Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI” - BÀI 25. BIẾN CÁCH DANH TỪ NAM TÁNH VĨ NGỮ I

Thứ sáu, 14/01/2022, 13:12 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI”

Bài học ngày 14.1.2022


BÀI 25. BIẾN CÁCH DANH TỪ NAM TÁNH VĨ NGỮ I

1. Biến cách danh từ nam tánh vĩ ngữ i

Aggi = lửa
Số ít  Số nhiều
Chủ cách aggi aggī / aggayo
Đối cách aggiṃ aggī / aggayo
Sở dụng cách agginā aggīhi (aggībhi)
Xuất xứ cách agginā aggīhi (aggībhi)
Chỉ định cách aggino / aggissa aggīnaṃ
Sở thuộc cách aggino / aggissa aggīnaṃ
Định sở cách aggimhi / aggismiṃ aggīsu
Hô cách aggi aggī / aggayo

2. Danh từ nam tánh tận cùng bằng -i

muni / isi – bậc hiền thánh, bậc minh triết
kavi – thi sĩ
ari – kẻ thù
bhūpati – nhà vua
pati – người chồng, người chủ
gahapati – gia chủ
adhipati – người lãnh đạo, minh chủ
atithi – người khách
vyādhi – sự bệnh hoạn
udadhi – đại dương, biển cả
nidhi – kho báu
vīhi – lúa gạo
kapi – con khỉ
ahi – mảng xà
dīpi – con báo
ravi – mặt trời
giri – núi
maṇi – ngọc, như ý bảo châu
asi – thanh gươm
rāsi – một đống (lúa, thóc…)
pāṇi – bàn tay
kuccha – bụng
muṭṭhi – cái búa, nắm đấm

PĀLI VUI ĐỂ HỌC

Lòng Người Khó Biết

Tâm thức là lãnh vực rộng lớn trong Phật học. Riêng về từ ngữ rất đa dạng cần sự tinh nghĩa. Những học giả Phương Tây thường nói rằng trong Phạm ngữ có rất nhiều khái niệm về tâm lý mà chuyển dịch sang ngôn ngữ khác rất khó tìm được chữ tương đương.

Phật học định nghĩa tâm là biết cảnh. Thế nhưng cái biết của tưởng tri, thức tri và tuệ tri hoàn toàn khác nhau.

Thắng Pháp trong sự trình bày về các thuộc tánh lại nói về những khía cạnh tâm lý cùng sanh trong một sát na tâm thí dụ sự cảm nhận của “thọ”, sự chủ tâm tạo tác của “tư”, sự hướng tâm suy nghĩ của “tầm”. Tất cả nói về thế giới vĩ mô đầy tế nhị. Trong Phật học thì chữ tư duy (saṅkappa) và tầm (vitakka) đều chỉ chung cho sự suy nghĩ hay hướng tâm.

Có những thuật ngữ tâm lý, dù là thuật ngữ, thì vẫn phải rất ư là cẩn thận thí dụ chữ manasikāra thường dịch là “tác ý” như nếu là “tác ý tâm sở (manasikāracetasika)” thì mang nghĩa rất khác với với “khéo tác ý (yoniso manasikāra). Rắc rối hơn nữa cả hai đều không có nghĩa là “ý định” trong cách nói tác ý bình thường.

Ngay cả những từ vựng thường được hiểu là “đồng nghĩa” nhưng phân tích kỹ thì rất nhiều “bất đồng”. Có những bản liệt kê bắt đầu với “tâm nhãn thức, tâm nhĩ thức… cuối cùng là tâm ý thức”. Tâm ý thức có thể được hiểu là một thứ tâm ngoài 5 giác quan biết cảnh vật chất. Thế nhưng cả ba chữ “tâm”, “ý”, và “thức” thường được dùng để chỉ chuyển ba chữ citta, mana, và viññāna là ba thuật ngữ riêng biệt. Chữ citta - thường dịch là tâm để nói chung về tâm lý (còn gọi là danh pháp –nāma) đối nghĩa với sắc – rūpa); chữ nầy cũng dùng để nói riêng cho hai phần của danh pháp là tâm và tâm sở (thuộc tánh của tâm). Cũng nên nói thêm là khi nói về thuộc tánh của tâm, hay tâm sở, thì xài chữ ceta thay vì citta. Trong lúc chữ viññāna – thường dịch là thức để nói về các giác quan như nhãn thức, nhĩ thức… Còn chữ mana – thường dịch là ý thì chỉ cho thứ giác quan nằm ngoài ngũ quan gọi là ý thức. (Nên phân rõ là ý thức hay thức thứ sáu trong Phật học rất khác nghĩa với cái gọi là “giác quan thứ sáu” theo thường thức (….). Dù có khác biệt trong cách dùng nhưng nếu hỏi các vị pháp sư thì vẫn thường nhận được câu trả lời: tâm, ý, thức đều đồng nghĩa. Thực tế thì có khi đồng nghĩa, có khi khác nghĩa.

Người ta thường nói sống theo vật chất là phức tạp mà nghiêng về tinh thần đơn giản hơn. Thật sự không hẳn là vậy. Cũng có câu: Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người. Câu ca dao nầy có thể hiểu nhiều cách. Nhưng áp dụng ở đây về ngôn ngữ thì có thể nói: thuật ngữ vể tâm lý trong Phật học rắc rối vô cùng.


PĀLI TRONG NGHI THỨC NHẬT HÀNH

Xin Tuỳ Hỷ Phước Hạnh

Ettāvatā ca amhehi
sambhataṃ puññasampadaṃ
sabbe devānumodantu
sabbasampattisiddhiyā
dānaṃ dadantu saddhāya
sīlaṃ rakkhantu sabbadā
bhāvanābhiratā hontu
gacchantu devatāgatā
Chư thiên đã vân tập
Xin tùy hỷ phước lành
Do chúng tôi đã tạo
Biết cho với niềm tin
Biết hộ trì giới hạnh
Biết lạc trú trong thiền
Ðược cát tường như ý
Rồi phản hồi thiên xứ.

Bài tập 25

Dịch tiếng Pāli sang tiếng Việt

1. Munayo sīlaṃ rakkhantā girimhi guhāsu vasiṃsu

2. Ācariyena saddhiṃ viharanto kavi isi hoti.

3. Būpati asinā ariṃ paharitvā māresi.

4. Pati bhariyāya paṭiyāditaṃ odanaṃ bhuñjitvā khettaṃ agami.

5. Sappurisā gahapatayo bhariyāhi ca puttehi ca gehesu vasantā sukhaṃ vindanti.

6. Nidhiṃ pariyesanto adhipati sahāyakehi saddhiṃ dīpaṃ agacchi.

Dịch Tiếng Việt sang tiếng Pāli

1. Những người chồng mang về các viên ngọc từ hòn đảo cho những người vợ của họ.

2. Bệnh tật bức bách con người sống trong đời.

3. Người đàn bà ngồi trên đất đong gạo bằng cái đấu.

4. Những gia chủ làm ác nghiệp không đãnh lễ các bậc hiền thánh.

5. Nếu bạn đào kho báu sẽ tìm thấy những viên ngọc.

6. Tôi đã giặt những y phục thường do vợ giặt giũ.


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc