- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
Bài học ngày 7.4.2022
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
2. Bốn Pháp Chân Đế (Catudhā Paramattha)
Chánh văn
Tattha vuttābhidhammatthā
catudhā paramatthato
Cittaṃ cetasikaṃ rūpaṃ,
nibbānamiti sabbathā.
Chân đế gồm bốn pháp
Được nói trong Thắng Pháp:
Tâm, thuộc tánh tâm
Sắc pháp và niết bàn
Theo Thắng Pháp có bốn pháp chân đế : tâm, thuộc tánh của tâm, sắc pháp và niết bàn.
tattha > ở đây
vuttābhidhammatthā > (vutta + abhidhamma) > Thắng Pháp được trình bày
catudhā > có bốn
paramatthato > chân đế, đệ nhất nghĩa đế
cittaṃ > tâm
cetasikaṃ > thuộc tánh của tâm
rūpaṃ > sắc pháp
nibbānamiti > niết bàn
sabbathā > tất cả gồm có
Chú Thích
Thuật ngữ pháp – dhamma – mang nhiều ý nghĩa trong Phật học mà ở đây trong ý nghĩa rộng lớn nhất là tất cả những gì có tự tánh hay trạng thái. Theo Phật học thì tất cả pháp đều có thể nhận biết bởi tâm dù đó là vô vi niết bàn.
Chữ paramattha được dịch là chân đế có nghĩa là sự thật của sự thật. Thắng pháp Abhidhamma chia vạn hữu nằm trong hai phạm trù: tục đế và chân đế. Tục đế là sự thật theo quy ước thường tình. Chân đế là sự thật đằng sau quy ước thường tình thí dụ rau dính bùn đất theo cách nói bình thường là rau không sạch nhưng theo một cách nói khác thì đó có thể là “rau sạch” do được trồng bằng phân xanh. Chữ paramattha cũng dịch là đệ nhất nghĩa đế nghĩa là sự thật tối hậu. Ngài Tịnh sự dịch là siêu lý nghĩa là sự thật tế nhị sâu xa.
Phật học nói chung, đặc biệt là Thắng pháp Abhidhamma, trình bày về các pháp từ góc cạnh hiện hữu của chúng sanh nên bốn pháp chân đế bao gồm năm uẩn và niết bàn hay là chân đế hữu vi và chân đế vô vi. Chân đế hữu vi bao gồm danh pháp và sắc pháp. Danh pháp gồm tâm và thuộc tánh của tâm. Sắc pháp nói về sắc uẩn hay hiện tượng vật chất. Người học ban đầu có cảm nhận dường như thế giới quan theo Thắng Pháp chỉ nói về chúng sanh với danh sắc hay năm uẩn. Kỳ thật thì sắc pháp hay vật chất có những thứ thuộc về cảnh thủ (upādāna) và những thứ không phải thuộc về cảnh thủ. Thắng Pháp Tạng cũng nói về sắc sanh do nghiệp và sắc hiện khởi không do nghiệp. Nói cách khác có sự tồn tại của vật chất “thuộc tự nhiên”.
Không phải chỉ có Thắng Pháp Tạng mới nói về những bản thể của thi thiết như uẩn, xứ, giới, đế mà Kinh Tạng cũng nói tới nhưng không đủ mức độ phân biệt ly chi để nói theo vĩ mô. Thí dụ trong Kinh Tạng cũng nói về thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn nhưng không đi vào chi tiết từ “đơn vị” để có thể phân rõ thứ hành uẩn nào tương hợp với tâm nào.
Trong Kinh Tạng nói về tâm thức hay danh pháp thì đề cập bốn nhóm là thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn trong lúc Thắng Pháp Tạng thì xem thức uẩn là chủ vị được gọi là tâm trong lúc thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn là những thuộc tánh của tâm. Từ khái niệm nầy các dịch giả Trung Hoa gọi tâm là tâm vương và các thuộc tánh là tâm sở giống như khi nói về một triều đình thì nói về vị vua và những quần thần. Ngài Tịnh Sự dịch là tâm và sở hữu tâm. Trong giáo trình nầy gọi là thuộc tánh tâm thay vì tâm sở hay sở hữu tâm.
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng