Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || THẬT LÒNG CHÁN KHỔ THÌ DỨT KHỔ - Kinh Khổ (Dukkhasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || THẬT LÒNG CHÁN KHỔ THÌ DỨT KHỔ - Kinh Khổ (Dukkhasuttaṃ)

Thứ bảy, 08/06/2024, 09:19 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bài học ngày 8.6.2024

THẬT LÒNG CHÁN KHỔ THÌ DỨT KHỔ

Kinh Khổ (Dukkhasuttaṃ)

Tập III – Uẩn

Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần II-Phẩm A-La-Hán (S,iii,67)

Ít khi người ta tin rằng, chúng sanh đau khổ vì ái chấp khổ đau. Cũng như người nghiện ngập ma tuý, có lúc tỉnh cũng biết chất nghiện đang tàn phá thân thể, huỷ hoại cuộc sống, nhưng nghiện ngập vẫn tiếp tục không từ bỏ được. Hành giả với chánh niệm liên tục sẽ nhận ra sự sanh diệt hiển hiện trong cả hai mặt thân và tâm. Nói cách khác là năm uẩn biến đổi trong từng khoảnh khắc. Cái gì vô thường thì không có chỗ trụ thật sự cho an lạc. Mặt khác, chính sự vô thường tạo nên âu lo, nghi hoặc, thất vọng. Thông điệp của bài kinh này rất giản dị: không ái chấp khổ đau sẽ chấm dứt khổ luỵ.

Kinh văn

Sāvatthinidānaṃ.

Atha kho aññataro bhikkhu …pe… ekamantaṃ nisinno kho so bhikkhu bhagavantaṃ etadavoca: “sādhu me, bhante, bhagavā saṅkhittena dhammaṃ desetu …pe… ātāpī pahitatto vihareyyan”ti.

Nhân duyên ở Sāvatthi.

Bấy giờ, có một vị tỳ khưu đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Vì tỳ khưu ấy bạch rằng:

—Bạch Đức Thế Tôn, tốt lành thay Đức Thế Tôn thuyết pháp cô đọng súc tích cho con! Sau khi nghe thuyết pháp, con sẽ sống một mình, tịnh cư, nhiệt tâm, tinh cần, không xao lãng.

“Yaṃ kho, bhikkhu, dukkhaṃ; tatra te chando pahātabbo”ti.

“Aññātaṃ, bhagavā, aññātaṃ, sugatā”ti.

—Này Tỳ khưu, hãy đoạn trừ ước muốn với những gì khổ luỵ.

—Bạch Đức Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.

“Yathā kathaṃ pana tvaṃ, bhikkhu, mayā saṅkhittena bhāsitassa vitthārena atthaṃ ājānāsī”ti?

“Rūpaṃ kho, bhante, dukkhaṃ; tatra me chando pahātabbo.

Vedanā …

saññā …

saṅkhārā …

viññāṇaṃ dukkhaṃ; tatra me chando pahātabbo.

Imassa khvāhaṃ, bhante, bhagavatā saṅkhittena bhāsitassa evaṃ vitthārena atthaṃ ājānāmī”ti.

—Này Tỳ khưu, Thầy hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi điều Ta nói một cách ngắn gọn như thế nào?

—Bạch Đức Thế Tôn, sắc là khổ, con cần đoạn trừ ước muốn đối với (sắc); thọ là khổ, con cần đoạn trừ ước muốn đối với (thọ); tưởng là khổ, con cần đoạn trừ ước muốn đối với (tưởng); hành là khổ, con cần đoạn trừ ước muốn đối với (hành); thức là khổ, con cần đoạn trừ ước muốn đối với (thức).

“Sādhu sādhu, bhikkhu. Sādhu kho tvaṃ, bhikkhu, mayā saṅkhittena bhāsitassa vitthārena atthaṃ ājānāsi.

Rūpaṃ kho, bhikkhu, dukkhaṃ; tatra te chando pahātabbo.

Vedanā …

saññā …

saṅkhārā …

viññāṇaṃ dukkhaṃ; tatra te chando pahātabbo.

—Tốt lắm, tốt lắm, này Tỳ khưu với lời nói cô đọng của Ta, Thầy đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi. Sắc là khổ, nên đoạn trừ ước muốn đối với (sắc); thọ là khổ, nên đoạn trừ ước muốn đối với (thọ); tưởng là khổ, nên đoạn trừ ước muốn đối với (tưởng); hành là khổ, nên đoạn trừ ước muốn đối với (hành); thức là khổ, nên đoạn trừ ước muốn đối với (thức).

Imassa kho, bhikkhu, mayā saṅkhittena bhāsitassa evaṃ vitthārena attho daṭṭhabbo”ti …pe…

aññataro ca pana so bhikkhu arahataṃ ahosīti.

Rồi vị tỳ khưu ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời dạy của Đức Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, thân phía phải hướng về Ngài rồi ra đi.

Và vị tỳ khưu ấy sống một mình, tịnh cư, nhiệt tâm, tinh cần, không xao lãng, không bao lâu chứng được mục đích mà một thiện gia nam tử chân chánh xuất gia, từ bỏ thế tục, sống không gia đình hướng đến là vô thượng cứu cánh phạm hạnh. Vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Vị tỳ khưu ấy đã trở thành một trong những vị vô sanh ứng cúng.

 

 

Chú Thích

Chữ “dukkha” thường được dịch là khổ với nguyên nghĩa là bất kham, khó chịu, phiền lụy, rỗng không. Trong nhiều bài kinh, khi Đức Phật dạy cái gì vô thường thì cái đó khổ, bởi vì sự biến hoại tạo nên bất an, mất mát, không bền vững để an lạc.

Ba tướng trạng của pháp hữu vi là vô thường, khổ não, vô ngã vốn đi chung “cái gì vô thường là khổ não; cái gì vô thường, khổ não thì “không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta”.

Bài kinh này, cũng như bài kinh trước và bài kinh tiếp theo nói về vô thường, khổ não và vô ngã, tuy là những khía cạnh riêng biệt nhưng thực tế thì liên đới bất khả phân.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Sớ Giải Dukkhasuttaṃ

catutthe chandoti taṇhāchando. pañcamachaṭṭhesupi eseva nayo. catutthādīni.

Ý kiến bạn đọc