- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA
Bāi học ngāy 25.9.2024
TA LÀ AI?
Kinh Tự Ngã (Soattāsuttaṃ)
Tập III – Uẩn
Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần III-Phẩm Kiến (S,iii,152)
Quan niệm về bản ngã bất diệt không đơn thuần là niềm tin tôn giáo hay sản phẩm của tư duy triết học, mà còn là cái gì đến từ bản năng không lý tính của chúng sanh. Từ sự khao khát về cái gì tiếp tục tồn tại giữa cuộc tang thương dâu bể, người ta vẽ vời ra một linh hồn bất diệt. Đôi khi cũng là một thứ bản năng sinh tồn. Nhận thức vượt khỏi ảo tưởng là chính là sự thấy biết sự sanh diệt ở cả hai dòng chảy tâm thức và vật chất. Đôi khi có những cách nói văn vẻ nhưng tạo nên kiến chấp truyền đời như những câu: “Tâm bất biến giữa đời vạn biến” hay “thác là thể phách, còn là tinh anh”. Chấp thủ là đau khổ mà bám chấp vào cái phù ảo thì đau khổ còn nhiều hơn. Tất cả chỉ là dòng chảy của sinh diệt với bản chất tụ, tán do nhiều nhân, nhiều duyên.
Kinh văn
152. sāvatthinidānaṃ. “kismiṃ nu kho, bhikkhave, sati, kiṃ upādāya, kiṃ abhinivissa evaṃ diṭṭhi uppajjati — ‘so attā, so loko, so pecca bhavissāmi nicco dhuvo sassato avipariṇāmadhammo’”ti? bhagavaṃmūlakā no, bhante, dhammā ... pe .... “rūpe kho, bhikkhave, sati, rūpaṃ upādāya, rūpaṃ abhinivissa evaṃ diṭṭhi uppajjati — ‘so attā, so loko, so pecca bhavissāmi nicco dhuvo sassato avipariṇāmadhammo’ti. vedanāya ... pe ... saññāya... saṅkhāresu ... pe ... viññāṇe sati, viññāṇaṃ upādāya, viññāṇaṃ abhinivissa evaṃ diṭṭhi uppajjati — ‘so attā, so loko, so pecca bhavissāmi nicco dhuvo sassato avipariṇāmadhammo’”ti.
“taṃ kiṃ maññatha, bhikkhave, rūpaṃ niccaṃ vā aniccaṃ vā”ti? “aniccaṃ, bhante”. “yaṃ panāniccaṃ, dukkhaṃ vā taṃ sukhaṃ vā”ti? “dukkhaṃ, bhante”. “yaṃ panāniccaṃ dukkhaṃ vipariṇāmadhammaṃ, api nu taṃ anupādāya evaṃ diṭṭhi uppajjeyya — ‘so attā, so loko, so pecca bhavissāmi nicco dhuvo sassato avipariṇāmadhammo’”ti? “no hetaṃ, bhante”. “vedanā... saññā... saṅkhārā... viññāṇaṃ niccaṃ vā aniccaṃ vā”ti? “aniccaṃ, bhante”. “yaṃ panāniccaṃ dukkhaṃ vā taṃ sukhaṃ vā”ti? “dukkhaṃ, bhante”. “yaṃ panāniccaṃ dukkhaṃ vipariṇāmadhammaṃ, api nu taṃ anupādāya evaṃ diṭṭhi uppajjeyya — ‘so attā so loko, so pecca bhavissāmi nicco dhuvo sassato avipariṇāmadhammo’”ti? “no hetaṃ, bhante”. evaṃ passaṃ ... pe ... nāparaṃ itthattāyāti pajānātīti. tatiyaṃ.
Tại Sāvatthī.
Này chư Tỳ khưu, khi có điều gì, chấp thủ vào điều gì, tin tưởng tín lý gì mà người ta khởi lên ý niệm: “ Đó là tự ngã; đó là thế giới; sau khi chết ta sẽ an ổn, bất biến, vĩnh hằng, không còn bị vô thường?"
"Bạch Đức Thế Tôn, các giáo nghĩa đều y chỉ ở Thế Tôn ..."
"Này chư Tỳ khưu, khi có sắc, dựa vào sắc, chấp trước sắc mà khởi lên ý niệm “Đó là linh hồn; đó là thế giới; sau khi chết ta sẽ an ổn, bất biến, vĩnh hằng, không còn bị vô thường?". Khi có thọ ... cho đến ... khi có tưởng... khi có hành... khi có thức, dựa vào thức, chấp trước thức mà khởi lên ý niệm: “Đó là tự ngã; đó là thế giới; sau khi chết ta sẽ an ổn, bất biến, vĩnh hằng, không còn bị vô thường ”.
Này chư Tỳ khưu, các thầy nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?"
"Là vô thường, bạch Thế Tôn."
"Cái gì vô thường, thì là khổ hay lạc?"
"Là khổ, bạch Thế Tôn."
Đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến đổi, liệu nếu không chấp thủ thì có khởi lên ý niệm: “Đó là tự ngã, đó là thế giới, sau khi chết ta sẽ tồn tại, ta sẽ là thường hằng, vĩnh cửu, không bị biến hoại”.
"Thưa không, bạch Thế Tôn."
"Thọ… tưởng... hành... thức là thường hay vô thường?"
"Là vô thường, bạch Thế Tôn."
"Cái gì vô thường, thì là khổ hay lạc?"
"Là khổ, bạch Thế Tôn."
"Đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến đổi, liệu nếu không chấp thủ thì có khởi lên ý niệm “Đó là tự ngã; đó là thế giới; sau khi chết ta sẽ an ổn, bất biến, vĩnh hằng, không còn bị vô thường?"
"Thưa không, bạch Thế Tôn."
"Thấy rõ như vậy ... vị ấy hiểu rằng không còn tiếp tục trạng thái này nữa."
Chú thích
Chữ “atta - tự ngã, bản ngã” trong bài kinh này mang ý nghĩa như quan niệm “linh hồn bất biến” hay “thực thể hằng hữu” bên trong của mỗi chúng sanh.
Sớ giải của Phật ngôn tương tự ở bài kinh số 22 thì đây là thường kiến, trong hai tà kiến cố hữu của chúng sanh.
Theo Phật Pháp, thì cả hai hiện tượng cấu thành con người là danh sắc (tâm thức và vật chất) đều là dòng chảy của biến đổi sanh diệt. Không có bất cứ uẩn nào trong năm uẩn mang khả tính hằng hữu.
Trong bài kinh này, Đức Phật dạy rõ: quan niệm và sự tin tưởng vào một linh hồn hằng hữu hay một bản ngã bất biến vốn phát xuất từ kinh nghiệm và nhận thức phiến diện đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tương tự như người ta có thể nghĩ một đoá hoa là vô thường nhưng ngọn núi là vĩnh cửu, vì từ lúc biết về hòn núi cho đến lúc lìa đời vẫn vậy. Thậm chí người ta còn đưa ra lập thuyết về một “vườn địa đàng vĩnh cửu trên mặt đất này sẽ được tái lập”, nhưng khoa học ngày nay đã chứng thực dù địa cầu, thái dương hệ, hay các thiên hà đều có tuổi nhất định như câu “có sanh thì có diệt”.
Nếu ngã chấp đến từ sự chấp thủ, sai lạc dựa trên kinh nghiệm phiến diện của năm uẩn thì những ý nghĩ về kiếp sau chỉ là ảo tưởng.
Chỉ có tuệ giác nhận rõ thực tướng của năm uẩn mới đủ để xoá tan cái gọi là “bản ngã hằng hữu”.
Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.
Dưới đây là chánh văn Pāli cùng với bản Việt dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu
Cái Này Là Của Tôi (Tạp 7, Ðại 2,43a) (S.iii,181)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, do có cái gì, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì mà quán: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
4) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
5-9) -- Này các Tỷ-kheo, do có sắc, do chấp thủ sắc, do thiên chấp sắc... do có thức, do chấp thủ thức, do thiên chấp thức nên quán: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi".
10) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn...
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy, và quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
11-13) ... Thọ... Tưởng... Các hành...
14) -- Thức là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy và quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
15) Do thấy vậy... vị ấy biết rõ... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
150-158. diṭṭhivaggassa paṭhame kiṃ upādāyāti kiṃ paṭicca. dutiye kiṃ abhinivissāti kiṃ abhinivisitvā, paccayaṃ katvāti attho. tatiyādīsu diṭṭhītiādīni puggalajjhāsayena vuttāni. paṭhamādīni.
Trong bài kinh đầu tiên của Diṭṭhivagga, "kiṃ upādāyā" có nghĩa là "dựa vào điều gì." Trong bài kinh thứ hai, "kiṃ abhinivissā" có nghĩa là "đã bám víu vào điều gì," với ý nghĩa là đã bám chấp và làm cho nó trở thành căn nguyên (paccayaṃ katvā). Trong các bài kinh từ thứ ba trở đi, các từ như "diṭṭhi" (tà kiến) được nói đến theo khuynh hướng của cá nhân (puggalajjhāsayena), nhằm chỉ các quan niệm và quan điểm cá nhân.
Những điều này được đề cập từ bài kinh đầu tiên trở đi.