Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu - Bài 72 - CHƯƠNG IX. TOÁT YẾU NGHIỆP XỨ  (Kammaṭṭhānasaṅgaha) “tiếp theo”

Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu - Bài 72 - CHƯƠNG IX. TOÁT YẾU NGHIỆP XỨ (Kammaṭṭhānasaṅgaha) “tiếp theo”

Chủ nhật, 17/04/2022, 15:19 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu

Bài học ngày 17.4.2022


Bài 72.

CHƯƠNG IX. TOÁT YẾU NGHIỆP XỨ (Kammaṭṭhānasaṅgaha) “tiếp theo”

A. CHỈ NGHIỆP XỨ (Samathakammaṭṭhāna)

Chỉ nghiệp xứ nghĩa là đề mục của thiền chỉ. Đức Phật đã cho 40 đề mục tu tiến pháp chỉ tịnh (samatha). Bốn mươi đề mục ấy gọi là chỉ nghiệp xứ (samathakammaṭṭhāna). Gồm có 7 loại:

(1) Kasina – 10 đề mục hoàn tịnh

(2) Asubha – 10 đề mục bất mỹ

(3) Anussati – 10 đề mục tùy niệm

(4) Brahmavihāra – 4 đề mục phạm trú

(5) Āhāre paṭikūlasañnā – 1 đề mục yểm tưởng thực

(6) Catudhātuvavatthāna – 1 đề mục phân biệt tứ đại

(7) Āruppa – 4 đề mục vô sắc

· Giải thích 7 loại chỉ nghiệp xứ

(1) Mười đề mục hoàn tịnh hay biến xứ (kasiṇa)

1. Biến xứ đất (paṭhavīkasina) là đề mục lấy đất sét thuần tịnh, mặt tròn phẳng đường kính hơn gang tay, đặt trước tầm mắt khoảng cách hai hắc tay, nhìn vào đó mà niệm.

2. Biến xứ nước (āpokasiṇa) đề mục lấy mặt nước ao hồ, hoặc nước chứa trong thau, chậu, bình bát, hẹp nhất mặt nước rộng đường kính khoảng hơn gang tay, nhìn vào đó mà niệm.

3. Biến xứ lửa (tejokasiṇa) là đề mục lấy ánh lửa từ ngọn đèn, ngọn nến, bếp lò hay đám cháy, lửa có tự nhiên hay lửa do tạo ra … nhìn vào đó mà niệm.

4. Biến xứ gió (vāyokasiṇa) là đề mục lấy gió thổi lay động lá cây, ngọn cỏ hoặc gió thổi mát da trên thân ... cảm nhận mà niệm.

5. Biến xứ xanh (nīlakasiṇa) là đề mục lấy màu xanh của lá cây, màu xanh của đám cỏ, hay màu xanh từ tấm vải … hiện ra trước mắt, chú ý rồi niệm.

6. Biến xứ vàng (pītakasiṇa) là đề mục lấy màu vàng của lá cây mùa thu, hoặc cánh hoa vàng, hay tấm vải màu vàng, hoặc bất cứ đồ vật gì có màu vàng rồi chú ý niệm màu ấy.

7. Biến xứ đỏ (lohitakasiṇa) là đề mục lất màu đỏ của lá cây, cánh hoa đỏ, hay tấm vải đỏ, hoặc bất cứ vật gì có màu đỏ rồi chú ý niệm màu ấy.

8. Biến xứ trắng (odātakasiṇa) là đề mục lấy màu trắng của bông hoa, hoặc miếng vải trắng, hoặc bất cứ vật gì có màu trắng rồi chú ý niệm màu ấy.

9. Biến xứ quang (ālokakasiṇa) là đề mục ánh sáng, lấy ánh sáng mặt trời hay ánh sáng mặt trăng xuyên qua lổ hỏng nóc nhà, vách nhà tạo thành vòng tròn ánh sáng, chăm chú nhìn vào vòng tròn ánh sáng ấy mà niệm.

10. Biến xứ hư không (ākāsakasiṇa) là đề mục hư không giới hạn (paricchannākāsa) tức là khoảng không qua lỗ trống trên vách hoặc khe hở cửa sổ, cửa đi … chú tâm niệm hư không ấy.

Mười đề mục hoàn tịnh (kasiṇa) này là căn bản của thiền chỉ, các thần thông thắng trí (abhiññā) cũng dựa trên nền tảng mười đề mục này.

(2) Mười đề mục bất mỹ (asubha)

Đề mục bất mỹ là đề mục niệm tử thi. Xác chết vô thức không có mỹ miều, không sạch sẽ, xấu xí, đáng ghê tởm, đáng gớm ghiếc … nên tử thi là bất mỹ (asubha).

Tử thi có 10 hiện tướng:

1. Xác phình trương (uddhumātaka) là xác chết đã qua nhiều ngày, phồng to mặt, bụng, tay, chân.

2. Xác xanh tái (vinīlaka) là xác chết đổi màu từ trắng xanh thành tím tái, không giống màu da người sống.

3. Xác tràn dịch (vipubbaka) là xác chết có nước vàng rỉ ra từ cửu khiếu.

4. Xác nứt nẻ (vicchiddaka) là xác chết sình trương nứt da chổ này, chổ kia.

5. Xác bị gặm nhắm (vikkhāyitaka) là xác chết đã bị thú rừng hay chim kên quạ cắn xé, mổ moi, mất thịt chổ này chổ kia.

6. Xác bị rời rạc (vikkhittaka) là xác chết không nguyên thân, tìm thấy chổ này là cái đầu, chổ kia là hai cánh tay, chổ nọ là hai cái chân ..v.v..

7. Xác bị phân đoạn (hatavikkhittaka) là xác chết của người bị xẻo thịt, bị chặt khúc, bị phân thây ném cho thú ăn, cho kên quạ ăn.

8. Xác bê bết máu (lohitaka) là xác chết của người bị đâm chém, bị bắn tên đạn, lấm dính máu me.

9. Xác có dòi đục (puluvaka) là xác chết sình thối ruồi lằng bu sanh ra dòi, chổ nào da thịt bị thối rửa thì có lúc nhúc dòi ăn.

10. Xác chỉ là hài cốt (aṭṭhika) là xác chết đã phân hủy da thịt, chỉ còn lại là bộ xương, với sọ đầu, xương sống, xương sườn, xương tay, xương chân.

Mười đề mục bất mỹ (đề mục tử thi) nầy, Đức Phật dạy cho đệ tử xuất gia quán niệm để nhằm dẹp bỏ ái luyến xác thân của mình hay của người khác. Đó là thiền án tốt nhất cho hành giả nặng lòng tham ái.

Ở Ấn Độ thời xưa, hạng quý tộc chết được thiêu xác thành tro than, còn các hạng dân thường thì lâm táng (bỏ xác trong rừng hay bãi đất trống xa làng), hoặc thủy táng (bỏ xác trôi trên sông nước tự hủy), do đó thường gặp 10 loại tử thi nói trên, và được lấy làm đề mục tu tập luyện tâm.

(3) Mười đề mục tùy niệm (anussati)

Tùy niệm (anussati) là nhớ lại, suy ngẫm, hay niệm liên tục “anussaratī’ti anussati”. Có 10 đề mục niệm là:

1. Niệm Phật (Buddhānussati) là niệm tưởng về ân đức của Phật: “Đức Thế Tôn là bậc đáng cúng dường (arahaṃ), bậc chánh biến tri (sammāsambuddho), bậc minh hạnh túc (vijjācaraṇasampanno), bậc thiện thệ (sugato), bậc thế gian giải (lokavidū), bậc vô thượng sĩ (anuttaro), bậc điều ngự trượng phu (purisadammasāratthī), bậc thiên nhơn sư (satthā devamanussānaṃ), bậc giác giả (buddho), bậc tôn quí (bhagavā)”. Hành giả chọn một trong mười ân đức Phật mà mình có cảm hứng và niệm lặp đi lặp lại. Ví dụ: “So bhagavā arahaṃ!... So bhagavā arahaṃ!... So bhagavā arahaṃ!..” Hay “ Arahaṃ … Arahaṃ … Arahaṃ …”. Đang lúc niệm, hành giả hình dung ân đức ấy như: “Đức Thế Tôn là bậc xứng đáng được cúng dường bởi Ngài đã đoạn trừ phiền não”. Tâm suy niệm như vậy cho đến khi nhập tâm.

2. Niệm Pháp (dhammānussati) là niệm tưởng về ân đức của giáo pháp: “Pháp được khéo thuyết bởi Đức Thế Tôn (Svākkhāto bhagavatā dhammo), Pháp thiết thực (sandiṭṭhiko), pháp vượt thời gian (akāliko), pháp đến để thấy (ehipassiko), pháp hướng thượng (opanayiko), pháp tự chứng nghiệm bởi bậc trí (paccattaṃ veditabbo viññūhi)”. Hành giả chọn một trong sáu ân đức pháp mà mình dễ có cảm hứng và niệm lặp đi lặp lại. Ví dụ: “Svākkhāto bhagavatā dhammo! Svākkhāto bhagavatā dhammo! Svākkhāto bhagavatā dhammo!...” Trong lúc niệm, hành giả nghĩ đến “giáo pháp được khéo thuyết vì văn nghĩa đầy đủ, vì đưa đến quả tốt đẹp, vì được tuyên bố chính đáng, vì nêu rõ đạo lộ và cứu cánh”. Hành giả suy niệm cho đến khi nhập tâm.

3. Niệm Tăng (Saṅghānussati) là niệm tưởng về ân đức của chúng tăng, phẩm chất của Thánh chúng: “Chúng đệ tử thế tôn là bậc thiện hạnh (supatipanno bhagavato sāvakasaṅgho), bậc trực hạnh (ujupaṭipanno), bậc như lý hạnh (ñāyapaṭipanno), bậc chân chánh hạnh (sāmīcipaṭipanno), bậc đáng hiến dâng (āhuneyyo), bậc đáng hiến tặng (pāhuneyyo), bậc đáng hiến cúng (dakkhineyyo), bậc đáng lễ bái (añjalikaraṇīyo), là phước điền vô thượng cho đời (anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa)”. Hành giả có thể chọn một trong chín ân đức tăng mà mình dễ có cảm hứng và niệm lặp đi lặp lại. Ví dụ: “Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho ! Supaṭipanno ! Supaṭipanno ! Chúng đệ tử Thế Tôn là bậc thiện hạnh vì các vị ấy đã hành trình đạo lộ tốt đẹp tức là thánh đạo ..vv..” Suy niệm cho đến khi nhập tâm.

4. Niệm giới (sīlānussati) là niệm tưởng giới hoàn hảo của mình, không bị tỳ vết, không bị đứt đoạn ... Hành giả cảm hứng với giới thanh tịnh.

5. Niệm thí (cāgānusati) là niệm tưởng hạnh thí xả của mình, tâm rộng mở, không bị ô nhiêm bởi keo kiết, bủn xỉn... Hành giả cảm hứng với sự xả tài và có nhiều công đức.

6. Niệm thiên (devatānussati) là niệm tưởng các công hạnh của chư thiên nhờ đức tin, giữ giới, nghe pháp, bố thí và trí tuệ mà sanh cõi trời, rồi đối chứng với các công hạnh của mình cũng có đức tin, giữ giới, nghe pháp, bố thí và trí tuệ như chư thiên ... Hành giả cảm hứng với công hạnh chư thiên và công hạnh của mình.

7. Niệm tịch tịnh (upasamānussati) là suy niệm đặc tính níp bàn “lắng yên mọi đau khổ” (sabbadukkhūpasama). Hành giả tiếp tục ghi nhận: “Mọi đau khổ luân hồi xảy ra do ái, mạn, kiến. Níp bàn lắng yên mọi đau khổ vì níp bàn tiêu trừ khát ái (pipāsavinayo), nhổ bỏ luyến ái (ālayasamugghāto), đoạn tận tham ái (taṇhakkhayo), dẹp sạch kiêu mạn (maddanimmaddano)...”.

8. Niệm tử (maraṇānussati) là suy ngẩm về sự chết của tất cả chúng sanh gồm cả mình. Hành giả suy ngẩm sự chết có nhiều cách, như “Maranaṃ bhavissati sự chết sẽ xảy đến” hoặc “Jīvitindriyaṃ upacchijjissati Mạng sống sẽ chấm dứt”, hoặc “Maraṇantaṃ hi jīvitaṃ chắc chắn mạng sống có kết cuộc là cái chết” ..vv..

9. Thân hành niệm (kāyagatāsati) là niệm ba mươi hai thể trược trong thân. Hành giả ghi nhận trong thân này từ đỉnh đầu đến gót chân chứa đựng 32 thể trược như: tóc (kesā), lông (lomā), móng (nakhā), răng (dantā), da (taco), thịt (maṃsaṃ), gân (nahārū), xương (aṭṭhi), tủy (aṭṭhimiñjaṃ), Thận (vakkaṃ), tim (hadayaṃ), gan (yanakaṃ), hoành cách mô (kilomakaṃ), dạ dày (pihakaṃ), phổi (papphāsaṃ), ruột già (antaṃ), ruột non (antagunaṃ), thức ăn mới (udariyaṃ), phẩn (karīsaṃ), óc não (matthaluṅgaṃ), mật (pittaṃ), đàm (semhaṃ), mủ (pubbo), máu (lohitaṃ), mồ hôi (sedo), mở (medo), nước mắt (assu), dầu da (vasā), nước miếng (kheḷo), nước mũi (siṅghāṇikā), nước nhờn (lasikā), nước tiểu (muttaṃ).

10. Nhập xuất tức niệm (Ānāpānassati) là chú ú theo hơi thở ra vào, gọi tắt là niệm hơi thở. Hành giả tỉnh táo đặt niệm (sati) ở chót mũi, nơi mà hơi thở đi vào đi ra chạm, rồi ghi nhận “đây là hơi thở vào … đây là hơi thở ra”; Khi hơi thở vô dài, vị ấy biết “hơi thở vô dài”, khi hơi thở ra dài, vị ấy biết “hơi thở ra dài”; Khi hơi thở vô ngắn, vị ấy biết “hơi thở vô ngắn”; Khi hơi thở ra ngắn, vị ấy biết “hơi thở ra ngắn” … Nhập xuất tức niệm là đề mục chủ yếu, căn bản được Đức Phật dạy cho tu tập, vì hơi thở là thân hành (kāyasaṅkhāra) hiện hữu ở mọi lúc mọi nơi, ở oai nghi nào cũng tác ý niệm hơi thở được. Niệm hơi thở có thể đắc định được và có thể đắc tuệ đạo quả được.

(4) Bốn đề mục phạm trú (Brahmavihāra)

Phạm trú (Brahmavihāra) là sự an trú trong trạng thái cao quí, hay sự an trú với phạm thể (brahma). Phạm thể là tâm thái của Phạm Thiên, vị phạm thiên không có sân hận, thù địch, ganh ghét vì phạm thiên không có sân tâm do mảnh lực thiền định. Người tu tập bốn vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) dẹp bỏ sân, an trú với tâm mát mẻ, hiền hòa, cởi mở … một trạng thái tâm thánh thiện. Đề mục tu tập để đạt đến trạng thái an trú ấy gọi là đề mục phạm trú.

Bốn đề mục phạm trú:

1.Từ (mettā) là trạng thái tâm an vui, không nóng giận đối với tất cả chúng sanh. Hành giả tu tập tâm từ là tác ý dẹp bỏ sân tâm nóng nảy tức giận, rồi tâm niệm “ta hãy an vui, đừng có khổ tâm (Sukho homi niddukkho)” … Hành giả hướng tâm đến bất cứ chúng sanh nào và nghĩ “Mong các chúng sanh an vui, đừng có khổ tâm (Sabbe sattā sukhitā hontu niddukkhā)” … Trú tâm như vậy suốt buổi, suốt ngày, suốt tuần.

2. Bi (karuṇā) là trạng thái tâm thương cảm nổi khổ của chúng sanh, không ác ý, không não hại loài hữu tình nào. Hành giả tu tập tâm bi là trước hết làm lắng dịu ác ý, dã tâm tự nơi mình, rồi dấy lên niềm thương cảm đối với chúng sanh đang đau khổ, sẽ đau khổ, còn đau khổ: “Mong chúng sanh được thoát khỏi khổ (Sabbe sattā dukkhā pamuñcantu)”… Trú tâm như vậy suốt buổi, suốt ngày, suốt tuần.

3. Hỷ (muditā) là trạng thái tâm bằng lòng, hài lòng với hạnh phúc của chúng sanh khác, không ganh tỵ, không ghen ghét, không khó chiụ khi nghĩ tới chúng sanh được thành công. Hành giả tu tập tâm hỷ, trước hết bằng cách suy xét tánh đê tiện của lòng ganh tỵ và tánh cao thượng của lòng vị tha để khởi tâm vui theo thành công của người khác; Rồi hành giả nghĩ đến nguyên nhân người ấy thành đạt là nhờ thiện hạnh mà nó đã làm trong quá khứ, và khởi tâm mong ước: “mong cho chúng sanh này thành tựu hạnh phúc, đừng mất hạnh phúc đã có được (ayaṃ satto sampattīhi samijjhatu, mā sampattasukhato vinassatu)”… Trú tâm như vậy khi thấy nghe người khác thành công.

4. Xả (upekkhā) là trạng thái tâm bình thản, không thiên lệch, không nghiêng về phía nào; xả nằm giữa bi và tùy hỷ, thái độ của xả là không bận lòng với chúng sanh khổ và chúng sanh vui. Hành giả tu tập tâm xả suy ngẫm rằng: “tất cả chúng sanh có nghiệp là sở hữu, có nghiệp là tài sản (sabbe sattā kammassakā kammadāyādā).

(5) Một đề mục yểm tưởng thực (āhāre paṭikūlasaññā)

Yểm tưởng thực (āhāre paṭikūlasaññā) là tưởng nhờm gớm thức ăn, cũng kể như một đề mục tu tập vì giúp nhăn chận tham đắm vị ngon của vật thực. Hành giả khi ăn suy tưởng vật thực đáng nhờm gớm: Do vất vả tìm kiếm, do đưa vào miệng, do nhai nát, do đường nuốt, do tiết dịch, do chổ chứa, do nghiền trộn, do tiêu hóa, do bài tiết, do vấy bẩn, … Thấy vật thực đáng nhờm gớm kể từ lúc tìm kiếm cho đến lúc bài tiết ra ngoài sau một ngày chất chứa trong bụng, nhờ vậy hành giả không tham ái cảnh vị, chỉ gắng gượng ăn để duy trì sự sống. Ví như người mẹ đi qua sa mạc, đứa con nhỏ do đói khát mà chết, người mẹ lấy xác đứa con làm thức ăn, lúc ăn người mẹ gắng gượng nhai ăn chứ không thích thú, tham đắm.

(6) Một đề mục phân biệt tứ đại (catudhātuvavatthāna)

Tứ đại là bốn nguyên tố vật chất, là bốn sắc nền tảng tạo ra các sắc pháp khác. Cũng gọi là 4 sắc đại hiển (mahābhūta). Tứ đại là đất (paṭhavī), nước (āpo), lửa (tejo) và gió (vāyo).

Hành giả khám phá trong thân này do bốn đại hiệp thành, phân biệt bốn đại xuyên qua các hiện tượng vật chất như sau:

- Phân biệt thể đất trong thân này như: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột già, ruột non, dạ dày, phẩn, óc, não … bất cứ thứ gì có thể cứng, thô phù. Đó là phân biệt địa giới (pathavīdhātu) trong thân.

- Phân biệt thể nước trong thân này như: mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mở,nước mắt, dầu da, nước miếng, nước mũi, nước nhờn, nước tiểu. Đó là phân biệt thủy giới (āpodhātu) trong thân.

- Phân biệt thể lửa trong thân này như: Chất đốt tạo thân nhiệt, chất đốt làm lão hóa, chất đốt làm bệnh nóng sốt, chất đốt làm tiêu hóa thức ăn. Đó là phân biệt hỏa giới (tejodhātu) trong thân.

- Phân biệt thể gió trong thân này như: gió thổi lên, gió thổi xuống, gió trong bụng, gió trong ruột, gió quạt các chi thể, hơi thở ra vô. Đó là phân biệt phong giới (vāyodhātu) trong thân.

Hoặc hành giả tu tập đề mục phân biệt tứ đại theo tánh thể như sau:

“Trong thân này – Cái gì thuộc tánh thô phù là địa đại – Cái gì thuộc tánh lỏng, ướt, dính là thuỷ đại – Cái gì thuộc tánh đốt nóng là hỏa đại – Cái gì thuộc tánh chuyển động là phong đại. Thân này chỉ là bốn đại hợp thành, rổng tuếch, không thực thể linh hồn hay bản ngã”.

(7) Bốn đề mục vô sắc (Āruppa)

Đề mục vô sắc là những đề mục tu tiến đạt đến thiền chứng vô sắc giới (arūpāvacarajhāna).

Bốn đề mục vô sắc đó là:

1. Không vô biên xứ (Ākāsānañcāyatana)

Hành giả sau khi đắc năm bậc thiền sắc giới (rūpāvacarajhāna) với các đề mục biến xứ (kasiṇa), trong đó có đề mục hư không (ākāsakasiṇa), nhập ngũ thiền sắc giới bằng đề mục hư không này rồi hành giả thấy rằng hư không biến xứ bị hạn cuộc (paricchannākāsakasiṇaṃ) nên nhàm chán, bèn tác ý vượt qua biến xứ hư không, nghĩ rằng: “ākāso ananto – không gian không cùng tận”. Đây gọi là đề mục “không vô biên xứ” trong bốn đề mục vô sắc.

2. Thức vô biên xứ (Viññāṇañcāyatana)

Sau khi chứng được thiền Không vô biên xứ, hành giả lấy tâm thiền chứng ấy làm đề mục để tu tiến bậc thiền thứ hai. Hành giả khám phá rằng chính tâm thiền biết đối tượng không vô biên, tâm thiền ấy (thức) mới thực là không cùng tận (vô biên) vì nó biết được cái “không vô biên”, rồi hành giả tác ý đến tâm đệ nhất thiền vô sắc, niệm: “Anantaṃ viññāṇaṃ – thức là không giới hạn, thức là không cùng tận.” Đây gọi là đề mục “Thức vô biên xứ” trong bốn đề mục vô sắc.

3.Vô sở hữu xứ (Ākiñcaññāyatana)

Sau khi chúng được thiền Thức vô biên xứ, hành giả nhận ra tâm thiền vô sắc thứ hai vẫn còn đeo níu đối tượng “thức vô biên”, cũng như tâm thiền vô sắc thứ nhất đeo bám đối tượng “Hư không vô biên”, chưa an tịnh thù thắng. Nên bây giờ hành giả từ bỏ những khái niệm đối tượng ấy bằng cách phủ nhận: “Natthi kiñci ! Natthi kiñci ! – không có gì cả ! không có gì cả !” và chứng thiền thứ ba Vô sở hữu xứ. Đay gọi là đề mục “vô sở hữu xứ” trong bốn đề mục vô sắc.

4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ (Nevasaññānāsaññāyatana)

Sau khi chứng đắc thiền Vô sở hữu xứ, hành giả lấy thiền chứng này làm đề mục cho sự tu tiến bậc thiền thứ tư. Hành giả nhận thấy ở thiền chứng vô sở hữu xứ là an tịnh tinh lương đến mức tinh tế không phải là tưởng nhưng chẳng phải là phi tưởng rồi tác ý rằng: “Santā santā ! An tịnh, An tịnh !” và chứng thiền vô sắc thứ tư; do đề mục “Phi tưởng phi phi tưởng” nên gọi là tâm thiền thứ tư là thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ. Lại nữa, tâm thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ là một trạng thái tâm vô cùng tinh tế, một danh uẩn có cũng như không có, không có nhưng cũng không phải là không có. Bởi thế, vị nhập thiền phi tưởng phi phi tưởng mới có mãnh lực làm ngưng sự hoạt động của tâm pháp, gọi là thiền diệt thọ tưởng định (saññāvedayitanirodhasamāpatti). Đề mục phi tưởng phi phi tưởng xứ nên hiểu là như vậy.

(còn tiếp)

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc