- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Giáo trình Phạn ngữ Pāli
Bài học ngày 31.5.2021
Bài 1. CÁC LOẠI TỪ & BIẾN CÁCH DANH TỪ
CÁC TỰ LOẠI
1. Nāma: Danh từ, tính từ, và đại danh từ.
2. Akhyāta: Động từ.
3. Upasagga: Tiếp đầu ngữ, Tiếp vĩ ngữ.
4. Nipāta: Liên từ, giới từ, trạng từ, và bất biến từ.
Mặc dù các nhà ngôn ngữ cố gắng tìm những khái niệm về văn phạm tương đồng giữa các ngôn ngữ tuy vậy nên nhớ rằng quy luật văn phạm có nhiều sai biệt tuỳ mỗi ngôn ngữ. Cách hiểu thời xưa cũng như hôm nay cũng có nhiều khác biệt. Tự loại nāma đúng ra dịch là danh từ nhưng trong tiếp Pāli gồm cả tỉnh từ, nhân xưng đại danh từ... (Nên chú ý trong Anh ngữ danh từ (noun), tỉnh từ (adjective), đại danh từ (pronoun) là ba từ loại khác nhau).
TÁNH, SỐ, VÀ NGỮ CÁCH
Danh từ Pāli có 3 tánh và 2 số:
Tánh:
1. Pulliṅga: Nam tánh.
2. Itthiliṅga: Nữ tánh
3. Napuṃsakaliṅga: Trung tánh.
Số:
1. Ekavacana: Số ít.
2. Bahuvacana: Số nhiều.
Danh từ chỉ giống đực thuộc nam tánh, chỉ giống cái thuộc nữ tánh, những danh từ chỉ vật vô tri không phải luôn thuộc trung tánh. Thí dụ: rukkha (cây), canda (mặt trăng), thuộc nam tánh; dhana (tài sản), citta (tâm) thuộc trung tánh.
Hai danh từ chỉ một vật có thể có tánh khác nhau: pāsāṇa và silā đều chỉ hòn đá, chữ trước thuộc nam tánh, chữ sau thuộc nữ tánh. Chữ geha (nhà) vừa thuộc nam tánh, vừa thuộc trung tánh; kucchi (bụng) thuộc cả nam tánh và nữ tánh.
1. Paṭhamā: Chủ cách
2. Dutiyā: Đối cách
3. Tatiyā: Sở dụng cách
4. Catutthī: Chỉ định cách,
5. Pañcami: Xuất xứ cách
6. Chaṭṭhī: Sở thuộc cách
7. Sattamī: Định sở cách
8. Āpalana: Hô cách
8 biến cách của danh từ đặc biệt rất quan trọng với người học Phạn ngữ Pāli. Sau đây là định nghĩa và cách dùng những biến cách nầy do Giáo Sư Giác Giới biên soạn:
- Chủ cách: thường dùng làm chủ từ của câu.
Thí dụ: "Buddho dhammaṃ deseti" (Ðức Phật thuyết pháp) ...
- Ðối cách: thường dùng làm túc từ hay đối từ trực tiếp cho động từ.
Thí dụ: "Gāmaṃ gacchāmi" (Tôi đến làng) ...
- Sở dụng cách: thường dùng trong ý nghĩa phương tiện của hành động, hay nói lên sự hợp tác ...
Thí dụ: "Puriso rathena yāti" (Người đàn ông đi bằng xe)
"Ahaṃ tava saha vasāmi" (Tôi sống với anh) ...
- Chỉ định cách: thường dùng làm túc từ gián tiếp cho động từ hay làm túc từ cho những phân từ; hoặc để nói lên mục đích.
Thí dụ: "Tvaṃ yācakassa āhāraṃ desi" (Anh cho vật thực đến người hành khất)
"Namo buddhāya" (Tôi cung kỉnh Ðức Phật)
"Buddho lokahitāya lokasukhāya dhammaṃ desesi" (Ðức Phật thuyết pháp vì lợi ích cho đời) ...
- Xuất xứ cách: thường dùng trong ý nghĩa tách rời hay xuất phát ...
Thí dụ: "So gehasmā nikkhami" (Nó đã ra khỏi nhà)
"Migo byagghamhā bhāyi" (Con nai đã sợ con hổ) ...
- Sở thuộc cách: thường dùng trong ý nghĩa chỉ quyền sở hữu ...
Thí dụ: "Gehe me pituno ahosi" (Ngôi nhà của cha tôi);
"Kukkutiyā aṇdāni" (Những trứng của gà mái) ...
- Ðịnh sở cách: thường dùng trong ý nghĩa chỉ thời gian, nơi chốn.
Thí dụ: "Atīte kāle rājā rajjaṃ karoti" (Vào thời quá khứ có nhà vua cai trị quốc độ)
"Ahaṃ gāmasmiṃ jīvāmi" (Tôi sống trong làng) ...
- Hô cách: thường dùng để kêu gọi trong câu đàm thoại.
Thí dụ: "Gacchatha bhikkhave Vesaliṃ" (Hỡi chư tỳ kheo, hãy đi đến thành Vesāli)
"Ehi tāta putta" (Hãy lại đây, này con trai cưng) ...
BIẾN CÁCH CÁC DANH TỪ
Biến cách của danh từ nam tánh vĩ ngữ a:
Cách _ Số ít / Số nhiều
1. Chủ cách _ o / ā
2. Đối cách _aṃ / e
3. Sở dụng cách _ena / ehi, ebhi
4. Chỉ định cách _ āya, assa / ānaṃ
5. Xuất xứ cách _ ā, amhā, asmā / ehi, ebhi
6. Sở thuộc cách _ assa / ānaṃ
7. Định sở cách _ e, amhi, asmiṃ / esu
8. Hô cách _ a, ā / ā
Biến cách của danh từ nara (Nam tánh vĩ ngữ a):
Cách _ Số ít / Số nhiều
1. Chủ cách _ naro / narā
2. Đối cách _ naraṃ / nare
3. Sở dụng cách _ narena / narehi, narebhi
4. Chỉ định cách _ narāya, narassa / narānaṃ
5. Xuất xứ cách _ narā, naramhā, narasmā / narehi, narebhi
6. Sở thuộc cách _ narassa / narānaṃ
7. Định sở cách _ nare, naramhi, narasmiṃ / naresu
8. Hô cách _ nara, narā / narā
Những từ sau đây cũng biến cách tương tự chữ nara:
- Manussa: con người
- Hattha: tay
- Pāda: chân
- Kāya: thân
- Rukkha: cây
- Pāsāṇa: hòn đá
- Gāma: làng
- Buddha: đức Phật
- Saṅgha: Hội chúng (Tăng)
- Āloka: ánh sáng
- Loka: thế giới
- Ākāsa: bầu trời
- Suriya: mặt trời
- Canda: mặt trăng
- Magga: con đường
- Putta: con, con trai (trong gia đình)
- Dhamma: Giáo Pháp
- Purisa: đàn ông; con người
- Sakuṇa: con chim
- Dāsa: nô lệ
- Bhūpāla: đức vua
- Mayūra: chim công
- Kassaka: nông dân
- Lekhaka: thư ký
- Deva: chư thiên, thiên thần
- Vānara: con khỉ
- Vihāra: tịnh xá
- Dīpa: ngọn đèn; hòn đảo
- Aja: con dê
- Kumāra: bé trai
- Vāṇija: thương nhân, lái buôn
- Sīha: sư tử
- Mitta: bạn
- Mañca: cái giường
- Āhāra: vật thực, thức ăn
- Cora: tên trộm
- Miga: con nai; thú vật
- Assa: con ngựa
- Goṇa: con bò
- Sunakha: con chó
- Varāha: con heo (lợn)
- Kāka: con quạ
A – Dịch sang tiếng Việt:
1. Manussānaṃ
2. Purise
3. Hatthaṃ
4. Pādamhi
5. Kāyena
6. Buddhesu
7. Dhammaṃ
8. Saṅghamhā
9. Suriye
10. Rukkhassa
11. Ākāsena
12. Bhūpālebhi
13. Devā
14. Candaṃ
15. Gāmasmā
16. Goṇāya
17. Sīhānaṃ
18. Asso
19. Sakuṇa
20. Mañcasmiṃ
21. Purisassa goṇo
22. Manussāṇaṃ hatthā
23. Ākāsamhi sakuṇā
24. Buddhassa dhammo
25. Mañcese manussā
26. Assānaṃ pādā
27. Rukkhe sakuṇo
28. Pasānamhi goṇo
29. Lokasmiṃ manussā
30. Bhūpālassa dīpo
B – Dịch sang Pāli
1. Những con chó
2. Của cánh tay
3. Trên những người
4. Từ trên cây
5. Trên những hòn đảo
6. Với cái chân
7. Bởi những cánh tay
8. Cho con sư tử
9. Của những con bò
10. Từ những con chim
11. Bởi ông vua
12. Ôi! Vị thiên thần
13. Cho mặt trời
14. Trên trời
15. Ngang qua thân
16. Trên giường
17. Của những mặt trăng
18. Trên đời
19. Con khỉ
20. Ngang qua mặt trăng
21. Cái thân của con bò
22. Con chim trên cây
23. Hòn đảo trên thế giới
24. Với những bàn chân của con người
25. Bởi những bàn tay của con khỉ
26. Của những con chim ở trên trời
27. Trong giáo lý của đức Phật
28. Những ngôi làng của đức vua
29. Những con chim từ nơi cây
30. Con ngựa trên con đường
(Phần sau đây chỉ áp dụng cho người học Pāli qua Anh ngữ không ứng dụng đối với học viên nói tiếng Việt)
Khi dịch sang Pāli các mạo từ đươc bỏ qua. Pāli không có những mạo từ tương đương. Chữ ta (kia, đó) có thể dùng cho chỉ định mạo từ và chữ eka (một) dùng cho bất định mạo từ. Cả hai đều cùng một tánh, một số và một biến cách với những danh từ mà nó bổ nghĩa (có bản chia riêng).
* Bài viết trích từ cuốn: "Giáo trình PĀLI, nguyên tác: THE NEW PALI COURSE, Tác giả Prof. A. P. Buddhadatta, Maha Nayaka Thera, Dịch giả: Ngài Thích Minh Châu.
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng