Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI” _ BÀI 23. ĐỘNG TỪ CẦU KHIỂN HAY KHỞI PHÁT

Thứ sáu, 26/11/2021, 19:11 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI”

Bài học ngày 26.11.2021


BÀI 23. ĐỘNG TỪ CẦU KHIỂN HAY KHỞI PHÁT

Động từ cầu khiển hay khởi phát là cách chia động từ để chỉ cho sự điều khiển hay bảo ai làm việc gì. Thí dụ: pacati coreti là trộm cắp khi chia theo thể cầu khiển corāpeti là bảo trộm cắp, sai trộm cắp. Trong tiếng Việt thì thêm một động từ như sai bảo, ra lệnh. Nhưng trong một số ngôn ngữ, kể cả Anh ngữ, thì động từ cầu khiển (hay động từ khởi phát) nằm trong cách chia các động từ.

Động từ cầu khiển được tạo thành bằng cách thêm vào động từ căn các chữ: -e / -aya / -āpe / -āpaya.

Thỉnh thoảng nguyên âm trong động từ căn được biến đồi để nhấn mạnh.

Những động từ căn tận cùng bằng -e / -aya được thêm -ape / -āpaya để tạo thành thể cầu khiển

pacati – pāceti / pācayati / pacāpeti / pācāpayati
bhuñjati – bhojeti / bhojāpeti
coreti – corāpeti / corāpayati
kināti – kiṇāpeti / kiṇāpayati
karoti – kāreti / kārāpayati
dadāti / deti – dāpeti / dāpayati

Trong câu có động từ cầu khiển thì người hay vật thực hiện hành động được biểu thị bằng đối cách hoặc sở thuộc cách.

Vài thí dụ tiêu biểu cách dùng động từ cầu khiển:

Ammā bhaginiṃ bhattaṃ pacāpeti.

Người mẹ sai con gái nấu cơm.

Bhūpālo samaṇe ca yācake ca bhojāpesi.

Nhà vua cho những thầy tu và người hành khất ăn.

Coro mittena kakacaṃ corāpetvā vanaṃ dhāvi.

Tên đạo tặc đã chaỵ sau khi bảo người bạn trộm cái cưa.

Vejjo puttena āpaṇamhā khīraṃ kiṇāpesi.

Vị y sĩ sai người con mua sữa từ chợ.

Upāsakā amaccena samaṇānaṃ vihāraṃ kārāpesuṃ.

Những cư sĩ khiến viên quan xây dựng tịnh xá cho các tu sĩ.

Yuvati bhaginiyā ācariyassa mūlaṃ dāpetvā sippaṃ uggaṇhi.

Sau khi bảo người chị đưa tiền cho vị thầy, thiếu nữ đã học một môn học.

Brāhmaṇo coraṃ / corena saccaṃ bhāsāpetuṃ vāyami.

Vị bà la môn đã cố gắng để khiến kẻ trộm nói ra sự thật.


PĀLI VUI ĐỂ HỌC

MỘT CUỘC GIẰNG CO DAI DẴNG

Tiếng Sanskrit và tiếng Pāli có một tương quan kỳ lạ trong lịch sử ngôn ngữ thế giới. Cả hai đã từng có thời là ngôn ngữ đàm thoại trên bờ môi của nhiều thế hệ. Cả hai đều đã trở kinh ngôn ngữ của kinh điển, với trữ lượng to lớn. Cả hai đều trở thành cổ ngữ. Cả hai tuy không còn là sinh ngữ nhưng vẫn là ngôn ngữ được nghiên cứu học hỏi rộng rãi. Cả hai đều đường bệ đi vào thế giới học thuật hôm nay đặc biệt đều có ảnh hưởng đến Anh ngữ và sự nghiên cứu tôn giáo ở Phương Tây.

Người ta không biết tự khi nào tiếng Sanskrit được sử dụng để viết kinh điển Veda của Bà La Môn Giáo hay Ấn Giáo (Hindu). Một ngôn ngữ một khi trở thành “ngôn ngữ chép kinh hay điển ngữ” thì bị “đóng khung” không phá triển thêm như trường hợp tiếng Latin ở Phương Tây. Chữ Sanskrit nguyên nghĩa là “trau chuốt, diễm lệ” đối ngược với Prakrit nghĩa là đại chúng, phổ thông. (Nêu lưu ý chữ Prakrit, được dịch là phương ngữ, KHÔNG PHẢI LÀ TÊN RIÊNG của một ngôn ngữ mà chỉ cho ngôn ngữ hiện hành của quần chúng mặc dù Sanskrit là tên riêng của một ngôn ngữ)

Khi Đức Phật ra đời Ngài giảng thuyết bằng ngôn ngữ phổ thông tuỳ theo thính chúng. Một thứ ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất thời đó là tiếng Māgadhī mà ngữ pháp ở xứ Magadha được xem là chuẩn mực. Cũng chính nơi nầy Tam Tạng Pāli được kết tập lần đầu tiên ba tháng sau khi Đức Thế Tôn viên tịch. Nên từ đó được gọi là tiếng Pāli nghĩa là ngôn ngữ chép kinh.

Trong hơn 300 năm cai trị Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện người Anh bắt đầu nghiên cứu Phật giáo qua ngôn ngữ Pāli và ngôn ngữ nầy trở nên phổ cập trong giới học Phật Phương Tây. Trong khoảng hơn 50 năm qua do ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng người ta bắt đầu nghiên cứu Phật giáo bằng tiếng Sanskrit, một hệ thống giáo điển bị thất truyền nhiều. Có nhiều bản kinh Sanskrit phải dịch trở lại từ Tạng ngữ và Hán ngữ.

