Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || TU SĨ ĐÚNG NGHĨA TU SĨ - Kinh Sona II (Dutiyasoṇasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || TU SĨ ĐÚNG NGHĨA TU SĨ - Kinh Sona II (Dutiyasoṇasuttaṃ)

Thứ tư, 24/04/2024, 18:16 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bài học ngày 24.4.2024

TU SĨ ĐÚNG NGHĨA TU SĨ

Kinh Sona II (Dutiyasoṇasuttaṃ)

Tập III – Uẩn

Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần I-Phẩm Chính Mình Là Hải Đảo (S,iii,50)

Trong lời Phật dạy, một người tu không thể không hiểu biết về bản thân. Bản thân có nghĩa là năm uẩn. Hiểu biết là nhận thức rõ qua cả bốn phương diện: bản chất, nhân sanh khởi, sự vượt thoát và con đường dẫn đến sự vượt thoát. Cứu cánh của đời tu hành, chính là sự chứng ngộ và an trú chánh trí giải thoát. Đức Phật cũng khẳng định là chỉ có những ai hiểu biết năm uẩn qua tứ đế, thì Ngài mới gọi đó là những vị chân tu giữa những người đi tu.

Kinh văn

Evaṃ me sutaṃ—ekaṃ samayaṃ bhagavā rājagahe viharati veḷuvane kalandakanivāpe.

Atha kho soṇo gahapatiputto yena bhagavā tenupasaṅkami; upasaṅkamitvā bhagavantaṃ abhivādetvā ekamantaṃ nisīdi. Ekamantaṃ nisinnaṃ kho soṇaṃ gahapatiputtaṃ bhagavā etadavoca:

Tôi được nghe như vầy.

Một thuở, Đức Thế Tôn ngự ở Rājagaha (Vương xá), tại Veḷuvana (Trúc Lâm), trong khu vực Kalandakanivāpe (chỗ cho sóc ăn).

Bấy giờ Soṇa, con trai một gia chủ, đi đến Đức Thế Tôn, đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn nói với Soṇa:

“Ye hi keci, soṇa, samaṇā vā brāhmaṇā vā rūpaṃ nappajānanti, rūpasamudayaṃ nappajānanti, rūpanirodhaṃ nappajānanti, rūpanirodhagāminiṃ paṭipadaṃ nappajānanti; vedanaṃ nappajānanti, vedanāsamudayaṃ nappajānanti, vedanānirodhaṃ nappajānanti, vedanānirodhagāminiṃ paṭipadaṃ nappajānanti; saññaṃ nappajānanti …pe… saṅkhāre nappajānanti, saṅkhārasamudayaṃ nappajānanti, saṅkhāranirodhaṃ nappajānanti, saṅkhāranirodhagāminiṃ paṭipadaṃ nappajānanti; viññāṇaṃ nappajānanti, viññāṇasamudayaṃ nappajānanti, viññāṇanirodhaṃ nappajānanti, viññāṇanirodhagāminiṃ paṭipadaṃ nappajānanti. Na me te, soṇa, samaṇā vā brāhmaṇā vā samaṇesu vā samaṇasammatā brāhmaṇesu vā brāhmaṇasammatā, na ca pana te āyasmanto sāmaññatthaṃ vā brahmaññatthaṃ vā diṭṭheva dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharanti.

—Này Soṇa, những sa môn hay bà la môn nào không hiểu biết sắc, không hiểu biết sự tập khởi của sắc, không hiểu biết sự đọan diệt của sắc, không hiểu biết con đường đưa đến đoạn diệt sắc;

không hiểu biết thọ …

không hiểu biết tưởng…

không hiểu biết hành …

không hiểu biết thức, không hiểu biết sự tập khởi của thức, không hiểu biết sự đọan diệt của thức, không hiểu biết con đường đưa đến đoạn diệt thức. Ta không xem những sa môn hay bà la môn ấy thật sự là những sa môn hay bà la môn, giữa những sa môn hay bà la môn; và hơn nữa, vị ấy trong không thể chứng đạt và an trú sự giác ngộ ngay trong đời hiện tại – là cứu cánh của sa môn hạnh hay bà la môn hạnh.

Ye ca kho keci, soṇa, samaṇā vā brāhmaṇā vā rūpaṃ pajānanti, rūpasamudayaṃ pajānanti, rūpanirodhaṃ pajānanti, rūpanirodhagāminiṃ paṭipadaṃ pajānanti; vedanaṃ pajānanti …pe… saññaṃ pajānanti … saṅkhāre pajānanti … viññāṇaṃ pajānanti, viññāṇasamudayaṃ pajānanti, viññāṇanirodhaṃ pajānanti, viññāṇanirodhagāminiṃ paṭipadaṃ pajānanti. Te ca kho me, soṇa, samaṇā vā brāhmaṇā vā samaṇesu ceva samaṇasammatā brāhmaṇesu ca brāhmaṇasammatā, te ca panāyasmanto sāmaññatthañca brahmaññatthañca diṭṭheva dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharantī”ti.

Nhưng này Soṇa, những sa môn hay bà la môn nào hiểu biết sắc, hiểu biết sự tập khởi của sắc, hiểu biết sự đọan diệt của sắc, hiểu biết con đường đưa đến đoạn diệt sắc;

hiểu biết thọ …

hiểu biết tưởng…

hiểu biết hành …

hiểu biết thức, hiểu biết sự tập khởi của thức, hiểu biết sự đọan diệt của thức, hiểu biết con đường đưa đến đoạn diệt thức. Ta xem những sa môn hay bà la môn ấy thật sự là những sa môn hay bà la môn, giữa những sa môn hay bà la môn; và hơn nữa, vị ấy có thể chứng đạt và an trú sự giác ngộ ngay trong đời hiện tại – là cứu cánh của sa môn hạnh hay bà la môn hạnh.

 

Chú Thích

Nội dung bài kinh này, áp dụng hệ luận tứ đế đối với năm uẩn. Đây là hệ luận bao gồm vấn đề, nguyên nhân, giải pháp, phương thức đạt được giải pháp. Cách áp dụng này rất thường được dùng đối với những đề tài khác như thập nhị duyên khởi, tứ thực, …

Khi Đức Phật sử dụng cụm từ “những sa môn hay bà la môn (samaṇā vā brāhmaṇā vā)”, hàm ý là những tu sĩ. Trong văn hoá Ấn, những tu sĩ bà la môn hay phạm chí được hiểu là những vị nghiêng về tri thức, nghiên cứu đạo lý, trong lúc sa môn chỉ cho những vị nghiêng về hành trì.

 

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Bài kinh này và bài kinh trước có cùng bản sớ giải.

Ý kiến bạn đọc