Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI” _ BÀI 21. HIỆN TẠI PHÂN TỪ (tiếp theo)

Thứ sáu, 05/11/2021, 18:27 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI”

Bài học ngày 5.11.2021


BÀI 21. HIỆN TẠI PHÂN TỪ (tiếp theo)

1. Hiện tại phân từ (tiếp theo)

Bài học nầy tiếp theo bài số 11 và nên học chung với bài đó để biết thêm về hiện tại phân từ.

Trong bài số 11 để tạo thành hiện tại phân từ nam tính và trung tính tận cùng bằng -a thì thêm -nta / -māna vào động từ nguyên mẫu.

Thí dụ:
paca + nta pacanta
paca + māna pacamāna

Chúng được biến cách như danh từ nam tánh và trung tánh với vĩ ngữ -a.

Đi sâu hơn nên chú ý:

Những động từ có động từ nguyên mẫu tận cùng bằng -e được tạo thành bằng cách thêm -nta vào động từ nguyên mẫu. 

Thí dụ:
core + nta corenta

Những động từ có động từ nguyên mẫu tận cùng bằng -aya được tạo thành bằng cách thêm -māna vào động từ nguyên mẫu. 

Thí dụ:
coraya + māna corayamāna

Những động từ có động từ nguyên mẫu tận cùng bằng -nā được tạo thành bằng cách thêm -nta hay māna vào động từ nguyên mẫu.

Thí dụ

kiṇā + nta kiṇanta
kiṇā + māna kiṇamāna
suṇā + nta suṇanta
suṇā + māna suṇamāna

Cần lưu ý trong trường hợp nầy –nā được đổi sang thành –na.

Trong văn học Pāli -nta thường phổ thông hơn -māna

2. Hiện tại phân tử nữ tánh được tạo thành bằng cách thêm –ntī / –mānā vào động từ nguyên mẫu.

paca + ntī pacantī
paca + mānā pacamānā
core + ntī corentī
coraya + mānā corayamānā
kiṇā + ntī kiṇantī
kiṇā + mānā  kiṇamānā

Khi –ntī được thêm vào, hiện tại phân từ nữ tính được biến cách như những danh từ nữ tính vĩ ngữ –ī. Khi –mānā được thêm vào thì biến cách như những danh từ nữ tính vĩ ngữ –ā.

Biến cách của pacantī

Số ít Số nhiều
Chủ cách pacantī pacantī, pacantiyo
Đối cách pacantiṃ pacantī, pacantiyo
Sở dụng cách pacantiyā pacantīhi (pacantībhi)
Xuất xứ cách pacantiyā pacantīhi (pacantībhi)
Chỉ định cách pacantiyā  pacantīnaṃ
Sở thuộc cách pacantiyā, pacantiyaṃ pacantīnaṃ
Định sở cách pacantiyā pacantīsu
Hô cách pacantī pacantī, pacantiyo

3. Vài thí dụ tiêu biểu về cách đặt câu

Số ít Số nhiều

Ammā bhattaṃ pacantī kaññāya saddhiṃ katheti.

Đang nấu cơm, người mẹ nói chuyện với con gái.

Bhattaṃ pacantiyo ammāyo kaññāhi saddhiṃ kathenti.

Đang nấu cơm, những người mẹ nói chuyện với các con gái.

Kaññā bhattaṃ pacantiṃ ammaṃ passati.

Bé gái nhìn thấy người mẹ đang nấu cơm.

Kaññāyo bhattaṃ pacantiyo ammāyo passanti.

Những bé gái nhìn thấy các người mẹ đang nấu cơm.

Kaññā bhattaṃ pacantiyā ammāya udakaṃ deti.

Bé gái đưa nước cho người mẹ đang nấu cơm.

Kaññāyo bhattaṃ pacantīnaṃ ammānaṃ udakaṃ denti.

Những bé gái đưa nước cho những người mẹ đang nấu cơm.

Tương tự như trên, hiện tại phân từ được biến cách trong mọi trường hợp để tương đồng với danh từ mà chúng bổ nghĩa về cả ba phương diện giới tính, số, và cách.


PĀLI VUI ĐỂ HỌC

SỰ DỊCH CHUYỂN TRONG CHUYỂN DỊCH

Ngôn ngữ luôn thay đổi theo trào lưu văn hoá xã hội. Chữ “vô tư” ngày trước thường được hiểu là hồn nhiên, vô tư lự bây giờ thường được hiểu là “không cần phải ngần ngại”. Trên phương diện phổ thông quần chúng vốn như vậy mà ngay cả trong cách dịch thuật của cá nhân cũng thay đổi theo thời gian. Ngài Hoà thượng Tịnh Sự, một vị tiên phong trong lãnh vực Thắng Pháp (Abhidhamma) có rất nhiều thay đổi trong sự dịch thuật từ vựng của môn nầy. Thí dụ chữ “javana” Ngài ban đầu dịch là “tâm thực” rồi sau nầy dùng các chữ “đổng tốc”, “đổng lực”. Một nhà dịch thuật lớn khác là Hoà thượng Thích Minh Châu cũng tương tự như vậy. Chữ “yoniso manasikāra” được dịch là như lý tác ý, khéo tác ý, chánh tư niệm..

Ngày nay trong nền Phật học Anh ngữ có những khuôn mặt uy tín như Ngài Bodhi, ngài Thanissāro ...v.v… Có rất nhiều thuật ngữ chuyên môn từ tiếng Pāli chuyển sang Anh ngữ mà các vị phải đắn đo lựa chọn. Chữ “dukkha” thay vì dịch là suffering (khổ) thì dịch là unsatisfactoriness (bất toại nguyện); chữ “saṅkhāra” dịch là formations (sự hình thành) concoctions (sự cấu tạo) hay fabrications (sự kết cấu).

Sự biến đổi ý nghĩa của ngôn ngữ theo thời gian đối với kho tàng Phật học là một thách thức lớn cho sự dịch thuật. Rất may mắn là Phật học có ngôn ngữ Pāli làm chuẩn mực để giữ nguyên những ý nghĩa cần thiết. Đôi khi nói như một nhà học Phật “Đọc các bản dịch thì tạm thôi nhưng vẫn thấy … đọc nguyên văn Pāli thoải mái hơn”


PĀLI TRONG NGHI THỨC NHẬT HÀNH

Sám Hối Tam Bảo

Uttamaṅgena vandehaṃ

Pādapaṃsuṃ varuttamaṃ

Buddhe yo khalito doso

Buddho khamatu taṃ mamaṃ.

Gieo năm vóc trọn niềm sám hối,

Những sở hành lầm lỗi vô minh,

Từ thân khẩu ý khởi sanh,

Ngưỡng mong Phật Bảo đức lành từ dung.

Uttamaṅgena vandehaṃ

Dhammañca duvidhaṃ varaṃ

Dhamme yo khalito doso

Dhammo khamatu taṃ mamaṃ.

Gieo năm vóc trọn niềm sám hối,

Những sở hành lầm lỗi vô minh,

Từ thân khẩu ý khởi sanh,

Ngưỡng mong Pháp Bảo đức lành từ dung.

Uttamaṅgena vandehaṃ

Saṅghañca duvidhottamaṃ

Saṅghe yo khalito doso

Saṅgho khamatu taṃ mamaṃ.

Gieo năm vóc trọn niềm sám hối,

Những sở hành lầm lỗi vô minh,

Từ thân khẩu ý khởi sanh,

Ngưỡng mong Tăng Bảo đức lành từ dung.


BÀI TẬP 21

Dịch sang tiếng Việt

1. Khette phalāni corentī dārikā kassakaṃ disvā bhāyitvā dhāvituṃ ārabhi.

2. Buddhassa sāvakena desitaṃ dhammaṃ sutvā yuvati saccaṃ adhigantuṃ icchantī ammāya saddhiṃ mantesi.

3. Sayantaṃ sunakhaṃ āmasantī kumārī gehadvāre nisinnā hoti.

4. Rājinī nārīhi puṭṭhe pañhe vyakarontī sabhāyaṃ nisinnā parisaṃ āmantetvā kathaṃ kathesi.

5. Aṭaviṃ gantvā rukkhaṃ chinditvā sākhāyo ākaḍḍhantiyo itthiyo sigāle disvā bhāyiṃsu.

6. Gehadvāre nisīditvā dussaṃ sibbantī bhaginī gītaṃ gāyati.

Dịch sang tiếng Pāli

1. Cô gái ngồi trên giường uống sữa do mẹ cho.

2. Lấy những cái ghè (ghaṭe), những người đàn bà đã đi tới dòng sông để lấy nước.

3. Không muốn làm con chim hoảng sợ, người đàn bà đã thả nói khỏi chiếc lồng (pañjara).

4. Không thể (asakkoti) hái những trái trên cây, đứa bé gái gọi bác nông dân.

5. Không có sữa trong chén của đứa bế đang khóc.

6. Những cô gái đang hát dưới bóng cây đã bắt đầu nhảy múa.


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

 

Ý kiến bạn đọc