Điểm thú vị là một số các từ vựng phổ thông mặc dù có tương đương về ngôn ngữ như giáo nghĩa và ý nghĩa phổ thông có nhiều khác biệt. Dưới đây là vài thí dụ:

Danh sách sau đây được liệt kê với tiếng Sanskrit sau đó là chú thích tiếng Pāli và cách hiểu phổ thông trong Anh ngữ.

Dharma, tiếng Pāli là Dhamma, dịch là pháp. Thường được hiểu trong Anh ngữ bản chất tự nhiên – nature – hay sự thật cố nhiên – norm. Khi nói “con nương tựa Pháp Bảo” người ta thường dùng tiếng Dhamma.

Karma, tiếng Pāli là Kamma, dịch là nghiệp. Thường được hiểu trong Anh ngữ là túc nghiệp hay việc làm kiếp trước. Từ nầy rất phổ thông trong giới bói toán. Khi nghiên cứu về nhân quả dù quá khứ, hiện tại hay tương lai các học giả vẫn thường xài chữ kamma.

Nirvana, tiếng Pāli là Nibbāna, phiên âm là niết bàn hay níp bàn. Thường được hiểu trong Anh ngữ là cảnh giới hoàn hảo về mọi thứ  utopia. Những người trẻ đôi khi dùng nirvana để chỉ cảm giác phiêu diêu hay “cực phê”. Khi nói về sự diệt khổ hay giải thoát tất cả hiện tượng sanh diệt thì chữ nibbāna vẫn là chuẩn.

Cakra, tiếng Pāli là cakka, dịch là bánh xe, luân xa hay bộ máy. Thường được hiểu trong Anh ngữ theo cách nói của Bà la môn giáo và Phật giáo Mật tông như những huyệt đạo trọng yếu trong thân thể nếu được khai mở thì thần trí con người sẽ đạt đến chỗ siêu nhiên (có phần giống như cách nói của người Trung Hoa về sự đả thông bát mạch kỳ kinh). Một số người dùng chữ dhammacakka (pháp luân) theo nghĩa là biểu tượng giáo pháp. Nhưng cách hiểu nầy không nhiều dù chính xác.

Mantra, tiếng Pāli là manta, dịch là thần chú hay chân ngôn. Trong Anh ngữ chữ nầy thường hiểu như một nguyên tắc cần lập đi lập lại; cũng có khi được hiểu là tiêu ngữ hoặc khẩu hiệu tuyên truyền. Chữ manta của Pāli gần như hoàn toàn không ai sử dụng trên bình diện đại chúng.

Mudrā, tiếng Pāli là Muddā dịch là thủ ấn hay ấn quyết. Trong Anh ngữ thường được hiểu là biểu tượng của nghệ thuật nhưng càng ngày người ta càng nghiêng về ý nghĩa là biểu tượng thần bí do ảnh hưởng của văn hoá Tây Tạng ở Phương Tây. Chữ muddā trong tiếng Pāli không được biết nhiều trong văn hoá đại chúng.

Người Việt rất tình cờ cũng có phần giống người Anh khi nghiên cứu kinh điển Pāli. Từ gốc là tiếp Pāli mà chuyển ngữ dùng chữ Hán vốn là y cứ phần lớn các bản kinh Sanskrit. Nên rất thường xầy ra chuyện … học một đàng nói một nẻo.


PĀLI TRONG NGHI THỨC NHẬT HÀNH

Kinh Cát Tường Pháp Giới – Phân đoạn I

CULLAMAṄGALACAKKAVĀḶAGĀTHĀ

Sabbabuddhānubhāvena sabbadhammānubhāvena sabbasaṅghānubhāvena buddharatanaṃ dhammaratanaṃ saṅgharatanaṃ tiṇṇaṃ ratanānaṃ ānubhāvena caturāsītisahassa dhammakkhandhā nubhāvena piṭakattayānubhāvena jinasāvakā nubhāvena sabbe te rogā sabbe te bhayā sabbe te antarāyā sabbe te upaddavā sabbe te dunnimittā. sabbe te avamaṅgalā vinassantu.

Do nhờ đức của chư Phật.

Do nhờ đức của chư Pháp.

Do nhờ đức của Chư Tăng.

Do nhờ đức của Tam-Bảo, Phật-Bảo, Pháp-Bảo, Tăng-Bảo.

Do nhờ đức của tám muôn bốn ngàn Pháp môn.

Do nhờ đức của Tam Tạng.

Do nhờ đức của chư Thinh-Văn đệ tử Phật.

Tất cả các tật bịnh của người.

Tất cả sự lo sợ của người.

Tất cả sự tai hại của người.

Tất cả sự khó chịu của người.

Tất cả điều mộng mị xấu xa của người.

Tất cả điều chẳng lành của người.

Cầu xin cho được tiêu diệt.


BÀI TẬP 23

Dịch sang tiếng Việt

1. Ammā samaṇehi asappurise putte anusāsāpesi.

2. Tumhe manusse pīḷente core āmantāpetvā ovadatha.

3. Vāṇijo kassakena rukkhe chindāpetvā / chedāpetvā sakaṭena nagaraṃ netvā vikkiṇi.

4. Samaṇo upāsake sannipātāpetvā dhammaṃ desesi.

5. Mātulo kumārehi pupphāni ca phalāni ca ocināpesi.

6. Dārikā sunakhaṃ pokkharaṇiṃ otarāpesi.

Dịch sang tiếng Pāli

1. Kẻ hung ác sai con trai bắn chim.

2. Những cư sĩ mời vị sa môn thuyết pháp.

3. Những phụ nữ bảo các con của họ đảnh lễ chư đệ tử Phật.

4. Thiếu nữ bảo người chị nói chuyện tại phiên họp.

5. Bác nông dân khiến cái cây ngã vào cái hố.

6. Các bạn sẽ tưới nước cho các bông hoa.


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc