Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI” _ BÀI 19. QUÁ KHỨ PHÂN TỪ

Thứ sáu, 22/10/2021, 15:18 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI”

Bài học ngày 22.10.2021


BÀI 19. QUÁ KHỨ PHÂN TỪ

1. Quá khứ phân từ

Quá khứ phân từ được tạo thành bằng cách thêm vĩ ngữ - ta hoặc -ita vào động từ căn.

pacati – pac + i + ta pacita đã nấu
bhāsati – bhās + i + ta  bhāsita đã nói
yācati – yāc + i + ta yācita đã xin
deseti – dis’ + i + ta desita đã thuyết
pūjeti – pūj + i + ta pūjita đã lễ bái
gacchati – gam + ta gata đã đi
hanati – han + ta hata đã giết
nayati / neti – nī + ta nīta đã dẫn dắt

Có một số trường hợp quá khứ phân từ được tạo thành bằng cách thêm vĩ ngữ -na vào động từ căn.

chindati – chid + na chinna đã cắt
bhindati – bhid + na bhinna đã gẫy, đã vỡ
nisīdati – ni + sad + na nisinna đã ngồi
tarati – tṛ + na = tiṇṇa tiṇṇa đã băng ngang, đã vượt qua

2. Khi quá khứ phân từ đi với tha động từ mang ý nghĩa thụ động. Trái lại khi đi với tự động từ mang mang ý nghĩa năng động.

Chúng biến cách trong ba tánh giống như danh từ tận cùng bằng – a trong nam tánh và – ā trong nữ tánh.

Pacati, chindati, nimanteti là những tha động từ nên mang ý nghĩa như sau:

pacito odano = cơm đã được nấu (nghĩa thụ động)

chinnaṃ paṇṇaṃ = lá đã bị cắt (nghĩa thụ động)

nimantitā kaññā = bé gái đã được mời (nghĩa thụ động)

Gacchati, patati, tiṭṭhati là những tự động từ nên mang ý nghĩa năng động:

manusso gato (hoti) = người đàn ông đã đi (nghĩa năng động)

pupphaṃ patitaṃ (hoti) = đoá hoa đã rơi (nghĩa năng động)

kaññā ṭhitā (hoti) = người con gái đã đứng (nghĩa năng động)

3. Một số quá khứ phân từ được đơn cử dưới đây:

kasati – kasita, kaṭṭha pivati – pīta
pucchati – pucchita, puṭṭha cavati – cuta
pacati – pacita, pakka hanati – hata
ḍasati – daṭṭha nikkhamati         – nikkhanta
phusati – phuṭṭha jānāti – ñāta
pavisati – paviṭṭha suṇāti – suta
āmasati – āmasita, āmaṭṭha mināti – mita
labhati – laddha, labhita gaṇhāti – gahita
ārabhati – āraddha kiṇāti – kīta
bhavati – bhūta pāpuṇāti – patta
bhuñjati – bhuñjita, bhutta karoti – kata
vapati – vutta tiṭṭhati – ṭhita
vasati – vuttha harati – haṭa
āsiñcati – āsitta kujjhati – kuddha
khipati – khitta dadāti – dinna
dhovati – dhovita, dhota pasīdati – pasanna
pajahati – pahīna (passati) – diṭṭha, (dṛś)
vivarati – vivaṭa muñcati – mutta

4. Vài thí dụ về cách đặt câu với quá khứ phân từ

Upāsakehi vihāraṃ paviṭṭho Buddho diṭṭho hoti

Đức Phật đã vào tịnh xá được trông thấy bởi những nam cư sĩ.

Te Buddhena desitaṃ dhammaṃ suṇiṃsu

Họ đã lắng nghe pháp được giảng bởi Đức Phật.

Dārikāya āhaṭāni bhaṇḍāni ammā piṭakesu pakkhipi

Người mẹ đã đặt vào cái giỏ những hàng hoá được mang bởi những bé gái.

Vānijo patitassa rukkhassa sākhāyo chindi

Người thương buôn đã chặt những cành cây đã rơi xuống.

Mayaṃ udakena āsittehi pupphehi Buddhaṃ pūjema

Chúng tôi cúng dường Đức Phật với những đoá hoa đã được tưới bằng nước.

Kassakena kasite khette sūkaro sayati

Con heo đã ngủ trong thửa ruộng đã cày bởi bác nông dân.


PĀLI VUI ĐỂ HỌC

NGHĨA BẤT ĐỊNH NGHĨA

Học Phạm ngữ theo cách của người Phật tử không đơn thuần là học một ngoại ngữ. Có rất nhiều từ vựng không thể hiểu đơn thuần theo chữ dịch của từ điển mà phải xem chữ đó dùng ở trường hợp nào.

Có những chữ phải hiểu tuỳ theo phạm trù hoặc ngữ cảnh được nói đến.

Thí dụ: chữ “dukkha” thường dịch là khổ. Thế nhưng trong ý nghĩa nào đó như trong câu “các hành là khổ” thì chữ khổ nầy bao gồm cả thọ lạc và thọ … bất khổ bất lạc.

Có nhiều trường hợp cũng một từ vựng mà Kinh Tạng, Luật Tạng và Thắng Pháp Tạng xài với ý nghĩa khác nhau.

Thí dụ: chữ “gocara” có nghĩa là đồng cỏ cũng có chỗ mang nghĩa là nơi thích hợp cho vị tỳ kheo lui tới mà cũng có khi mang nghĩa cảnh của giác quan.

Có những chữ mà văn hoá Bà la môn giáo xài khác mà Đức Phật xài với nghĩa khác.

Thí dụ: chữ “Brahmacariya” thì văn hoá Veda ám chỉ đời sống tránh xa nhục dục. Đức Phật dùng chỉ nầy chỉ cho đời sống phạm hạnh xuất gia mà đôi khi chỉ cho giáo pháp của Phật.

Có những chữ mà Phật giáo Nguyên Thuỷ xài khác mà Phật giáo Phát Triển xài khác.

Thí dụ: chữ “trí độ” dịch từ chữ “paññāpāramī” âm là bát nhã ba la mật. Theo Phật giáo Bắc Truyền thì đó là tuệ giác của bậc giác ngộ. Phật giáo Nam Truyền thì hiểu là trí tuệ đưa đến bờ giác ngộ.

Có những chữ mà Phật giáo Ấn Độ hiểu khác mà Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam hiểu khác.

Thí dụ: chữ Tăng Ni thường được hiểu là nam tu sĩ và nữ tu sĩ Phật giáo trong lúc nguyên nghĩa thì Tăng bao gồm cả hai chúng tỳ kheo và tỳ kheo ni. Chữ Ni đọc riêng biệt thì thiếu nghĩa mặc dùng thường biểu thị cho nữ tánh.

Cũng có những chữ mà học giả nầy xài với ý nghĩa khác mà vị kia thì hoàn toàn không giống.

Thí dụ: chữ “tác ý” Ngài Tịnh Sự dùng để dịch cho chữ “manasikāra” mang nghĩa như “focus” trong tiếng Anh. Nhưng nhiều vị khác dùng chữ tác ý nghĩ là chủ tâm tạo tác như chữ “cetanā”.

Gặp những trường hợp rối rắm như thế thì tốt nhất là … cười cho qua chuyện.


PĀLI TRONG NGHI THỨC NHẬT HÀNH

Kinh Nguyện Tiêu Tai

Namo te buddha vīratthu,

vippamuttosi sabbadhi;

Sambādhapaṭipannosmi,

tassa me saraṇaṃ bhavā’’ti.

Lạy Phật, bậc Đại Hùng,

Đấng hoàn toàn giải thoát,

Con đang bị bức hại,

Hãy cho con nương tựa.


BÀI TẬP 19

Dịch sang tiếng Việt

1. Ammāya mañjūsāyaṃ pakkhittaṃ suvaṇṇaṃ dārikā na gaṇhi.

2. Dhotāni vatthāni gahetvā bhariyā udakamhā uttari.

3. Kassakehi uyyāne ropitesu rukkhesu phalāni bhaviṃsu.

4. Buddhā devehi ca narehi ca pūjitā honti.

5. Udakena pūritaṃ pattaṃ gahetvā vanitā gehaṃ āgatā hoti.

6. Adhammena (unrighteously) dīpaṃ pālentena bhūpālena pīḷitā manussā kuddhā honti.

Dịch sang tiếng Pāli

1. Người đàn ông đã đến phiên họp đã không thể nói với các vị quan.

2. Đức con trai cầm tiền đã được mẹ cho đã chạy đến cửa tiệm

3. Vị vua đã ngồi trên long xa được kéo bởi những con ngựa.

4. Sau khi đã bàn thảo với vị hiền triết những nông dân đã gởi sứ giả đến nhà vua.

5. Những đứa con đã ra khỏi cửa.

6. Những phụ nữ đã xuống nước tắm và giặt giũ quần áo.

SỬA BÀI TẬP 18

Dịch sang tiếng Việt

4. Bhariyā mañjūsāsu vatthāni ca suvaṇṇaṃ ca ṭhapesi.

5. Dārikā pāsādassa chāyāyaṃ nisīditvā vālukāya kīḷiṃsu.

6. Bhariyāya kathaṃ sutvā pasīditvā kassako sappuriso abhavi.

Dịch sang tiếng Pāli

4. Ngồi trong bóng của ngôi nhà, những bé gái cắt những nhánh của dây leo.

5. Những người đàn ông xấu không khuyên ngăn những đứa con trai uống rượu.

6. Cầm lấy cái giỏ và tiền, cô gái đi chợ mua bắp.


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc