Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || DẪN NHẬP - Phẩm Kỳ Hình Dị Tướng (Lakkhaṇasamyuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || DẪN NHẬP - Phẩm Kỳ Hình Dị Tướng (Lakkhaṇasamyuttaṃ)

Thứ tư, 29/11/2023, 18:58 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bài học ngày 29.11.2023

DẪN NHẬP

Phẩm Kỳ Hình Dị Tướng (Lakkhaṇasamyuttaṃ)

Tương Ưng Bộ Tập II – Thiên Nhân Duyên

Phẩm kinh này có tên là Lakkhaṇasamyuttaṃ, nếu dịch sát là “Tương Ưng Tướng” nhưng y cứ trên nội dung là sưu tập những bài kinh liên hệ đến các loài ngạ quỷ (peta), với những hình tướng quái dị khác thường nên dịch thoát là “Phẩm Kỳ Hình Dị Tướng”

Chữ “peta” trong Phạm ngữ và chữ “ngạ quỷ” có những đồng dị trong ý nghĩa. Trong Phạm ngữ có hai nghĩa: Một là người đã mất, dịch xa hơn là thân nhân quá vãng, được hiểu đại khái như chữ “hương linh” trong tiếng Việt; Hai là một hạng chúng sanh trong bốn cảnh khổ như quỷ ma trong trong tiếng Việt, hay chữ “ghost” trong tiếng Anh. Danh từ Hán Việt gọi là “ngạ quỷ” có nghĩa là “ma đói”, đôi khi được mô tả là “chúng sanh có cần cổ như sợi chỉ” nên đói mà không ăn được. Thật ra thì chữ đói ở đây nên hiểu là “khao khát sự an lạc” vì lúc nào cũng bị sự khổ hành hạ. Chứ không phải “đói khát ăn uống”, mặc dù có những ngạ quỷ cũng đói khát như vậy. Nỗi khổ của loài ngạ quỷ có rất nhiều hình thái chứ không phải theo một cách diễn tả.

Phẩm Kỳ Hình Dị Tướng (Lakkhaṇasamyuttaṃ) đề cập về loài ngạ quỷ liên quan đến những gì do Tôn giả Mahāmoggallāna (Mục Kiền Liên) mục kích. Trong Tiểu Bộ (Khuddaka Nikāya) có cả một tập kinh mang tên Petavatthu (Ngạ Quỷ Sự), với nội dung chứa nhiều chuyện ngạ quỷ hơn.

Tôn giả Mahāmoggallāna (Mục Kiền Liên) là một trong hai bậc thượng thủ thinh văn đệ tử Phật. Ngài là bậc đệ nhất về thần thông. Ngài để lại nhiều câu chuyện về bản thân, chứng kiến những chúng sanh thuộc hàng phi nhân trên mặt đất hay chúng sanh ở thiên giới và địa nguc. Cuộc đời của Ngài trở thành huyền thoại mà về sau này được viết trong kinh điển Phật giáo Đại Thừa với hình ảnh “Mục Kiền Kiên vào địa ngục cứu mẹ”.

Một trong những điều đáng lưu ý của phẩm kinh này là khi Đức Phật dạy về nhân quả của những ngạ quỷ, do Ngài Mahāmoggallāna kể lại, thì Bậc Đạo Sự cũng dạy thêm: “ Xưa kia, này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy chúng sanh ấy nhưng Ta không có nói. Nếu Ta có nói, các người khác cũng không tin Ta. Và những ai không tin Ta, những người ấy sẽ bị bất hạnh, đau khổ lâu dài”. (Bản dịch của HT Thích Minh Châu). Cho chúng ta thấy sự cân nhắc của Đức Phật khi nói về “thế giới vô hình”.

Tất cả bài kinh trong phẩm này đều có bố cục giống nhau. Khởi sự từ việc đi khất thực của Tôn giả Lakkhana và Tôn giả Mahà Moggallàna từ trên núi Gijjhakùta (Kỳ Xà Quật). Trên đường đi, Tôn giả Moggallàna biểu hiện “nét mặt ứng cúng vi tiếu”. Khi được hỏi, thì Ngài bảo rằng hãy hỏi trước sự hiện diện của Đức Phật và từ đó câu chuyện về những ngạ quỷ được giảng dạy.

 

Ý kiến bạn đọc