- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA
Bāi học ngāy 25.12.2024
CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT
(paṭhamābhinandasuttaṃ), (dutiyābhinandasuttaṃ)
Chương XXXV. Tương Ưng Sáu Xứ – Phẩm Song Đối (SN.35.19&20)
Khổ đau là vấn nạn muôn thuở của kiếp nhân sinh. Người ta thường than trách khổ đau do số phận. Đôi khi là lời than trời trách đất như câu thơ trong Truyện Kiều: “Chém cha cái số hoa đào, Gỡ ra, rồi lại buộc vào như chơi”. Đối với người tu Phật, thì khổ đau đến từ thái độ chấp thủ sai lạc: tìm vui trong cái khổ. Mong muốn lâu đài xây trên cát được trường tồn, thì khó tránh khỏi sự thất vọng phiền muộn. Con đường chuyển hoá vốn bắt đầu từ thấy biết chân thực như Phật ngôn: “Các hành là vô thường, các hành là khổ não, các pháp là vô ngã. Thấy biết bằng trí tuệ. Nhờ vậy nhàm chán khổ. Ấy là thanh tịnh đạo”. Mấy ai giữa cuộc đời này thắp sáng ý thức nhàm chán khổ đau?
Kinh văn
Kinh Tìm Vui I
19. “yo, bhikkhave, cakkhuṃ abhinandati, dukkhaṃ so abhinandati. yo dukkhaṃ abhinandati, aparimutto so dukkhasmāti vadāmi. yo sotaṃ ... pe ... yo ghānaṃ ... pe ... yo jivhaṃ abhinandati, dukkhaṃ so abhinandati. yo dukkhaṃ abhinandati, aparimutto so dukkhasmāti vadāmi. yo kāyaṃ ... pe ... yo manaṃ abhinandati, dukkhaṃ so abhinandati. yo dukkhaṃ abhinandati, aparimutto so dukkhasmā”ti vadāmi.
“yo ca kho, bhikkhave, cakkhuṃ nābhinandati, dukkhaṃ so nābhinandati. yo dukkhaṃ nābhinandati, parimutto so dukkhasmāti vadāmi. yo sotaṃ ... pe ... yo ghānaṃ ... pe ... yo jivhaṃ nābhinandati, dukkhaṃ so nābhinandati. yo dukkhaṃ nābhinandati, parimutto so dukkhasmāti vadāmi. yo kāyaṃ ... pe ... yo manaṃ nābhinandati, dukkhaṃ so nābhinandati. yo dukkhaṃ nābhinandati, parimutto so dukkhasmā”ti vadāmi. sattamaṃ.
“Này chư Tỳ khưu, người tìm vui ở mắt là người tìm vui trong khổ đau. Người tìm vui trong khổ đau, Ta nói, không giải thoát khỏi khổ đau. Người tìm vui trong tai... trong mũi... trong lưỡi... trong thân... trong ý là người là người tìm vui trong khổ đau. Người tìm vui trong khổ đau, Ta nói, không giải thoát khỏi khổ đau.”
"Người không tìm vui ở mắt là người không tìm vui trong khổ đau. Người không tìm vui trong khổ đau, Ta nói, giải thoát khỏi khổ đau. Người không tìm vui trong tai... trong mũi... trong lưỡi... trong thân... trong ý là người là người không tìm vui trong khổ đau. Người không tìm vui trong khổ đau, Ta nói, là người giải thoát khỏi khổ đau.”
Kinh Kinh Tìm Vui II
20. “yo, bhikkhave, rūpe abhinandati, dukkhaṃ so abhinandati. yo dukkhaṃ abhinandati, aparimutto so dukkhasmāti vadāmi. yo sadde ... pe ... gandhe... rase... phoṭṭhabbe... dhamme abhinandati, dukkhaṃ so abhinandati. yo dukkhaṃ abhinandati, aparimutto so dukkhasmā”ti vadāmi.
“yo ca kho, bhikkhave, rūpe nābhinandati, dukkhaṃ so nābhinandati. yo dukkhaṃ nābhinandati, parimutto so dukkhasmāti vadāmi. yo sadde ... pe ... gandhe... rase... phoṭṭhabbe... dhamme nābhinandati, dukkhaṃ so nābhinandati. yo dukkhaṃ nābhinandati, parimutto so dukkhasmā”ti vadāmi. aṭṭhamaṃ.
“Này chư Tỳ khưu, người tìm vui ở sắc là người tìm vui trong khổ đau. Người tìm vui trong khổ đau, Ta nói, không giải thoát khỏi khổ đau. Người tìm vui trong thinh... trong khí... trong vị... trong xúc... trong pháp là người là người tìm vui trong khổ đau. Người tìm vui trong khổ đau, Ta nói, không giải thoát khỏi khổ đau.”
"Người không tìm vui ở sắc là người không tìm vui trong khổ đau. Người không tìm vui trong khổ đau, Ta nói, giải thoát khỏi khổ đau. Người không tìm vui trong thinh... trong khí... trong vị... trong xúc... trong là người là người không tìm vui trong khổ đau. Người không tìm vui trong khổ đau, Ta nói, là người giải thoát khỏi khổ đau.”
Chú Thích
Một lần nữa nên nhắc lại ở đây: cảnh pháp hay đối tượng của ý ở đây là cảnh pháp hiệp thế, không kể niết bàn mặc dù niết bàn là cảnh pháp như trong Thắng Pháp Abhidhamma đề cập. (Xem chú thích những bài kinh trong phẩm Sáu Xứ)
Chữ “abhinandati” bao gồm cả hai nghĩa: thích thú và đi tìm sự vui thú. Do vậy tựa kinh được dịch là “Kinh Tìm Vui”.
Thực chất của sáu nội xứ và sáu ngoại xứ đều vô thường, khỗ não, vô ngã nên chúng sanh trong đời khổ đau vì tìm cầu hạnh phúc ở những thứ hệ luỵ. Giống như người ưa thích vị ngọt của “mật ong điên - một thứ mật chứa độc tố”. Cái nhìn chân xác là thấy được vị ngọt, nguy hiểm và sự vượt thoát đối với cả nội và ngoại xứ.
Theo Sớ Giải, thì cái khổ ở đây cần được hiểu rộng là hệ luỵ của kiếp trầm luân sanh tử. Giải thoát khổ ở đây là niết bàn tịch tịnh. Chính sự tầm cầu hỷ lạc ở những khổ đau là nguyên nhân tạo nên đau khổ. Sự nhận thức và tu tập cần có cái nhìn đại quan hơn là bận lòng với những vui buồn thương ghét thường tình.
Sớ Giải
19-22. sattamādīsu catūsu vaṭṭavivaṭṭameva kathitaṃ. anupubbakathā pana nesaṃ heṭṭhā vuttanayeneva veditabbāti
19-22. Trong bốn phần bắt đầu từ phần thứ bảy, chỉ có sự luân hồi (vaṭṭa) và sự giải thoát khỏi luân hồi (vivaṭṭa) được giảng dạy. Sự giảng giải tuần tự cần được hiểu theo cách những kinh trước.
Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.
Bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu.
19.VII. Với Ưa Thích (1) (S.iv,13)
1) ...
2) -- Ai ưa thích mắt, này các Tỷ-kheo, người ấy ưa thích khổ. Ai ưa thích khổ, Ta nói người ấy không thoát khỏi khổ.
Ai ưa thích tai... mũi... lưỡi... thân... Ai ưa thích ý, người ấy ưa thích khổ. Ai ưa thích khổ, Ta nói người ấy không thoát khỏi khổ.
3) Và ai không ưa thích mắt, này các Tỷ-kheo, người ấy không ưa thích khổ. Ai không ưa thích khổ, Ta nói người ấy thoát khỏi khổ.
Ai không ưa thích tai... mũi... lưỡi... thân... Ai không ưa thích ý, người ấy không ưa thích khổ. Ai không ưa thích khổ, Ta nói người ấy thoát khỏi khổ.
20.VIII. Ưa Thích (2) (S.iv,13)
1) ...
2)-- Ai ưa thích các sắc, này các Tỷ-kheo, người ấy ưa thích khổ. Ai ưa thích khổ, Ta nói người ấy không thoát khỏi khổ.
Ai ưa thích các tiếng... các hương... các vị... các xúc... Ai ưa thích các pháp, người ấy ưa thích khổ. Ai ưa thích khổ, Ta nói người ấy không thoát khỏi khổ.
3) Ai không ưa thích các sắc, này các Tỷ-kheo, người ấy không ưa thích khổ. Ai không ưa thích khổ, Ta nói người ấy thoát khỏi khổ.
Ai không ưa thích các tiếng... các hương... các vị... các xúc... Ai không ưa thích các pháp, người ấy không ưa thích khổ. Ai không ưa thích khổ, Ta nói người ấy thoát khỏi khổ.