Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu - Bài 73. CHƯƠNG IX. TOÁT YẾU NGHIỆP XỨ  (Kammaṭṭhānasaṅgaha) “tiếp theo”

Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu - Bài 73. CHƯƠNG IX. TOÁT YẾU NGHIỆP XỨ (Kammaṭṭhānasaṅgaha) “tiếp theo”

Chủ nhật, 24/04/2022, 15:08 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu

Bài học ngày 24.4.2022


Bài 73. 

CHƯƠNG IX. TOÁT YẾU NGHIỆP XỨ (Kammaṭṭhānasaṅgaha) “tiếp theo”

· Các vấn đề liên quan đến Chỉ nghiệp xứ

(1) Nghiệp xứ phân theo tánh nết

Có sáu loại tánh nết (carita, cariyā):

1. Tánh ái (rāgacarita) là người sống nặng về tình cảm, ham thích, tham đắm, ái luyến.

2. Tánh sân (dosacarita) là người nóng tính, dễ giận dữ, dễ nổi quạu, cộc cằn, thô lỗ ...

3. Tánh si (mohacarita) là người đờ đẫn, chậm hiểu, không thông minh.

4. Tánh tín (saddhācarita) là người dễ tin, dễ phát khởi niềm tin, dễ xu hướng.

5. Tánh giác (buddhicarita) là người có trí, thông minh, sống thiên về lý trí, biết suy nghĩ cân nhắc.

6. Tánh tầm (vitakkacarita) là người hay nghĩ ngợi, nói nhiều và nói lạc đề, hay bỏ dở công việc đang làm, thiếu sự tập trung.

Hành giả trước khi tu tiến thiền định cần phải chỉnh sửa tánh nết cho chánh hướng, nếu không rõ sẽ trở ngại sự tiến tu chứng đắc thiền.

1. Người có tánh ái nặng cần phải khắc phục bằng cách quán niệm 10 đề mục bất mỹ (asubha) tức niệm tử thi và quán thân hành niệm (kāyagatāsati) tức niệm thể trược.

2. Người có tánh sân nặng cần phải khắc phục bằng cách tu tập 4 phạm trú (brahmavihāra), và 4 biến xứ màu (vaṇṇakasiṇa) là xanh, vàng, đỏ, trắng.

3. Người có tánh si và tánh tầm, cả hai tánh nết này cần khắc phục bằng cách niệm hơi thở hay nhập xuất tức niệm (ānāpānassati). Người tánh si và tánh tầm, tâm lơ lãng, không tập trung do phóng dật, hoài nghi và suy tầm, nên cách chú ý vào hơi thở ra vô luyện tâm tập trung rất hiệu quả.

4. Người có tánh tín, nếu không khéo an lập niềm tin chánh tín sẽ sanh ra mê tín, cuồng tín. Nên phải chỉnh đốn bằng cách tu tập 6 tùy niệm (anussati) là niệm phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới, niệm thí và niệm thiên. Khi đó tâm hành giả chỉ khởi lên niềm tin tam bảo và tin các thiện hạnh thôi.

5. Người có tánh giác hay tánh thông minh, nếu không khéo tư duy sẽ dẫn đến lý luận, biện luận và tranh luận vô ích, nên phải chấn chỉnh bằng cách suy nghĩ về sự chết hay niệm tử (maraṇānussati), suy nghĩ về níp bàn hay niệm tịch tịnh (upasamānussati), suy tưởng nhờm gớm vật thực (āhāre_ paṭikūlasaññā), và suy tư phân biệt tứ đại (catudhātuvavaṭṭhāna). Khi hành giả tư duy về các đề tài vi tế thâm sâu như vậy, trí tuệ được khơi dậy chánh hướng.

Sau khi đã sửa chữa tánh nết thích nghi với tâm lý tu tập, hành giả mới bắt đầu tu tiến theo bất cứ đề mục nào trong 40 đề mục. Nói như vậy có nghĩa là không có sự cấm kỵ nào cho hành giả tu tiến nghiệp xứ khi mà hành giả đã khắc phục được nhược điểm tánh nết; Hơn nữa, sự phân loại đề mục theo tánh nết là ý kiến của các vị giáo thọ, trong kinh luật chánh tạng không có nói đến.

(2) Nghiệp xứ phân theo giai đoạn tu tiến

Có ba giai đoạn tu tiến (bhāvanā):

1. Bước chuẩn bị (parikammabhāvanā) là giai đoạn tu tập khởi đầu sắp đặt đề mục, dán tâm trên đề mục để làm quen. Nhất hành tâm (ekaggatacetasika) ở giai đoạn chuẩn bị này gọi là sát na định (khaṇikasamādhi).

Bốn mươi nghiệp xứ (đề mục chỉ) đều bước qua giai đoạn khởi sự tu tập nầy, tức là bước tu chuẩn bị (parikammabhāvanā).

2. Bước tu cận hành (upacārabhāvanā) là giai đoạn tu tập đề mục thuần thục hơn, tiến gần thiền định, cận kề với sự đắc chứng. Nhất hành tâm (ekaggatācetasika) ở giai đoạn hai này gọi là cận định (upacārasamādhi).

Bốn mươi chiếu kiến nghiệp xứ được tu tập nghiêm mật sẽ bước qua giai đoạn cận định này; Nhưng trong đó có 10 đề mục tu tập chỉ đạt đến cận định là đỉnh cao, tức là 8 tùy niệm (niệm phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm tử, niệm tịch tịnh), 1 tưởng nhờm gớm vật thực, 1 phân biệt tứ đại. Còn 30 đề mục khác thì không dừng lại ở cận định mà tiến xa hơn nữa, tức là bước qua giai đoạn chứng thiền định.

3.Bước tu tiến an chỉ (appanābhāvanā) là giai đoạn chứng đắc thiền định. Các tâm đổng lực đáo đại (mahaggatājavana) và đổng lực siêu thế (lokuttarajavana) gọi là đổng lực an chỉ hay đổng lực kiên cố (appanājavana); Nếu tu tiến với chỉ nghiệp xứ (samathakammaṭṭhāna) thì đắc thiền (jhāna) hay đổng lực đáo đại; nếu tu tiến với quán nghiệp xứ (vipassanākammaṭṭhāna) thì đắc đạo quả (maggaphala) hay đổng lực siêu thế.

Trong bốn mươi đề mục (chỉ nghiệp xứ), có 30 đề mục đạt tới chứng thiền hay an chỉ định (appanāsamādhi), là 10 đề mục biến xứ (kasiṇa), 10 đề mục bất mỹ (asubha), 4 đề mục phạm trú (brahmavihāra), 1 đề mục thân hành niệm (kāyagatāsati), 1 đề mục nhập xuất tức niệm (ānāpānassati), và 4 đề mục vô sắc (āruppa).

(3) Nghiệp xứ phân theo thiền chứng

Có 30 đề mục đưa đến chứng thiền hay an chỉ định, trong đó có những đề mục chứng thiền sắc giới, có những đề mục chứng thiền vô sắc giới, có những đề mục chỉ chứng sơ thiền, có những đề mục chứng bốn thiền sắc giới thọ hỷ, có đề mục chỉ chứng ngũ thiền sắc giới. Như sau:

- 10 đề mục biến xứ (kasiṇa) và đề mục nhập xuất tức niệm (ānāpānassati), là 11 đề mục chứng năm bậc thiền sắc giới.

- 10 đề mục bất mỹ (asubha) và đề mục thân hành niệm (kāyagatāsati), là 11 đề mục chỉ chứng sơ thiền sắc giới.

- 3 đề mục phạm trú (brahmavihāra): từ (metta), bi (karuṇā), hỷ (muditā). Là 3 đề mục chỉ chứng sắc giới sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.

- 1 đề mục xả phạm trú (upekkhābrahmavihāra) chỉ chứng sắc giới ngũ thiền.

- 4 đề mục vô sắc (ārupā), là 4 đề mục chứng thiền vô sắc giới (arūpajhāna).

(4) Ba ấn chứng tu thiền (bhāvanānimitta)

Có 3 ấn chứng (nimitta) khởi lên khi tu tiến nghiệp xứ:

1. Ấn chứng sơ khởi, hay sơ tướng (parikammanimitta) là ấn tượng đề mục được ghi nhận vào giai đoạn ban đầu của thiền, giai đoạn tu tiến, chuẩn bị tu tiến (parikammabhāvanā). Tất cả đề mục khi khởi sự tu tập đều là ấn chứng sơ khởi.

2. Ấn chứng khắc ghi hay thủ tướng (uggahanimitta) là đề mục hiện rõ trong tâm sau khi niệm sơ tướng sâu đậm. Thí dụ sơ tướng đề mục đất (paṭhavīkasiṇa), hành giả nhìn chăm chú đĩa đãi đất tròn đến lúc nhập tâm dù mắt nhắm lại vẫn hiện ra màu sắc của đĩa đất tròn; cảnh đề mục được ghi nhớ ấy gọi là thủ tướng (uggahanimitta). Ấn chứng này vẫn còn trong giai đoạn tu tiến chuẩn bị (parikammabhāvanā) và cũng khởi lên cho tất cả đề mục.

3. Ấn chứng tái hiện, hay tợ tướng (paṭibhāganimitta), khi định tiến bộ, tại thời điểm ấy thủ tướng (uggahanimitta) thay đổi thành tướng sáng chói, rõ ràng và vững vàng. Tướng sáng chói ấy tợ như sơ tướng nên gọi là tợ tướng (paṭibhāganimitta), nhưng nó sáng hơn, rõ hơn nhiều lần so với sơ tướng (parikammanimitta) và thủ tướng (uggahanimitta). Tợ tướng hoàn toàn không có những khiếm khuyết tỳ vết. Thí dụ đề mục biến xứ đất. Khi đạt đến tợ tướng thì những khuyết điểm như mặt đất sần sùi, lằn nứt, tỳ vết… không còn nữa. Ngay khi tợ tướng hay ấn chứng này phát sanh thì hành giả đạt đến cận định (upacārasamādhi) bước vào giai đoạn tu tiến cận hành (upacārabhāvanā). Tợ tướng không hình thành đối với 18 đề mục là 8 tùy niệm đầu, 4 phạm trú, yểm tưởng vật thực, phân biệt tứ đại. Tợ tướng có thể xuất hiện với 22 đề mục là 10 biến xứ, 10 bất mỹ, 1 thân hành niệm, và 1 nhập xuất tức niệm.

(5) Sự chứng đắc sơ thiền

Hành giả chăm chú trên tợ tướng (paṭibhāganimitta), tiếp tục niệm – niệm đề mục cho đến khi tợ tướng ấy được vững trú và được làm cho lan tỏa thì lúc ấy đạt đến cận hành định (upacārasamādhi) khiến năm triền cái (nīvaraṇa) lắng yên; Hành giả đạt đến an chỉ định hay kiên cố định (appanāsamādhi) sơ thiền với năm chi thiền hiện khởi là tầm, tứ, hỷ,lạc, và nhất hành.

(6) Sự chứng thiền thứ hai và cao hơn

Hành giả đã chứng đắc sơ thiền muốn chứng nhị thiền cần phải có năm pháp tự tại (vasī hay vasitā) là:

1. Hướng tâm tự tại (āvajjanavasī) tức là thuần thục trong việc hướng tâm đến chi thiền đã chứng, hướng tâm dễ dàng, không khó khăn.

2. Nhập thiền tự tại (samāpajjanavasī) tức là thuần thục trong việc nhập định với thiền đã chứng, nhập định bất cứ lúc nào mình muốn, không khó khăn.

3. Trú thiền tự tại (adhiṭṭhānavasī) tức là quyết định an trú trong thiền ấy bao lâu tùy ý muốn.

4. Xuất thiền tự tại (vuṭṭhānavasī) tức là thuần thục trong trong việc xuất khỏi định đúng thời gian đã trù tính.

5. Phản khán tự tại (paccavekkhanavasī) tức là thuần thục trong việc xét lại chi thiền của tầng thiền đã chứng.

Khi hành giả có năm pháp tự tại đối với sơ thiền, tu tiến ly tầm (vitakkavirāgabhāvanā), nhìn vào tính thô thiển của tầm (vitakka), loại bỏ tầm, chứng và trú nhị thiền. Tầng thiền thứ hai chỉ có bốn chi thiền là tứ, hỷ, lạc và nhất hành.

Tiếp đến, hành giả phát triển năm pháp tự tại (vasī) đối với nhị thiền, nhìn vào tính thô thiển của tứ (vicāra), loại bỏ tứ, tu tiến ly tứ (vicāravirāgabhāvanā), chứng và trú tam thiền, trạng thái thiền chỉ còn ba chi là hỷ, lạc và nhất hành.

Hành giả tiếp tục hát triển năm pháp tự tại (vasī) đối với tam thiền, nhìn vào tính thô thiển của hỷ (pīti), loại trừ hỷ, tu tiến ly hỷ (pītivirāgabhāvanā), chứng và trú tứ thiền, một trạng thái thiền chỉ còn hai chi là lạc và nhất hành.

Và rồi, hành giả phát triển năm pháp tự tại (vasī) đối với tứ thiền, thấy được tính thô thiển của lạc (sukha), loại trừ chi lạc, trú thiền thứ năm chỉ có hai chi thiền là xả và nhất hành.

Không dừng lại ở đây, hành giả phát triển năm pháp tự tại (vasī) đối với ngũ thiền sắc giới, vị ấy nhập và xuất ngũ thiền sắc giới với chín đề mục biến xứ (ngoại trừ hư không biến xứ, ākāsakasiṇa), xét thấy những khuyết điểm của sắc pháp (rūpa) để không dính mắc vào sắc pháp, rồi hướng tâm đến sự tĩnh lặng tinh tế của vô sắc.

Trước hết, hành giả chú tâm vào không gian (ākāsā) và niệm “Ākāso ananto ... ākāso ananto ... Hư không vô biên.... hư không vô biên”. Đó là chuẩn bị tu tiến (parikammabhāvanā). Khi vị ấy tiếp tục niệm “hư không vô biên”, vượt qua sắc tưởng, không còn mảy may sự khao khát thiền sắc giới, hành giả đạt đến cận hành tu tiến (upacārabhāvanā). Hành giả tiếp tục niệm đề mục không vô biên một cách nghiêm mật sẽ đạt đến an chỉ tu tiến (appanābhāvanā), như vậy gọi là chứng đắc đệ nhất thiền vô sắc không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana).

Kế đến, hành giả làm cho tinh thục đệ nhất thiền vô sắc bằng năm pháp tự tại (vasī), rồi chú tâm đến “thiền không vô biên xứ” thấy rằng tâm thiền này là không cùng tận và niệm: “thức là vô biên, thức là vô biên”, đây là bước chuẩn bị tu tiến (parikammabhāvanā) cho thiền thứ hai. Khi niệm thức vô biên đã nhập tâm, không còn vương vấn thiền không vô biên nữa, vị ấy đạt đến cận hành tu tiến (upacārabhāvanā). Tiếp tục trú niệm và vươn tới an chỉ tu tiến (appanābhāvanā) chứng đắc đệ nhị thiền vô sắc, gọi là thiền thức vô biên xứ (viññānañcāyatana).

Thế rồi, khi đã tinh thục bằng năm pháp tự tại (vasī) đối với nhị thiền vô sắc, hành giả bước vào giai đoạn chuẩn bị tu tiến cho thiền thứ ba, thấy không có gì là thức vô biên. Hành giả niệm: “không có gì, không có gì” và đạt đến cận hành tu tiến với đề mục vô sở hữu xứ. Từ cận hành, vị ấy đạt đến an chỉ tu tiến, chứng đắc đệ tam thiền vô sắc, gọi là thiền vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana).

Cuối cùng hành giả sau khi tinh thục thiền vô sắc thứ ba, chuẩn bị tu tiến với đệ tứ thiền vô sắc bằng cách lấy tâm thiền vô sở hữu xứ làm cảnh. Thầm niệm “tâm này an tịnh, tâm này tinh lương” (santametaṃ, paṇītametaṃ) cho đến khi đạt cận hành tu tiến … rồi đạt tới an chỉ tu tiến, chứng đắc đệ tứ thiền vô sắc gọi là thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññānāsaññāyatana).

Thiền chứng với chỉ nghiệp xứ (samathakammaṭṭhāna) có hai loại tâm: thiền thiện (kusalajhānacitta) và thiền tố (kiriyājhānacitta). Hành giả phàm tam nhân và thánh hữu học tu chỉ nghiệp xứ sẽ chứng tâm thiền thiện; Bậc A la hán tu chỉ nghiệp xứ sẽ chứng tâm thiền tố, hoặc vị ấy tu chứng thiền thiện rồi sau đó đắc A la hán sẽ chuyển thành thiền tố.

(7) Năng lực siêu nhiên của thiền định

Năng lực siêu nhiên, hay còn gọi là thắng trí, thần thông (abhiññā).

Khi hành giả đã đắc chứng thiền sắc giới (rūpāvacarajhāna) và thiền vô sắc giới (arūpāvacarajhāna), với tâm thuần tịnh, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vị ấy hướng tâm đến các năng lực siêu nhiên và thành tựu thần thông dựa trên mười đề mục biến xứ (kasina).

Có 5 loại thần thông hiệp thế:

1. Biến hóa thông (Iddhividha) là năng lực hóa ra những vật theo ý muốn, hoặc biến ra nhiều thân, hoặc đi trên hư không, đi ngang mặt nước, đi xuyên qua núi, qua tường, độn thổ ..vv..

2. Thiên nhĩ thông (dibbasota) là năng lực nghe được những âm thanh thô tế, gần xa … Mà người thường không nghe được. Như tiếng nói chư thiên, ma quỉ ..vv..

3. Tha tâm thông (cetopariyañāṇa hay paracittavijānana) là năng lực biết tâm của người khác, hiểu được ý nghĩ của người khác nghĩ gì.

4. Túc mạng thông (pubbenivāsānussati) là năng lực nhớ được các đời sống quá khứ của mình, từng nét đại cương và chi tiết.

5. Thiên nhãn thông (dibbacakkhu) là năng lực thấy được cảnh sắc vi tế hay ở xa hoặc bị giấu kín. Thiên nhãn thông còn bao gồm khả năng thấy biết sự chết và tái sanh tuỳ duyên nghiệp của chúng sanh, gọi là sanh tử trí (cutūpapātañāṇa) hay Tuỳ nghiệp sở vãng trí (yathākammūpagañāṇa). Thêm nữa, thiên nhãn thông còn là khả năng tiên tri những điều sẽ xảy ra ở tương lai, gọi là vị lai phần trí (anāgataṃsañāṇa).

Mặc dù nói rằng hành giả phải chứng đắc thiền sắc giới và thiền vô sắc giới mới thành tựu năng lực thần thông, là vì khi chứng thiền như vậy tâm mới thuần tịnh nhu nhuyến. Nhưng cụ thể là hành giả phải tu chứng năm thiền sắc giới với mười đề mục biến xứ (kasiṇa), rồi nhập ngũ thiền sắc giới làm nền tảng (pādakapañcamajhāna), xuất thiền cơ mới hiện thông. Đây là phương thức.

(còn tiếp)

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc