- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
Bài học ngày 8.9.2023
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
Bài 62. Diễn Trình Tâm Ý Môn (manodvāravīthi)
Manodvāre pana yadi vibhūtam ālambanaṁ āpātham āgacchati,
tato paraṁ bhavangacalana-manodvārāvajjana-javanāvasāne
tadārammaṇapākāni pavattanti. Tato paraṁ bhavangapāto.
Avibhūte pan’ālambane javanāvasāne bhavangapāto va hoti.
Natthi tadārammaṇ’uppādo ti.
Khi cảnh rõ hiện khởi qua ý môn (khởi đầu) là tiềm thức rung động, rồi khán ý môn, các tâm xử lý, tâm dư hưởng. Sau đó là tiềm thức.
Trong trường hợp cảnh không rõ, sau tâm xử lý sẽ trở lại tiềm thức. Không có tâm dư hưởng
Chú Thích
Nếu diễn trình tâm thức qua ngũ môn, cho chúng ta biết ít nhiều về sự tương tác giữa 5 trần cảnh và tâm thức, thì diễn trình tâm qua ý môn, là mô tả rất nhiều trường hợp đặc biệt, mang ý nghĩa tế nhị sâu sắc của Phật học, đối với thế giới quan.
Một số điểm sau đây cần lưu ý khi học về phần nầy của Thắng Pháp Abhidhamma.
Diễn trình tâm ý môn tiếp nối diễn trình tâm ngũ môn hay thuần ý môn.
Một trong những điều rất dễ ngộ nhận, khi học diễn trình tâm qua ý môn, là ý nghĩ về sự tách biệt hoàn toàn, đối với diễn trình tâm qua ngũ môn. Kỳ thật thì phần lớn diễn trình tâm ý môn, nối tiếp ngũ môn được gọi là diễn trình tiếp nối ngũ môn (pañcadvārānubandhakā); loại thứ hai thuần ý môn hay độc lập (visuṁsiddhā). Loại tiếp nối diễn trình ngũ môn, như khi chúng ta đánh chuông: âm thanh vang lên ban đầu là diễn trình ngũ môn. Tiếng ngân tiếp theo đó là diễn trình ý môn, tiếp nối diễn trình ngũ môn. Khi chúng ta nói “tôi thấy một bông hoa đẹp” thì có rất nhiều diễn trình tâm xảy ra, cả hai ngũ môn và ý môn. Cảnh thật của bông hoa, trong ấn tượng nguyên sơ không đủ để gọi là đẹp, theo quan niệm nào đó, mà dù có thể là “cảnh tốt”, mà còn là kéo theo nhiều khái niệm thi thiết thuộc về ý môn.
Bình thường và bình nhật
Chữ “bình nhật” là từ được Ngài Tịnh Sự dùng để chỉ cho “cái xẩy ra trong cuộc sống bình thường hằng ngày”. Giáo trình nầy phân định “thông thường” và “đặc biệt”. Diễn trình đặc biệt chỉ cho những trường hợp như nhập thiền, đắc đạo. Cái đặc biệt không nhất thiết là không thuộc đời sống hằng ngày. Với người chứng thiền thì sự nhập thiền là cái gì rất “bình nhật”.
Sự phân chia về diễn trình tâm ý môn trong Thắng Pháp Tập Yếu
Một vấn đề thường gặp trong các giáo trình Thắng Pháp, là cách trình bày làm rối trí. Thí dụ, diễn trình tâm cận tử tách rời làm hai: một nằm trong phần diễn trình tâm qua ngũ môn; một nằm trong diễn trình tâm qua ý môn. Điểm chính là nói về diễn trình tâm cận tử. Giáo trình nầy gom chung lại trong một phần. Thay vì chia hai, rồi từ đó chia thành nhiều danh mục chi lưu, thì giáo trình liệt kê theo cách dưới đây, để không làm phân tâm người học: