Bài 75. 4 THỨ DIỄN TRÌNH TÂM QUA NGŨ MÔN _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 30.5.2021

Bài 75. 4 THỨ DIỄN TRÌNH TÂM QUA NGŨ MÔN _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 30.5.2021

Chủ nhật, 30/05/2021, 18:57 GMT+7

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 30.5.2021

Bài 75

4 THỨ DIỄN TRÌNH TÂM QUA NGŨ MÔN

Một trong những khó khăn của người học Thắng Pháp nói chung, diễn trình tâm nói riêng là trong một bài học có quá nhiều chi tiết được đề cập đến. Trong phần nầy khi nói về 4 diễn trình tâm quan ngũ môn rất cần để tập chú vào những điểm chính. Từ đó sẽ đi xa hơn một số chi tiết.

4 diễn trình tâm qua ngũ môn

Đối với năm giác quan thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác luôn cần 4 yếu tố trợ sanh căn, cảnh, môi sinh và sự chú ý.

Đơn cử 4 yếu tố của thị giác:

1) Thần kinh nhãn - cakkhupasāda.

2) Cảnh sắc - rūpāramaṇa.

3) Ánh sáng - āloka.

4) Sự chú ý - manasikāra.

Do 4 yếu tố nầy tạo nên 4 thứ diễn trình tâm qua ngũ môn:

1. Diễn trình tâm ngũ môn ấn tượng rất mạnh (atimahantārammaṇa) là khi cả bốn yếu tố căn, cảnh, môi sinh và sự chú ý đều đầy đủ.

2. Diễn trình tâm ngũ môn ấn tượng mạnh (mahantārammaṇa) là khi một trong bốn yếu tố bị thiếu kém.

3. Diễn trình tâm ngũ môn ấn tượng yếu (parittārammaṇa) là khi nhiều trong bốn yếu tố bị thiếu kém.

4. Diễn trình tâm ngũ môn ấn tượng rất yếu (atiparittārammaṇa) là khi cả bốn yếu tố đều thiếu kém.

Diễn trình tâm ngũ môn ấn tượng rất mạnh (atimahantārammaṇa)

Nhìn lại biểu đồ đã có về diễn trình tâm ngũ môn ấn tượng rất mạnh đã nêu ra trong một bài học trước:

Có ba trường hợp của diễn trình tâm ngũ môn ấn tượng rất mạnh:

MỘT ĐƠN CỬ DIỄN TRÌNH TÂM THỨC

Có ba trường hợp của diễn trình tâm ngũ môn ấn tượng rất mạnh:

a. Kết thúc bằng tâm xử lý (javana)

Như trường hợp đối với vị có thiền chứng khi ngửi mùi thơm tất cả yếu tố trợ sanh đều đầy đủ nhưng do năng lực thiền nên chi diễn trình tâm hoạt thức kết thúc bằng công đoạn xử lý chứ không có dư hưởng.

b. Kết thúc bằng tiềm thức trung hoà (āgantukabhavaṅga)

Như trường hợp một người có tiềm thức là tâm quả thọ hỷ mà hoạt thức xử lý lại là tâm sân thọ ưu. Hai thứ tâm có có hai xung lực đối chọi nên không thể ngay sau tâm hoạt thức xử lý thọ ưu lập tức đổi sang tiềm thức thọ hỷ nên có một sát na tiềm thức trung hoà thọ xả. Tiềm thức nầy có cảnh giống tiềm thức cố hữu chỉ có khác là cảm thọ. Thọ xả thay vì thọ hỷ. (Ngài Tịnh Sự gọi tiềm thức trung hoà là “hộ kiếp khách”)

c. Kết thúc bằng tâm dư hưởng (tadālambana)

Tâm dư hưởng là tâm hưởng cảnh tồn đọng do ấn tượng mạnh giống như một người nhảy từ bờ nầy sanh bờ kia tuy đã chạm đất nhưng vẫn còn “trớn”. Tâm dư hưởng có cùng cảnh với tâm xử lý nhưng lại là tâm quả chứ không phải là tâm tạo quả. Do xung lực mạnh công đoạn dư hưởng luôn có 2 sát na.

Theo luật tự nhiên đối với diễn trình tâm ấn tượng rất mạnh thì luôn luôn chỉ có một tiềm thức dịch chuyển (hộ kiếp vừa qua)

Diễn trình tâm ngũ môn ấn tượng mạnh (mahantārammaṇa)

Chỉ có hai trường hợp xảy ra đối với diễn trình nầy của tâm thức:

a. Kết thúc bằng công đoạn xử lý

b. Kết thúc bằng công đoạn tiềm thức trung hoà

Thứ diễn trình tâm nầy thường có 2, 3 hoặc 4 tiềm thức dịch chuyển. Theo Sớ giải thì nếu có 4 tiềm thức dịch chuyển sẽ sanh khởi 6 sát na tâm xử lý.

Diễn trình tâm ngũ môn ấn tượng yếu (parittārammaṇa)

Đây là diễn trình tâm không có công đoạn xử lý (javana) mà kết thúc ở công đoạn xác định (voṭṭhapana).

Diễn trình tâm ngũ môn ấn tượng rất yếu (atiparittārammaṇa)

Đây là thức diễn trình tâm không có hoạt thức mà dừng lại ở tiềm thức giao động.

Bài học kế tiếp: Nhìn lại sự tương tác giữa căn, cảnh và thức quan diễn trình tâm ngũ môn

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc