- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA
Bāi học ngāy 8.1.2025
BUÔNG XẢ VỚI TUỆ GIÁC
Kinh Từ Bỏ Với Thắng Tri và Liễu Tri (abhiññāpariññāpahānasuttaṃ)
Chương XXXV. Tương Ưng Sáu Xứ – Phẩm Tất Cả (SN.35.25)
Sự hiểu biết không trực tiếp thường rơi vào suy diễn. Quán chiếu mà không toàn diện thì dễ trở nên phiến diện. Đối với hành giả tu tập thì cái thấy, cái biết cần dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và cái nhìn tường tận mọi phương diện. Chỉ với sự hiểu biết như vậy mới thắp sáng tuệ giác và tạo nên bản lãnh buông xả. Những suy luận thông thường, dù là cái nhìn chân xác, cũng khó tạo nên thứ “kim cang trí” cắt đứt thằng thúc trói buộc.
Kinh văn
“Này chư Tỳ khưu, Ta sẽ giảng cho các Thầy về sự từ bỏ tất cả nhờ thắng tri, liễu tri. Hãy lắng nghe…”
“Này chư Tỳ khưu, thế nào là sự từ bỏ tất cả nhờ thắng tri, liễu tri?
Mắt cần phải được từ bỏ nhờ thắng tri, liễu tri; cảnh sắc cần phải được từ bỏ nhờ thắng tri, liễu tri; nhãn thức cần phải được từ bỏ nhờ thắng tri, liễu tri; nhãn xúc cần phải được từ bỏ nhờ thắng tri, liễu tri và bất cứ cảm thọ nào sinh khởi do duyên nhãn xúc - dù là lạc thọ, khổ thọ, hay xả thọ - tất cả những điều đó cũng cần phải được từ bỏ nhờ thắng tri, liễu tri.
Tai cần phải được từ bỏ, cảnh thinh cần phải được từ bỏ... mũi… lưỡi… thân…
Ý cần phải được từ bỏ, các pháp cần phải được từ bỏ nhờ thắng tri, liễu tri; ý thức cần phải được từ bỏ nhờ thắng tri, liễu tri; ý xúc cần phải được từ bỏ nhờ thắng tri, liễu tri và bất cứ cảm thọ nào sinh khởi do duyên ý xúc - dù là lạc thọ, khổ thọ, hay xả thọ - tất cả cũng cần phải được từ bỏ nhờ thắng tri, liễu tri.”
“Đây, này các Tỳ-kheo, là Pháp để từ bỏ tất cả nhờ thắng tri, liễu tri.”
Chú Thích
Theo nhiều bản Sớ giải, thì thuật ngữ “abhiññā” có nghĩa là sự hiểu biết trực tiếp. Ngài Bodhi dịch sang Anh ngữ là “direct knowledge”. Bản chữ Hán dịch là “thắng tri” là dịch theo ngữ hơn là nghĩa.
Thuật ngữ “pariññā” theo Sớ giải nghĩa là sự quán chiếu toàn diện “dù trong quá khứ, hiện tại, tương lai, nội giới, ngoại giới, thô thiển, vi tế, hạ liệt, thù thắng, gần hay xa…” Ngài Bodhi dịch sang Anh ngữ là “full understanding”. Bản chữ Hán dịch là “liễu tri” cũng với ý nghĩa tương tự.
Khi nói về sự hiểu biết trực tiếp và toàn diện thì chỉ có thể nói theo cách vĩ mô chứ không thể theo cách vi mô, trong diễn trình tâm thức như chú giải bài kinh trước.
Sớ Giải
25. tatiye sabbaṃ abhiññā pariññā pahānāyāti sabbaṃ abhijānitvā parijānitvā pajahanatthāya. abhiññā pariññā pahātabbanti abhijānitvā parijānitvā pahātabbaṃ. sesaṃ vuttanayeneva veditabbaṃ.
Trong bài kinh thứ ba “Từ bỏ tất cả thông qua sự hiểu biết trực tiếp và toàn diện”. Nghĩa là: “Tất cả cần được hiểu biết rõ ràng (trực tri) và được quán chiếu toàn diện (toàn tri) để có thể từ bỏ. Điều này nhấn mạnh rằng, để từ bỏ các pháp, cần phải: hiểu biết trực tiếp (abhiññā) và quán chiếu toàn diện (pariññā). Những bài kinh còn lại cũng cần được hiểu theo cách đã giải thích như trước.”
Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.
Bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu.
III. Phẩm Tất Cả
25.III. Ðoạn Tận (2) (S.iv,16)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về pháp đưa đến đoạn tận tất cả nhờ thắng tri, liễu tri (abhinnàparinnà). Hãy lắng nghe.
3) Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là pháp đưa đến đoạn tận tất cả nhờ thắng tri, liễu tri?
4-6) Mắt, này các Tỷ-kheo, cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Các sắc cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Nhãn thức cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Nhãn xúc cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Tai... Mũi...
7-8) Lưỡi cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Các vị cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Thiệt thức cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Thiệt xúc cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Do duyên thiệt xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri.
9) Ý cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Các pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Ý thức cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Ý xúc cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy cần phải đoạn tận nhờ thắng tri, liễu tri.
10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là pháp đưa đến đoạn tận tất cả nhờ thắng tri, liễu tri.