BÀI 4. XUẤT XỨ CÁCH DANH TỪ NAM TÁNH VĨ NGỮ A _ Giáo trình Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI” _ Bài học ngày 19.7.2021

Thứ hai, 19/07/2021, 14:46 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Phạn ngữ “HỌC PĀLI TRONG 32 BÀI”

Bài học ngày 19.7.2021


BÀI 4. XUẤT XỨ CÁCH DANH TỪ NAM TÁNH VĨ NGỮ A

Danh từ nam tánh vĩ ngữ A

Dhīvara = người đánh cá, ngư phủ

Maccha = cá

piṭaka = cái giỏ, cái rổ

amacca = thượng thư, bộ trưởng

upāsaka = nam cư sĩ, thiện nam

pāsāda = cung điện, lâu đài

dāraka = đứa bé trai

sāṭaka = quần áo

rajaka = thợ giặt

sappa = con rắn

pañha = câu hỏi, vấn đề

suka / suva = con vẹt

sopāna = cầu thang

sūkara / varāha = con heo

Động từ:

Patati = rơi, rơi xuống

Dhovati = rửa

Icchati = muốn, mong ước

ḍasati = cắn, ngoạm

pucchati = hỏi, chất vấn

pakkosati = gọi, triệu tập

khādati = nhai

hanati = giết

otarati = đi xuống

nikkhamati = ra đi, từ bỏ, xuất gia

(Thông thường biến cách thứ tư của danh từ Pāli là “chỉ định cách” nhưng trong giáo trình nầy của giáo sư Lily de Silva lại là “xuất xứ cách”. Xin giữ nguyên theo bản Anh ngữ như sự tôn trọng đối với tác giả)

Xuất xứ cách

Xuất xứ cách là biến cách danh từ chỉ điểm xuất phát, nguồn gốc. Thí dụ: Nam cư sĩ đến từ tịnh xá; vị sa môn vào làng từ hòn núi; người lữ hành sợ bọn cướp; Tôn giả Ananda rời Trúc Lâm Tịnh Xá.

Biến thể xuất xứ cách trong trường hợp danh từ nam tánh vĩ ngữ A số ít thêm vào – ā / – mhā / – smā  số nhiều thêm vào – ehi (dạng – ebhi cũng được tìm thấy trong kinh văn cổ xưa)

Số ít:

1) nara + ā / amhā / smā = narā / naramhā / narasmā (từ người đàn ông)

2) mātula + ā / amhā / asmā = mātulā / mātulamhā / mātulasmā (từ người cậu)

3) kassaka + ā / amhā / asmā = kassakā / kassakamhā / kassakasmā (từ bác nông dân)

Số nhiều:

1) nara + ehi = narehi / narebhi (từ những người đàn ông)

2) mātula + ehi = mātulehi / mātulebhi (từ những người cậu)

3) kassaka + ehi = kassakehi / kassakebhi (từ những bác nông dân)

Vài câu kiểu mẫu:

Số ít:

1) Yācako naramhā bhattaṃ yācati.
Người ăn mày xin thức ăn từ người đàn ông.

2) Putto mātulamhā pañhaṃ pucchati.
Người con trai hỏi vấn đề từ người cậu.

3) Kassako rukkhasmā patati.
Bác nông dân rơi xuống từ thân cây.

Số nhiều:

1) Yācakā narehi bhattaṃ yācanti.
Những người ăn mày xin thức ăn từ những người đàn ông.

2) Puttā mātulehi pañhe pucchanti.
Những người con trai hỏi vấn đề từ những người cậu.

3) Kassakā rukkhehi patanti.
Những người nông dân rơi xuống từ những thân cây.

Dịch sang tiếng Việt:

1. Corā gāmamhā pabbataṃ dhāvanti.

2. Dārako mātulasmā odanaṃ yācati.

3. Kumāro sopānamhā patati.

4. Mātulā sāṭake dhovanti.

5. Dhīvarā piṭakehi macche āharanti.

6. Upāsaka samaṇehi saddhiṃ vihārasmā nikkhamanti.

7. Brāhmaṇo kakacena rukkhaṃ chindati.

8. Kumārā mittehi saha bhūpālaṃ passanti.

9. Vāṇijo assena saddhiṃ pabbatasmā oruhati.

10. Yācako kassakasmā soṇaṃ yācati.

Dịch sang tiếng Pāli:

1. Những con ngựa chạy đến hòn núi từ ngôi làng.

2. Những người thương buôn cùng với những nam cư sĩ đi đến tịnh xá từ hòn đảo.

3. Những kẻ cướp bắn những con lợn bằng những mũi tên.

4. Người thiện nam hỏi pháp từ vị Sa-môn.

5. Đứa bé trai với người bạn rơi xuống từ tảng đá.

6. Con chó cắn bé trai.

7. Những quan thượng thư với đức vua rời khỏi cung điện.

8. Người đàn ông mang con nai từ hòn đảo.

9. Bác nông dân trèo xuống từ thân cây.

10. Những con chó với những con ngựa chạy dọc con đường.

PĀLI VUI ĐỂ HỌC

Mangala là từ ngữ rất phổ biến trong đời sống người Ấn Độ. Chữ nầy có nghĩa chính xác là điềm lành hay dấu hiệu cát tường. Thí dụ một người chiêm bao thấy được điềm báo sẽ có hỷ sự thì điềm lành đó là maṅgala. Vì lý do gì đó chữ nầy khi dịch sang tiếng Việt lại mang ý nghĩa là “hạnh phúc”. Maṅgala Sutta được Pháp sư Thông Kham dịch lần đầu sang tiếng Việt là “ba mươi tám pháp an lành” về sau đổi là “38 pháp hạnh phúc”. HT Nhất Hạnh di xa hơn gọi là “Kinh Phúc Đức” trong lúc nguyên nghĩa là “Kinh Điềm Lành” hay “Kinh Dấu Hiệu Cát Tường”.

PĀLI VÀ NGHI THỨC NHẬT HÀNH

Ân Đức Pháp

Svākkhāto bhagavato dhammo sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko opanayiko paccattaṃ veditabbo viññūhīti.

Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tiền, vượt ngoài thời gian, đến để chứng nghiệm, hiệu năng hướng thượng, trí giả thân chứng.

Văn tụng:

Pháp vi diệu cha lành khéo dạy

Lìa danh ngôn giác ngộ hiện tiền

Vượt thời gian chứng vô biên

Sát na đại ngộ hoát nhiên liễu tường

Ðạo vô thượng đến rồi thấy rõ

Hướng thượng tâm thoát ngõ vọng trần

Trí nhân tự ngộ giả chân

Diệu thường tịnh lạc Pháp ân nhiệm mầu

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

 

Ý kiến bạn đọc