Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || QUÁN CHIẾU ĐA CHIỀU ĐỐI VỚI TỰ THÂN - Kinh Trước Khi Thành Đạo I và II  (paṭhamapubbesambodhasuttaṃ), (dutiyapubbesambodhasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || QUÁN CHIẾU ĐA CHIỀU ĐỐI VỚI TỰ THÂN - Kinh Trước Khi Thành Đạo I và II (paṭhamapubbesambodhasuttaṃ), (dutiyapubbesambodhasuttaṃ)

Chủ nhật, 05/01/2025, 07:47 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bāi học ngāy 18.12.2024

QUÁN CHIẾU ĐA CHIỀU ĐỐI VỚI TỰ THÂN

Kinh Trước Khi Thành Đạo I và II

(paṭhamapubbesambodhasuttaṃ), (dutiyapubbesambodhasuttaṃ)

Chương XXXV. Tương Ưng Sáu Xứ – Phẩm Song Đối (SN.35.13&14)

Nhận thức sự vật vốn có nhiều chiều kích. Không phải chỉ có bề cao, bề ngang, bề sâu mà còn có chiều kích tác động quá khứ, vị lai. Không biết được vị ngọt khiến người ta dễ bị cuốn hút khi trải nghiệm lần đầu; không biết được nguy hiểm khiến người ta bàng hoàng chao đảo trước sự vô thường biến đổi; tệ hại hơn là không biết phương cách vượt thoát dẫn đến bế tắc “rơi vào khổ cảnh mà vô kế khả thi”. Tất cả sự thấy biết phiến diện đều dẫn tới hậu quả khổ đau. Đây chính là hệ luỵ muôn thuở của kiếp nhân sinh.

Kinh văn

Kinh Trước Khi Thành Đạo I

 13. sāvatthinidānaṃ. “pubbeva me, bhikkhave, sambodhā anabhisambuddhassa bodhisattasseva sato etadahosi — ‘ko nu kho cakkhussa assādo, ko ādīnavo, kiṃ nissaraṇaṃ? ko sotassa ... pe ... ko ghānassa... ko jivhāya... ko kāyassa... ko manassa assādo, ko ādīnavo, kiṃ nissaraṇan’ti? tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi — ‘yaṃ kho cakkhuṃ paṭicca uppajjati sukhaṃ somanassaṃ, ayaṃ cakkhussa assādo. yaṃ cakkhuṃ aniccaṃ dukkhaṃ vipariṇāmadhammaṃ, ayaṃ cakkhussa ādīnavo. yo cakkhusmiṃ chandarāgavinayo chandarāgappahānaṃ, idaṃ cakkhussa nissaraṇaṃ. yaṃ sotaṃ ... pe ... yaṃ ghānaṃ ... pe ... yaṃ jivhaṃ paṭicca uppajjati sukhaṃ somanassaṃ, ayaṃ jivhāya assādo. yaṃ {yā (sī. syā. kaṃ. pī.)} jivhā aniccā dukkhā vipariṇāmadhammā, ayaṃ jivhāya ādīnavo. yo jivhāya chandarāgavinayo chandarāgappahānaṃ, idaṃ jivhāya nissaraṇaṃ. yaṃ kāyaṃ ... pe ... yaṃ manaṃ paṭicca uppajjati sukhaṃ somanassaṃ, ayaṃ manassa assādo. yaṃ {yo (sī. syā. kaṃ. ka.)} mano anicco dukkho vipariṇāmadhammo, ayaṃ manassa ādīnavo. yo manasmiṃ chandarāgavinayo chandarāgappahānaṃ, idaṃ manassa nissaraṇan’”ti.

“yāvakīvañcāhaṃ, bhikkhave, imesaṃ channaṃ ajjhattikānaṃ āyatanānaṃ evaṃ assādañca assādato, ādīnavañca ādīnavato, nissaraṇañca nissaraṇato yathābhūtaṃ nābbhaññāsiṃ, neva tāvāhaṃ, bhikkhave, sadevake loke samārake sabrahmake sassamaṇabrāhmaṇiyā pajāya sadevamanussāya ‘anuttaraṃ sammāsambodhiṃ abhisambuddho’ti {sabbatthāpi evameva itisaddena saha dissati} paccaññāsiṃ. yato ca khvāhaṃ, bhikkhave, imesaṃ channaṃ ajjhattikānaṃ āyatanānaṃ evaṃ assādañca assādato, ādīnavañca ādīnavato, nissaraṇañca nissaraṇato yathābhūtaṃ abbhaññāsiṃ, athāhaṃ, bhikkhave, sadevake loke samārake sabrahmake sassamaṇabrāhmaṇiyā pajāya sadevamanussāya ‘anuttaraṃ sammāsambodhiṃ abhisambuddho’ti paccaññāsiṃ. ñāṇañca pana me dassanaṃ udapādi — ‘akuppā me vimutti {cetovimutti (sī. pī. ka.) evamuparipi}, ayamantimā jāti, natthi dāni punabbhavo’”ti. paṭhamaṃ.

Nhân duyên ở Sāvatthī,

“Này chư Tỳ khưu, trước khi Ta thành đạo, còn là một bồ tát, chưa đắc chứng toàn giác, ý nghĩ này khởi lên nơi ta: “Cái gì là vị ngọt, cái gì là nguy hiểm, cái gì là sự vượt thoát đối với mắt? đối với tai? đối với mũi? đối với lưỡi? đối với thân? đối với ý?”

Và điều này khởi lên nơi Ta: “Hỷ và lạc tuỳ thuộc ở mắt là vị ngọt của mắt; mắt là vô thường, khổ não, biến đổi là nguy hiểm của mắt; sự từ bỏ, đoạn trừ ham muốn, ái nhiễm đối với mắt là sự vượt thoát đối với mắt.”

“Hỷ và lạc tuỳ thuộc ở tai…”

“Hỷ và lạc tuỳ thuộc ở mũi…”

“Hỷ và lạc tuỳ thuộc ở lưỡi…”

“Hỷ và lạc tuỳ thuộc ở thân…”

“Hỷ và lạc tuỳ thuộc ở ý là vị ngọt của ý; ý là vô thường, khổ não, biến đổi là nguy hiểm của ý; sự từ bỏ, đoạn trừ ham muốn, ái nhiễm đối với ý là sự vượt thoát đối với ý.”

Này chư Tỳ khưu, đối với sáu nội xứ, cho đến khi nào ta chưa liễu ngộ vị ngọt của chúng, sự nguy hiểm của chúng, sự vượt thoát đối với chúng thì ta chưa nhận là đã giác ngộ, viên thành quả vị chánh đẳng chánh giác giữa thế giới gồm chư thiên, ma vương, phạm thiên cùng với chư vị sa môn, phạm chí đương thời.

Đến khi nào ta liễu ngộ vị ngọt của chúng, sự nguy hiểm của chúng, sự vượt thoát đối với chúng thì ta tuyên bố là đã giác ngô, viên thành quả vị chánh đẳng chánh giác giữa thế giới gồm chư thiên, ma vương, phạm thiên cùng với chư vị sa môn, phạm chí đương thời.

Và sự hiểu biết này khởi lên nơi ta: “Tâm giải thoát của Ta là không dao động; đây là kiếp sau cùng; sẽ không còn luân hồi sanh tử nữa”.

Kinh Trước Khi Thành Đạo II

14. “pubbeva me, bhikkhave, sambodhā anabhisambuddhassa bodhisattasseva sato etadahosi — ‘ko nu kho rūpānaṃ assādo, ko ādīnavo, kiṃ nissaraṇaṃ? ko saddānaṃ ... pe ... ko gandhānaṃ... ko rasānaṃ... ko phoṭṭhabbānaṃ... ko dhammānaṃ assādo, ko ādīnavo, kiṃ nissaraṇan’ti? tassa mayhaṃ, bhikkhave, etadahosi — ‘yaṃ kho rūpe paṭicca uppajjati sukhaṃ somanassaṃ, ayaṃ rūpānaṃ assādo. yaṃ rūpā aniccā dukkhā vipariṇāmadhammā, ayaṃ rūpānaṃ ādīnavo. yo rūpesu chandarāgavinayo chandarāgappahānaṃ, idaṃ rūpānaṃ nissaraṇaṃ. yaṃ sadde... gandhe... rase... phoṭṭhabbe... yaṃ dhamme paṭicca uppajjati sukhaṃ somanassaṃ, ayaṃ dhammānaṃ assādo. yaṃ dhammā aniccā dukkhā vipariṇāmadhammā, ayaṃ dhammānaṃ ādīnavo. yo dhammesu chandarāgavinayo chandarāgappahānaṃ, idaṃ dhammānaṃ nissaraṇan’”ti.

“yāvakīvañcāhaṃ, bhikkhave, imesaṃ channaṃ bāhirānaṃ āyatanānaṃ evaṃ assādañca assādato, ādīnavañca ādīnavato, nissaraṇañca nissaraṇato yathābhūtaṃ nābbhaññāsiṃ, neva tāvāhaṃ, bhikkhave, sadevake loke samārake sabrahmake sassamaṇabrāhmaṇiyā pajāya sadevamanussāya ‘anuttaraṃ sammāsambodhiṃ abhisambuddho’ti paccaññāsiṃ. yato ca khvāhaṃ, bhikkhave, imesaṃ channaṃ bāhirānaṃ āyatanānaṃ evaṃ assādañca assādato, ādīnavañca ādīnavato, nissaraṇañca nissaraṇato yathābhūtaṃ abbhaññāsiṃ, athāhaṃ, bhikkhave, sadevake loke samārake sabrahmake sassamaṇabrāhmaṇiyā pajāya sadevamanussāya ‘anuttaraṃ sammāsambodhiṃ abhisambuddho’ti paccaññāsiṃ. ñāṇañca pana me dassanaṃ udapādi — ‘akuppā me vimutti, ayamantimā jāti, natthi dāni punabbhavo’”ti. dutiyaṃ.

Nội dung bài kinh này giống như “Kinh Trước Khi Thành Đạo I” chỉ khác là thay vì sáu nội xứ thì được thay bằng sáu ngoại xứ.

Chú Thích

Trong “Phẩm Song Đối”, luôn có hai bài kinh đối xứng nhau nên mỗi bài học sẽ có hai bài kinh.

Cụm tự “anuttaraṃ sammāsambodhi” thường được dịch là “vô thượng chánh đẳng chánh giác” chỉ cho quả Phật toàn giác với ba đặc điểm: Thứ nhất là tự thân giác ngộ không thầy chỉ dạy; thứ hai là toàn tri, nghĩa là không có gì không thể biết; thứ ba là vô song ở đời bởi vì trong một thế giới, mỗi lần chỉ có một vị toàn giác xuất hiện và là bậc tối tôn. Một số dịch giả Trung Hoa thấy khó chuyển ngữ đầy đủ, nên chọn cách phiên âm “A nậu đà la tam miệu tam bồ đề”.

Nhận biết rõ pháp thế gian qua ba phương diện: vị ngọt, nguy hiểm và phương cách vượt thoát được xem là sự hiểu biết trọn vẹn với nhiều chiều kích. Sự hiểu biết này giúp xoá tan ảo giác phiến diện.

Sớ Giải

13-16. yamakavaggassa paṭhamadutiyesu ajjhattikānanti ajjhattajjhattavasena ajjhattikānaṃ. so pana nesaṃ ajjhattikabhāvo chandarāgassa adhimattabalavatāya veditabbo. manussānañhi antogharaṃ viya cha ajjhattikāyatanāni, gharūpacāraṃ viya cha bāhirāyatanāni. yathā nesaṃ puttadāradhanadhaññapuṇṇe antoghare chandarāgo adhimattabalavā hoti, tattha kassaci pavisituṃ na denti, appamattena bhājanasaddamattenāpi “kiṃ etan”ti? vattāro bhavanti. evamevaṃ chasu ajjhattikesu āyatanesu adhimattabalavachandarāgoti. iti imāya chandarāgabalavatāya tāni “ajjhattikānī”ti vuttāni. gharūpacāre pana no tathā balavā hoti, tattha carante manussepi catuppadānipi na sahasā nivārenti. kiñcāpi na nivārenti, anicchantā pana pasupacchimattampi gahituṃ na denti. iti nesaṃ tattha na adhimattabalavachandarāgo hoti. rūpādīsupi tatheva na adhimattabalavachandarāgo, tasmā tāni “bāhirānī”ti vuttāni. vitthārato pana ajjhattikabāhirakathā visuddhimagge vuttāva. sesaṃ dvīsupi suttesu heṭṭhā vuttanayameva. tathā tatiyacatutthesu.

Yamakavaggassa (Cặp Song Đối) - Kinh Thứ Nhất và Thứ Hai

"Ajjhattikānaṃ" (thuộc nội tại) được hiểu theo nghĩa là “ajjhattajjhattavasena” (dựa trên sự nội tại trong mỗi cá nhân). Tuy nhiên, tính chất nội tại của chúng (các căn bên trong) cần được nhận biết qua sự tham ái (chandarāga), với sức mạnh vượt trội và cường độ mạnh mẽ.

Đối với con người, sáu nội xứ (chasu ajjhattikāyatanāni) giống như không gian bên trong ngôi nhà của họ. Trong khi đó, sáu ngoại xứ (cha bāhirāyatanāni) giống như khu vực xung quanh ngôi nhà. Ví dụ, khi trong nhà đầy đủ con cái, vợ chồng, của cải, lúa gạo, thì lòng tham ái (chandarāga) của họ rất mạnh mẽ, khiến họ không muốn ai xâm nhập vào. Ngay cả khi có một âm thanh nhỏ từ đồ vật, họ cũng ngay lập tức phản ứng và hỏi: "Cái gì đây?"

Tương tự, trong sáu nội xứ, lòng tham ái mạnh mẽ vượt trội (adhimattabalavachandarāga) được nhận thấy rõ ràng. Vì lý do này, chúng được gọi là "ajjhattikāni" (thuộc nội tại).

Ngoại xứ (bāhirāyatanāni), giống như khu vực bên ngoài ngôi nhà, không gây ra tham ái mạnh mẽ như vậy. Người ta có thể cho phép người khác hoặc động vật bốn chân qua lại mà không lập tức ngăn cản. Tuy nhiên, dù không ngăn cản, họ cũng không dễ dàng để ai đó lấy đi bất cứ thứ gì, ngay cả những thứ nhỏ nhặt như phân gia súc. Do đó, tham ái đối với sáu ngoại xứ không mạnh mẽ đến mức vượt trội.

Tương tự, đối với các đối tượng như sắc (rūpa) và các yếu tố khác, lòng tham ái không đạt đến mức cường độ vượt trội, vì vậy chúng được gọi là "bāhirānī" (thuộc ngoại tại). Những giải thích chi tiết hơn về nội xứ và ngoại xứ đã được trình bày trong Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo).

Phần còn lại trong hai bài kinh cũng được giải thích theo cách tương tự như đã trình bày trước đó. Điều này cũng áp dụng cho các bài kinh thứ ba và thứ tư trong Yamakavaggassa.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu.

II. Phẩm Song Ðối

13.I. Chánh Giác (1) (S.iv,6)

1) Sàvatthi...

2) -- Thuở trước, này các Tỷ-kheo, khi Ta chưa giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: "Cái gì là vị ngọt, cái gì là nguy hiểm, cái gì là xuất ly của mắt? Cái gì là vị ngọt... của tai? Cái gì là vị ngọt... của mũi? Cái gì là vị ngọt... của lưỡi? Cái gì là vị ngọt... của thân? Cái gì là vị ngọt, cái gì là nguy hiểm, cái gì là xuất ly của ý?"

3-7) Này các Tỷ-kheo, về vấn đề này Ta suy nghĩ như sau: "Do duyên với mắt, khởi lên lạc hỷ gì, đấy là vị ngọt của mắt. Mắt vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, đấy là nguy hiểm của mắt. Nhiếp phục dục tham, đoạn trừ dục tham đối với mắt là xuất ly của mắt... của tai... của mũi... của lưỡi... của thân...

8) Do duyên với ý, khởi lên lạc hỷ gì, đấy là vị ngọt của ý. Ý vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, đấy là nguy hiểm của ý. Nhiếp phục dục tham, đoạn trừ dục tham đối với ý là xuất ly của ý".

9) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, đối với sáu nội xứ này, Ta chưa như thật liễu tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với các thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, đối với quần chúng gồm có Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không xác chứng Ta đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

10) Và cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, đối với sáu nội xứ này, Ta đã như thật liễu tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm và xuất ly là xuất ly, thời khi ấy, đối với các thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, đối với quần chúng gồm có Sa-môn, Bà-la-môn chư Thiên và loài Người, Ta xác chứng Ta đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

11) Và tri kiến này khởi lên nơi Ta: "Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðời này là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa".

Ý kiến bạn đọc