- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA
Bài học ngày 01.10.2024
TỪ CÁI THẤY SAI TẠO NÊN CHẤP SAI
Kinh Tà Kiến (Micchādiṭṭhisutta),
Kinh Thân Kiến (Sakkāyadiṭṭhisutta),
Kinh Ngã Kiến (Attānudiṭṭhisutta),
Kinh Thành Kiến (Abhinivesasutta),
Kinh Thành Kiến II (Dutiyābhinivesasutta),
Kinh Ānanda (Ānandasutta)
Tập III – Uẩn
Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần III-Phẩm Kiến (S,iii,154, 155, 156, 157, 158, 159)
Tất cả chúng sanh đều sống với năm uẩn và có ít nhiều đối diện với những hiện tượng liên quan tới năm uẩn. Vấn đề là nếu không nhìn đúng bản chất thì thường sanh ảo tưởng, giống như nhìn một đoá hoa với màu sắc chưa đủ, mà còn phải hiểu rõ những gì liên hệ sâu xa như chủng loại, điều kiện tăng trưởng, dược tính, giá trị dinh dưỡng, thậm chí những dị ứng tạo nên bởi loài hoa đó. Ba đặc tính của năm uẩn cần được hành giả lưu tâm là sự biến đổi hay vô thường, sự bất toàn hay khổ não, sự vô chủ vô quyền hay vô ngã. Có thật thấy được thực tướng mới xua tan ảo tưởng; xoá tan ảo tưởng là không chấp sai, hiểu lầm.
Kinh văn
154. Sāvatthinidānaṃ. “kismiṃ nu kho, bhikkhave, sati, kiṃ upādāya, kiṃ abhinivissa micchādiṭṭhi uppajjatī”ti? bhagavaṃmūlakā no, bhante, dhammā ... pe ... “rūpe kho, bhikkhave, sati, rūpaṃ upādāya, rūpaṃ abhinivissa micchādiṭṭhi uppajjati. vedanāya sati... micchādiṭṭhi uppajjati. saññāya sati... saṅkhāresu sati... viññāṇe sati, viññāṇaṃ upādāya, viññāṇaṃ abhinivissa micchādiṭṭhi uppajjati. taṃ kiṃ maññatha, bhikkhave, rūpaṃ niccaṃ vā aniccaṃ vā”ti? “aniccaṃ, bhante”. “yaṃ panāniccaṃ ... pe ... api nu taṃ anupādāya micchādiṭṭhi uppajjeyyā”ti? “no hetaṃ, bhante”. “vedanā... saññā... saṅkhārā... viññāṇaṃ niccaṃ vā aniccaṃ vā”ti? “aniccaṃ, bhante”. “yaṃ panāniccaṃ, dukkhaṃ vā taṃ sukhaṃ vā”ti? “dukkhaṃ, bhante”. “yaṃ panāniccaṃ dukkhaṃ vipariṇāmadhammaṃ, api nu taṃ anupādāya micchādiṭṭhi uppajjeyyā”ti? “no hetaṃ, bhante”. “evaṃ passaṃ ... pe ... nāparaṃ itthattāyāti pajānātī”ti.‘pañcamaṃ.
154. Tại Sāvatthī.
"Này chư Tỳ khưu, khi có điều gì, chấp thủ vào điều gì, tin tưởng tín lý gì mà người ta khởi sanh tà kiến?”
"Bạch Đức Thế Tôn, các giáo nghĩa đều y chỉ ở Thế Tôn ..."
"Này chư Tỳ khưu, khi có sắc, dựa vào sắc, chấp trước sắc mà khởi sanh tà kiến. Khi có thọ ... cho đến ... khi có tưởng... khi có hành... khi có thức, dựa vào thức, chấp trước thức mà khởi mà khởi sanh tà kiến.
Này chư Tỳ khưu, các thầy nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?"
"Là vô thường, bạch Thế Tôn."
"Cái gì vô thường, thì là khổ hay lạc?"
"Là khổ, bạch Thế Tôn."
"Đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến đổi, liệu nếu không chấp thủ thì có khởi sanh tà kiến?”
"Thưa không, bạch Thế Tôn."
"Thọ … tưởng ... hành ... thức là thường hay vô thường?"
"Là vô thường, bạch Thế Tôn."
"Cái gì vô thường, thì là khổ hay lạc?"
"Là khổ, bạch Thế Tôn."
"Đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến đổi, liệu nếu không chấp thủ thì có khởi sanh tà kiến?”
"Thưa không, bạch Thế Tôn."
"Thấy rõ như vậy ... vị ấy hiểu rằng không còn tiếp tục trạng thái này nữa.
Những bài kinh tiếp theo mang số 155 Kinh Thân Kiến (Sakkāyadiṭṭhisutta), 156 Kinh Ngã Kiến (Attānudiṭṭhisutta). Bài kinh số 157, Kinh Chấp Kiến I (Ābhinivesasutta) thì thay thế bằng “kiết sử, chấp kiến, ách phược”. Bài sau cùng, kinh số 158, Kinh Chấp Kiến II (Dutiyābhinivesasutta), thì thay thế bằng “kiết sử, chấp kiến, ách phược, thằng thúc”.
Chú thích
5 bài kinh trong bài này đều có nội dung nói về sự nhận thức sai lạc do không thấy được bản chất biến đổi, bất toàn, vô hộ vô chủ của năm uẩn.
Chữ tà kiến - micchādiṭṭhi – có nghĩa là cái nhìn sai lạc, đặc biệt là thường kiến và đoạn kiến.
Thân kiến - sakkāyadiṭṭhi – là cách tự nhận về bản thân “ta là ai?” như sắc uẩn là ta, ta là sắc uẩn.
Ngã kiến là - attānudiṭṭhi – là cái nhìn với ảo tưởng về cái ta hằng hữu.
Chấp kiến – abhinivesa – theo Hậu Sớ Giải là nói về ái chấp, mạn chấp, và kiến chấp.
Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.
Dưới đây là bản Việt dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu
V. Tà Kiến (S.iii,184)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Này các Tỷ-kheo, do có cái gì, do chấp thủ gì, do thiên chấp gì, tà kiến khởi lên?
4) -- Ðối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
5) -- Này các Tỷ-kheo, do có sắc, có chấp thủ sắc, do thiên chấp sắc nên tà kiến khởi lên.
6-9)... thọ... tưởng... các hành...
Do có thức, do có chấp thủ thức, do thiên chấp thức nên tà kiến khởi lên.
10) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy, và khởi lên tà kiến không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
11-14) ... Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy, và khởi lên tà kiến không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
Do thấy vậy... vị ấy biết rõ... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
VI. Hữu Thân
(Giống như kinh trước, chỉ thế "hữu thân" cho "tà kiến").
VII. Ngã Kiến
(Giống như kinh trước, chỉ thế "ngã kiến" (attànuditthi) cho "hữu thân").
VIII. Thân Kiến
(Giống như kinh trước, chỉ thế "bị trói buộc, thiên chấp kiết sử" cho "ngã kiến").
IX. Thân Kiến
(Giống như kinh trước, chỉ thêm: "Sự tham trước về sự trói buộc, thiên chấp các kiết sử").
150-158. diṭṭhivaggassa paṭhame kiṃ upādāyāti kiṃ paṭicca. dutiye kiṃ abhinivissāti kiṃ abhinivisitvā, paccayaṃ katvāti attho. tatiyādīsu diṭṭhītiādīni puggalajjhāsayena vuttāni. paṭhamādīni.
Trong bài kinh đầu tiên của Diṭṭhivagga, "kiṃ upādāyā" có nghĩa là "dựa vào điều gì." Trong bài kinh thứ hai, "kiṃ abhinivissā" có nghĩa là "đã bám víu vào điều gì," với ý nghĩa là đã bám chấp và làm cho nó trở thành căn nguyên (paccayaṃ katvā). Trong các bài kinh từ thứ ba trở đi, các từ như "diṭṭhi" (tà kiến) được nói đến theo khuynh hướng của cá nhân (puggalajjhāsayena), nhằm chỉ các quan niệm và quan điểm cá nhân.
Những điều này được đề cập từ bài kinh đầu tiên trở đi.