Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI” _ BÀI 24. BIẾN CÁCH DANH TỪ NỮ TÁNH VĨ NGỮ U

Thứ sáu, 24/12/2021, 13:29 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI”

Bài học ngày 24.12.2021


BÀI 24. BIẾN CÁCH DANH TỪ NỮ TÁNH VĨ NGỮ U

1. Biến cách danh từ nữ tánh tận cùng bằng u

Dhenu – con bò cái, thú vật giống cái nói chung

Biến cách Số ít Số nhiều
Chủ cách dhenu dhenū, dhenuyo
Đối cách dhenuṃ dhenū, dhenuyo
Sở dụng cách dhenuyā dhenūhi, (dhenūbhi)
Xuất xứ cách dhenuyā dhenūhi, (dhenūbhi)
Chỉ định cách dhenuyā dhenūnaṃ
Sở thuộc cách dhenuyā dhenūnaṃ
Định sở cách dhenuyā, dhenuyaṃ dhenūsu
Hô cách dhenu dhenū, dhenuyo

2. Những danh từ sau đây biến cách giống như trên:

yāgu – cháo loãng (…)
kāsu – cái hố
vijju – ánh chớp, tia chớp
rajju – dây
daddu – bệnh chàm. Bệnh ec zê ma, bệnh bội nhiễm
kaṇeru – voi cái, bò cái
dhātu – nguyên tố, di cốt
sassu – mẹ chồng hay mẹ vợ
vadhu – con dâu

 

3. Từ vựng – Động từ

thaketi – khép lại, đóng lại
nāseti – tàn phá, tiêu huỷ
sammajjati – quét
obhāseti – toả sáng, chói sáng
bhajati – đồng hành, cùng đi
bandhati – cột, buộc
vibhajati – chia ra, phân phối
bhañjati – làm gãy, lèm bể
māpeti – tạo nên, xây dựng
vihiṃsati – làm hại, gây tổn thương
chaḍḍeti – ném, vứt, quăng
pattharati – trải ra

PĀLI VUI ĐỂ HỌC

Nguyên Bản hay Phiên Bản

Một trong những đặc sắc của kinh điển hệ Pāli là bảo lưu kho tàng giáo pháp được tồn tại theo thời gian. Tuy vậy không phải không có ngoại lệ. Bài nầy đề cập hai trường hợp nguyên bản Pāli bị thất truyền nên sau nầy phải lấy bản dịch chuyển ngữ trở lại.

Trường hợp đầu tiên là tác phẩm Vimuttimagga (Giải Thoát Đạo) là cẩm nang tu tập chỉ quán do thánh tăng Upatissa biên soạn vào thế kỷ thứ nhất. Tức là khoảng hơn 400 năm trước khi bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) ra đời. Cả hai tác phẩm đều có những hướng dẫn cụ thể về pháp hành nhưng bộ Vimuttimagga lấy tứ diệu đế làm bố cục trong khi bộ Visuddhimagga lấy thất tịnh làm cấu trúc nội dung. Vào thế kỷ thứ V sau Tây lịch có hai sự kiện quan trọng xẩy ra liên quan tới tác phẩm của Ngài là Upatissa là sự ra đời của tác phẩm Thanh Tịnh Đạo được biên soạn kết hợp cả hai pháp học và pháp hành. Về lượng thì đồ sộ hơn nhiều Chính vì sự ra đời của Visuddhimagga đã khiến tác phẩm Vimuttimagga chìm dần vào quên lãng và hoàn toàn biến mất. Cũng trong thế kỷ đó một Tăng sĩ tên Sanghapāla người gốc Mon – Khmer học thuộc lòng bộ kinh nầy và sang Trung Hoa hoằng hoá cùng với một nhà sư người Phù Nam tên Mandrasena. Lúc bấy giờ là thời Nam Bắc Triều ở Trung Hoa với phong trào nghiên cứu Phật Pháp đang lên. Tác phẩm Vimuttimagga được chuyển dịch sang Hán ngữ với tựa đề Giải Thoát Đạo Luận 解脫道論. Mãi tới năm 1936 một học giả uyên bác là ngài Soma cùng với ngài Kheminda với sự trợ giúp của một nhà sư Nhật Bản N.RM Ehara chuyển dịch từ chữ Hán sang Pāli và Anh ngữ. Bản dịch tiếng Anh có tựa đề là “The Path Of Freedom”. Mất 14 thế kỷ để châu về hợp phố.

Một tác phẩm pāli có ảnh hướng lớn trong Phật học là bộ Dhammapadaṭṭhakathā (Sớ Giải Pháp Cú Kinh). (Bản tiếng Việt của tu viện Viên Chiếu có tựa đề là Tích Chuyện Kinh Pháp Cú). Là bộ sách ghi lại duyên sự mà Đức Phật đã dạy các câu kinh Pháp Cú. Tổng cộng có 423 kệ ngôn. Đây là tác phẩm đồ sộ chứa đựng nhiều chi tiết về Đức Phật, các đệ tử, bối cảnh thời Phật. Chẳng những vậy mà còn chứa đựng nhiều câu chuyện tiền thân. Theo bộ Mahavaṁsa thì vào thế kỷ thứ V một nhà sư sanh ở Bodh Gaya, Magadha có pháp danh là Buddhaghosa (Phật Minh) vốn tư chất thông minh, kiến thức uyên bác. Được sự yêu cầu của chư vị trưởng lão làm một chuyến du hành sang Anuradhapura, Tích Lan để tìm lại những bản Sớ Giải tam tạng Pāli vốn đã thất truyền tại Ấn Độ thời bấy giờ. Khi vị nầy đến Tích Lan thì nhận ra rằng có một số bản Sớ giải chỉ tồn tại bằng tiếng Sinhala. Ngài đã bỏ nhiều năm để làm công việc là chuyển dịch trở lại những bản kinh nầy từ tiếng Tích Lan sang Pāli. Trường hợp nầy chỉ có với Sớ giải chứ chánh tạng Pāli vẫn nguyên vẹn. Không phải tất cả bản Sớ giải Pāli đều thất truyền. Riêng bản Sớ giải Kinh Pháp Cú (Dhammapadatthakatha) phải dịch lại toàn bộ và được san định. Ngài Buddhaghosa được ghi nhận là một học giả Pāli có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Phật giáo.

Trong lúc các bản kinh Pāli được xem là nguyên gốc thì cũng nên nhớ có vài trường hợp từ ngọn chuyển lại thành gốc như hai tác phẩm đề cập ở trên. Chữ tương đối rất thích hợp để nói ở đây.


PĀLI TRONG NGHI THỨC NHẬT HÀNH

HƯỚNG NGUYỆN CÔNG ĐỨC

Yathā vārivahā pūrā
Paripūrenti sāgaraṃ
Evameva ito dinnaṃ
Petānaṃ upakappati

Như trăm sông tuôn chảy
Ðều hướng về đại dương
Nguyện công đức đã tạo
Thấu đến chư hương linh.

Icchitaṃ patthitaṃ tumhaṃ
Khippameva samijjhatu
Sabbe pūrentu saṅkappā
Cando paṇṇaraso yathā
Maṇi jotiraso yathā

Xin tất cả nguyện lành
Ðược kíp thời viên đắc
Xin ý thiện tâm thành
Thường trong sáng chiếu diệu
Như trăng tỏ ngày rằm
Như ma ni ngọc báu.

Dịch tiếng Pāli sang Việt

1. Vadhū sassuyā dhenuṃ rajjuyā bandhitvā khettaṃ nesi.

2. Ammā yāguṃ pacitvā dārakānaṃ datvā mañce nisīdi.

3. Yuvatiyā hattesu ca aṇgulīsu ca daddu atthi.

4. Mayaṃ aṭaviyaṃ carantiyo kaṇeruyo apassimha.

5. Itthī yuvatiyā bhattaṃ pacāpetvā dārikānaṃ thokaṃ thokaṃ vibhaji.

6. Tumhe vijjuyā ālokena guhāyam sayantam sīhaṃ passittha.

Dịch tiếng Việt sang Pāli

1. Người mẹ đã lấy vàng cất trong rương và cho con gái.

2. Nàng dâu cúng chư thiên với tràng hoa và trái cây.

3. Nếu bạn đào hố thì tôi sẽ trồng cây.

4. Các anh đi ra ruộng và mang bắp về nhà.

5. Những con voi cái lang thang trong rừng và ăn những cây chuối.

6. Tôi đã nhìn những bé gái băng ngang sông bằng xuồng.


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc