháp
viññātu – người hiểu biết
bhattu – người chồng
nattu – cháu nội hay cháu ngoại

Lưu ý: Mặc dù bhattu và nattu là những danh từ chỉ cho quan hệ nhưng mang ý nghĩ tác nhân (người mang thân phận làm cháu) giống như satthā trong ngôn ngữ Sanskrit.

3. Một số danh tư nam tánh có vĩ ngữ U như pitu (cha) và bhātu (anh) lại có biết cách khác hơn một chút như sau:

Pitu / pitar = cha

Số ít Số nhiều
Chủ cách pitā pitaro
Đối cách pitaraṃ pitaro
Sở dụng cách pitarā pitarehi, pitūhi
Xuất xứ cách pitarā pitarehi, pitūhi
Chỉ định cách pitu, pituno pitarānaṃ
Sở thuộc cách pitussa pitūnaṃ
Định sở cách pitari pitaresu, pitūsu
Hô cách pitā, pita pitaro

Bhātu / bhātar = anh

Số ít Số nhiều
Chủ cách bhātā bhātaro
Đối cách bhātaraṃ bhātaro
Sở dụng cách bhātarā bhātarehi,bhātūhi
Xuất xứ cách bhātarā bhātarehi,bhātūhi
Chỉ định cách bhātu, bhātuno bhātarānaṃ
Sở thuộc cách bhātussa bhātūnaṃ
Định sở cách bhātari bhātaresu,bhātūsu
Hô cách bhātā, bhāta bhātaro

4. Cũng biểu thị quan hệ, danh từ nữ tánh có biến thể như sau:

Mātu / Mātar = mẹ

Số ít  Số nhiều
Chủ cách mātā mātaro
Đối cách mātaraṃ mātaro
Sở dụng cách mātarā, mātuyā mātarehi, mātūhi
Xuất xứ cách mātarā, mātuyā mātarehi, mātūhi
Chỉ định cách mātu, mātuyā, mātāya mātarānaṃ, mātūnaṃ,mātānaṃ
Sở thuộc cách mātu, mātuyā, mātāya mātarānaṃ, mātūnaṃ,mātānaṃ
Định sở cách mātari, mātuyā, mātuyaṃ mātaresu, mātūsu
Hô cách mātā, māta, māte mātaro

Dhītu (con gái) và duhitu (con gái) có biến cách tương tự.


PĀLI VUI ĐỂ HỌC

ĐỨC PHẬT DẠY VỀ CÁCH SỬ DỤNG NGÔN NGỮ

Người đời có câu: cách nói cũng quan trọng như điều được nói. Đức Phật trong cương vị bậc đạo sư đã có những chỉ dẫn cụ thể cho hàng đệ tử về cách nói năng. Đặc biệt là ngôn ngữ cần phù hợp với giáo lý trung đạo; với chánh kiến; tránh những rắc rối không cần thiết; và đặc biệt tinh thần dung hoà đối với ngôn ngữ địa phương. Tất cả cho thấy Đức Phật dạy sự quan trọng của truyền thông là thế nào và tinh thần ứng hợp với văn hoá địa phương đã khiến Đạo Phật đi sâu vào các nền văn hoá dị biệt suốt 25 thế kỷ qua.

Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tịnh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).

Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về Vô tránh phân biệt. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Chớ có hành trì dục lạc, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích. Và cũng không nên hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích. Từ bỏ hai cực đoan ấy, có con đường Trung đạo đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Nên biết tán thán và nên biết chỉ trích. Sau khi biết tán thán và sau khi biết chỉ trích, không tán thán, không chỉ trích, chỉ nên thuyết pháp. Nên biết phán xét về lạc. Sau khi biết phán xét về lạc, nên chú tâm vào nội lạc. Không nên nói lên lời bí mật. Mặt đối mặt (với ai), không nên nói lời mất lòng. Nên nói thật từ từ, không có vội vàng. Chớ có chấp trước địa phương ngữ, chớ có đi quá xa ngôn ngữ thường dùng. Như vậy là tổng thuyết về Vô tránh phân biệt.

1. Khi được nói đến: "Chớ có hành trì dục lạc, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, và cũng không nên hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích", do duyên gì được nói đến như vậy?

Phàm lạc gì liên hệ với dục nhưng đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, pháp như vậy là có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo. Phàm lạc gì liên kết với dục, nhưng không đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, pháp như vậy không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo.

Phàm hành trì tự kỷ khổ hạnh nào, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, pháp như vậy có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo. Phàm không hành trì khổ hạnh nào, đau khổ không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, pháp như vậy không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo.

Khi được nói đến: "Chớ có hành trì dục lạc, hạ liệt, đê tiện, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, và cũng không nên hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích", chính do duyên này, được nói đến như vậy.

Khi được nói đến: "Từ bỏ hai cực đoan ấy, có con đường Trung đạo đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn", do duyên gì được nói đến như vậy? Ðây là con đường Thánh tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Khi được nói đến: "Từ bỏ hai cực đoan ấy, có con đường Trung đạo đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn", chính do duyên này, được nói đến như vậy.

2. Khi được nói đến: "Nên biết tán thán và nên biết chỉ trích; sau khi biết tán thán và sau khi biết chỉ trích, không tán thán, không chỉ trích, chỉ nên thuyết pháp", do duyên gì được nói đến như vậy?

Này các Tỷ-kheo, thế nào là tán thán, thế nào là chỉ trích, nhưng không thuyết pháp? Vị ấy chỉ trích một số người và nói như sau: "Những ai tìm thấy lạc liên hệ với dục nhưng đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, tất cả những người ấy có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo". Vị ấy tán thán một số người và nói như sau: "Những ai tìm thấy lạc liên hệ với dục, nhưng không đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, tất cả những vị ấy không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo".

Ở đây, vị ấy chỉ trích một số người và nói như sau: "Những ai đam mê hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, tất cả những vị ấy đều có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc về tà đạo". Ở đây, vị ấy tán thán một số người và nói như sau: "Những ai không đam mê hành trì tự kỷ khổ hạnh; đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, tất cả những vị ấy đều không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo".

Ở đây, vị ấy chỉ trích một số người và nói như sau: "Những ai chưa đoạn tận hữu kiết sử, tất cả những vị ấy đều có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo". Ở đây, vị ấy tán thán một số người và nói như sau: "Những ai đã đoạn tận hữu kiết sử, tất cả những vị ấy không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là có tán thán và có chỉ trích nhưng không thuyết pháp.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không có tán thán và không có chỉ trích, nhưng có thuyết pháp? Vị ấy không nói như sau: "Những ai tìm thấy lạc liên hệ với dục, nhưng đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, tất cả những vị ấy có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo". Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau: "Sự đam mê là một pháp có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo". Vị ấy không nói: "Những ai tìm thấy lạc liên hệ với dục, nhưng không đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, tất cả những vị ấy không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo". Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau: "Không đam mê là một pháp không đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo".

Vị ấy không nói: "Những ai đam mê hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, tất cả những vị ấy có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo. "Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau: "Sự đam mê là một pháp có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo". Vị ấy không nói: "Những ai không đam mê hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích, tất cả những vị ấy đều không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo". Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau: "Sự không đam mê là không đau khổ, pháp này không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc về chánh đạo".

Vị ấy không có nói: "Những ai chưa đoạn tận hữu kiết sử, tất cả những vị ấy đều có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não". Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau: "Khi hữu kiết sử chưa đoạn tận, hữu chưa đoạn tận". Vị ấy không nói như sau: "Những ai đã đoạn tận hữu kiết sử, tất cả những vị ấy không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não". Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau: "Và khi hữu kiết sử được đoạn tận, hữu được đoạn tận". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không tán thán, không chỉ trích, nhưng chỉ thuyết pháp.

3. Khi được nói đến: "Nên biết tán thán và nên biết chỉ trích; sau khi biết tán thán và sau khi biết chỉ trích, chớ có tán thán, chớ có chỉ trích, chỉ nên thuyết pháp", chính do duyên này được nói đến như vậy.

Khi được nói đến: "Nên biết phán xét về lạc; sau khi biết phán xét về lạc, nên chú tâm vào nội lạc", do duyên gì được nói đến như vậy?

Này các Tỷ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm? Các sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, liên hệ đến dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức,... ; các hương do mũi nhận thức,... ; các vị do lưỡi nhận thức... ; các xúc do thân cảm giác, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, như vậy là năm dục trưởng dưỡng. Này các Tỷ-kheo, do duyên năm dục trưởng dưỡng này khởi lên lạc và hỷ, như vậy gọi là dục lạc, uế lạc, phàm phu lạc, phi Thánh lạc. Ta nói loại lạc này không nên thực hành, không nên tu tập, không nên làm cho sung mãn, nên sợ hãi.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Ðình chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhứt tâm... Thiền thứ ba... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Như vậy gọi là xuất ly lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, giác ngộ lạc. Ta nói loại lạc này nên thực hành, nên tu tập, nên làm cho sung mãn, không nên sợ hãi.

Khi được nói đến: "Nên biết phán xét về lạc; sau khi phán xét về lạc, hãy chú tâm vào nội lạc", do chính duyên này được nói đến như vậy.

4. Khi được nói đến: "Không nên nói lên lời bí mật. Mặt đối mặt (với ai), không nên nói lời mất lòng", do duyên gì được nói đến như vậy?

Tại đây, này các Tỷ-kheo, biết được một lời bí mật là không thực, hư vọng, không liên hệ mục đích, nếu có thể được, chớ nói lên lời bí mật ấy. Và nếu biết được một lời bí mật là thực, không hư vọng, nhưng không liên hệ mục đích, hãy tự tập đừng nói lời ấy. Và nếu biết được một lời bí mật là thực, không hư vọng, có liên hệ mục đích; ở đây nên biết thời nói lên lời bí mật ấy.

Nếu biết một lời mất lòng, mặt đối mặt (với ai) là không thực, hư vọng, không liên hệ mục đích, nếu có thể được, mặt đối mặt; chớ có nói lên lời nói mất lòng ấy. Nếu biết một lời mất lòng, mặt đối mặt (với ai) là thực, không hư vọng, nhưng không liên hệ mục đích, hãy tập chớ nói lên lời ấy. Và nếu biết một lời mất lòng, mặt đối mặt (với ai) là thực, không hư vọng, có liên hệ mục đích; ở đây nên biết thời nói lên lời mất lòng ấy.

Khi được nói đến: "Không nên nói lên lời bí mật, mặt đối mặt (với ai), không nên nói lên lời mất lòng", do chính duyên này được nói đến như vậy.

5. Khi được nói đến: "Nên nói thật từ từ, chớ có vội vàng", do duyên gì được nói đến như vậy?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu nói vội vàng, thời thân mệt mỏi, tâm bị tổn hại, tiếng bị tổn hại và cổ họng bị đau. Lời nói một người vội vàng không được rõ ràng và không được nhận hiểu.

Tại đây, này các Tỷ-kheo, nói lời từ từ, thân không mệt mỏi, tâm không tổn hại, tiếng không tổn hại và cổ họng không bị đau. Lời nói một người nói từ từ được rõ ràng và được nhận hiểu. Khi được nói đến: "Nên nói thật từ từ, chớ có nói vội vàng ", chính do duyên này được nói đến như vậy.

6. Khi được nói đến: "Chớ có chấp trước địa phương ngữ, chớ có đi quá xa ngôn ngữ thường dùng," do duyên gì được nói đến như vậy? Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chấp trước địa phương ngữ và đi quá xa ngôn ngữ thường dùng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, trong nhiều quốc độ, người ta biết (những chữ) Pati... Patta... Vittha.. Sarava.. Dharopa.. Pona... Pisila. Như vậy, như họ biết trong các quốc độ ấy những chữ là như vậy, như vậy, có người lại làm như vậy, kiên trì chấp thủ, chấp trước và nói: "Chỉ như vậy là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là chấp trước địa phương ngữ, là đi quá xa ngôn ngữ thường dùng.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không chấp trước địa phương ngữ, không đi quá xa ngôn ngữ thường dùng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, trong nhiều quốc độ, người ta biết những chữ Pati.. Patta... Vittha.. Sarava... Dharopa... Pona.. Pisila.. Như vậy, như họ biết trong các quốc độ ấy, những chữ là như vậy, như vậy, một người không chấp thủ mà giải thích: "Các vị ấy y cứ như thế này, giải thích như vậy". Như vậy, này các Tỷ-kheo là không chấp trước địa phương ngữ, không đi quá xa ngôn ngữ thường dùng.

Khi được nói đến: "Chớ có chấp trước địa phương ngữ, chớ có đi quá xa ngôn ngữ thường dùng", do chính duyên này được nói đến như vậy.

Trích Trung Bộ, Kinh số 139. Kinh Vô tránh phân biệt (Araṇavibhaṅga Sutta)

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt


PĀLI NGHI THỨC NHẬT HÀNH

Từ Bi Nguyện

Sabbe sattā averā hontu

sukhitā hontu niddukkhā hontu

abyāpajjhā hontu anīghā hontu

dīghāyukā hontu arogā hontu

sampattīhi sammijjhantu sukhī

attānaṃ pariharantu dukkhappattā

ca niddukkhā bhayappattā ca

nibbhayā sokappattā ca nissokā

hontu sabbepi pāṇino.


Bài tập 28

A. Dịch tiếng Pāli sang tiếng Việt

1. Satthā bhikkhūnaṃ dhammaṃ desento rukkhassa chāyāya nisinno hoti.

2. Puññāni kattāro bhikkhūnaṃ ca tāpasānaṃ ca dānaṃ denti.

3. Sace satthā dhammaṃ deseyya viññātāro bhavissanti.

4. Bhūpati dīpasmiṃ jetā bhavatu.

5. Pitā dhītaraṃ ādāya vihāraṃ gantvā satthāraṃ vandāpesi.

6. Viññātāro loke manussānaṃ netāro hontu / bhavantu.

B. Dịch Tiếng Việt sang tiếng Pāli

1. Cha và mẹ đã đi với người anh để gặp em gái.

2. Người làm ác sẽ không sống hạnh phúc lâu dài

3. Ước mong nhà vua và đoàn tuỳ tùng trở thành những người chiến thắng.

4. Anh của mẹ là người cậu

5. Những kẻ thù của anh em tôi treo biểu ngữ trên những thân cây và các cây tre

6. Người xây nhà cho các cháu nội những cây tre


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc