Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG || THẮNG PHÁP TẬP YẾU - Diễn Trình Tâm Ý Môn Chứng Thiền và Nhập Thiền (appanājavana-manodvāravīthi)

Thứ bảy, 16/09/2023, 08:19 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 8.9.2023

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 63. Diễn Trình Tâm Ý Môn Chứng Thiền và Nhập Thiền  (appanājavana-manodvāravīthi)

 

Appanājavanavāre pana vibhūtāvibhūtabhedo natthi. Tathā tadārammaṇ’uppādo ca. Tattha hi ñāṇasampayuttakāmāvacarajavanānam aṭṭhannaṃ aññatarasmiṃ parikamm’opacār’ānulomagotrabhū nāmena catukkhattuṃ tikkhattum eva vā yathākkamaṃ uppajjitvā niruddhe tadanantaram eva yathārahaṃ catutthaṃ pañcamaṃ vā chabbīsati mahaggata-lokuttarajavanesu yathābhinīhāravasena yaṃ kiñci javanaṃ appanāvīthim otarati. Tato paraṃ appanāvasāne bhavangapāto va hoti.

 

Trong diễn trình an chỉ (chứng thiền và nhập thiền) không có phân biệt cảnh rõ và không rõ (như diễn trình ý môn thông thường). Cũng không có tâm dư hưởng. Ở đây một trong 8 tâm xử lý dục giới hợp trí sanh diệt 3 hoặc 4 lần theo tuần tự: chuẩn bị, cận hành, thuận thức, chuyển tánh. Sau khi giai đoạn nầy kết thúc, với 4 hay 5 sát na, thì tâm xử lý (hay tâm thiền) sanh khởi. (Tâm thiền ở đây) là bất cứ tâm nào trong 26 xử lý nào thuộc đáo đại hay siêu thế tương thích. Sau khi tâm thiền an chỉ diệt trở tại tiềm thức.

Chú Thích

Thiền là một trong những thuật ngữ được xài rất phổ biến theo nhiều nghĩa khác nhau. Rất cần thiết để người học phân rõ ý nghĩa nầy tùy theo ngữ cảnh sử dụng. Thiền trong tiếng Việt là đọc theo âm Hán Việt  từ tiếng Trung Hoa “chan” mà người Nhật Bản đọc là “zen”. Đây là Phạn âm của chữ jhāna có nghĩa là nung nấu hay thiêu đốt như sự tôi luyện bằng nhiệt độ trong phép luyện kim. Chủ yếu của jhāna trong Tam Tạng Pàli là huân tập để thuần thục định lực. Khi khả năng tập trung thuần thục thì dễ dàng loại bỏ các pháp cái (nivarana) và xuất nhập tự tại. Một thứ định lực gọi là “kiên cố định (appanā)” hay “tam muội định (samādhi)”.

Cũng nên nói thêm là định nghĩa về thiền theo thiền tông Trung Hoa hay Zen của Phật giáo Nhật Bản là sự trầm tư về công án để dẫn đến sự thấu hiểu nào đó giống như cách quán tưởng trong kinh điển Pàli chứ không phải là jhāna. Khi dịch sang Anh ngữ người ta thường dùng chữ meditation nguyên nghĩa là “tĩnh tâm cầu nguyện” thì cũng không đúng nghĩa với chữ jhāna.

Chỉ và quán

Trong sự tu tâm nội tâm (samādhi) Phật pháp dạy hai pháp: chỉ (samatha) và quán (vipassana). Chỉ hay đôi khi vài dịch giả cũng gọi là “thiền định”  nhấn mạnh khả năng tập trung hay định lực. Quán hay cũng gọi là “thiền tuệ” nhấn mạnh khả năng bám sát với thực tại để thành tựu trí giác. Có hai điểm cần nhớ:

  1. Tứ niệm xứ bao gồm cả chỉ và quán. Quán sát hơi thở ra vào một cách bền bĩ là chỉ. Thấy được sanh diệt qua hơi thở là quán.
  2. Trong  chỉ không nhất thiết cần quán. Nhưng quán phải có chỉ

Khả năng áp đảo phiền não của thiền chỉ đơn thuần là có được khi tâm định còn chứ không đoạn tuyệt như tuệ quán của vipassana.

Thiền tập và thiền chứng

Thiền tập là sự huân tập định lực. Giai đoạn nầy dẫn đến thiền chứng. Trong khi hành thiền tập vẫn bị những pháp cái chi phối mặc dù giảm thiểu theo đà tiến bộ. Đa số hướng dẫn về tu thiền là nói về giai đoạn nầy.

Thiền chứng là khi tâm định đạt đến mức độ tinh luyện có thể xuất nhập tự tại. Chứng thiền chỉ là một sát na nhưng sau đó thì có thể nhập thiền trong vô số sát na. Chúng sanh chưa chứng thiền chỉ có thể có tối đa bảy tâm xữ lý (javana) trong một diễn trình tâm trong lúc người nhập thiền có thể có rất nhiều sát na tâm xữ lý trong thời gian dài.

Về thuật ngữ appanājavana-manodvāravīthi

Chữ appanājavana là tâm xử lý kiên cố hay an chỉ. Diễn trình tâm với appanājavana chỉ cho diễn trình đắc thiền, nhập thiền, hiện thông, chứng đắc đạo quả. Giai đoạn xử lý (javana) trong những trường hợp nầy rất khác là thông thường là có hai thứ tâm trong một công đoạn (tâm dục giới và tâm thiền). Và trong trưòng hợp nhập thiền thì tâm thiền sanh khởi trong vô số sát na chứ không giới hạn tối đa là 7 sát na như trong diễn trình ý môn thông thường.

Trong những diễn trình tâm đắc thiền, nhập thiền, hiện thông, chứng đắc đạo quả hoàn toàn không có phân biệt cảnh rõ, cảnh không rõ vì không điều nầy không nằm trong trường hợp của tâm thiền với tam muội định. Và vì tánh cách tự nhiên của tâm thiền nên không có công đoạn dư hưởng.

Vài con số cần lưu ý trong chánh kinh

Trước hết là sự khác biệt giữa thường căn và lợi căn. Với những vị căn cơ bình thường thì có sát na chuẩn bị. Đối với người lợi căn thì không có. Tất cả sát na chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tánh đều là tâm hợp trí trong đó 4 tâm thiện dục giới tịnh hảo hợp trí và 4 tâm duy tác tịnh hảo hợp trí. Còn tâm thiền ở đây thì có 26 tâm gồm 5 tâm thiện sắc giới, 5 tâm duy tác sắc giới, gồm 4 tâm thiện vô sắc giới, 4 tâm duy tác vô sắc giới, 8 tâm siêu thế.

Chi thiền và tầng thiền

Năm chi thiền là tầm, tứ, hỷ, lạc và định trong lúc tu tập đối trị năm pháp cái là tham dục, sân độc, hôn thuỵ, trạo hối và nghi hoặc. Khi chứng thiền trở thành thiền chi. Chính những thiền chi nầy tạo nên các tầng thiền.

Sơ thiền có đủ năm chi thiền.

Nhị thiền có bốn chi thiền là tứ, hỷ, lạc và định. Nên lưu ý là khi chi thiền tầm được diệt thì không bao lâu chi tứ cũng sẽ mất. Nên trong Kinh Tạng nói bốn thiền mà nhị thiền là trạng thái “không tầm không tứ”

Tam thiền có hỷ, lạc và định.

Tứ thiền có lạc và định.

Ngũ thiền chỉ có định và không có lạc nên thọ biến thành thọ xả (….)

Diễn trình tâm chứng thiền

Trong diễn trình ý môn thông thường thì công đoạn xữ lý có 7 hay 6 sát na cùng một thứ tâm và làm cùng làm một việc. Nhưng với diễn trình tâm chứng thiền (và tất cả diễn trình tâm “kiên cố định”) thì các tâm xữ lý mang nhiều chi tiết khác biệt trong 5 sát na:

sát-na Chuẩn bị (parikamma) sẳn sàng hỗ trợ.

sát-na Cận hành (upacāra) tiếp cận với trạng thái tâm mới.

sát-na Thuận thứ (anuloma) tương thích với trạng thái tâm mới.

sát-na Chuyển tánh (gotrabhū) rời trạng thái tâm cũ để chuyển sang tâm thiền

sát-na tâm Thiền (Jhāna) đây là tâm thiền thực thụ.

Bốn sát na đầu: chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tánh là tâm dục giới (tâm thiện hay duy tác tịnh hảo).

Sát na tâm thiền thì không còn là tâm dục giới.

Dù chỉ là một sát na chứng thiền nhưng tâm hành giả bước sang giai đoạn mới hoàn toàn.

Sau đây là diễn trình tâm đắc thiền:

  1. Tiềm thức cố hữu
  2. Tiềm thức giao động
  3. Tiềm thức gián đoạn
  4. Tâm khai ý môn
  5. Sát na Chuẩn bị (parikamma)
  6. Sát na Cận hành (upacāra)
  7. Sát na Thuận thứ (anuloma)
  8. Sát na Chuyển tánh (gotrabhū)
  9. Sát na tâm Thiền (Jhāna)
  10. Tiềm thức cố hữu

Nên lưu ý là 5 sát na từ sát na chuẩn bị tới sát na tâm thiền thuộc công đoạn xữ lý (javana) và mặc dù cùng công đoạn nhưng hai thứ tâm khác nhau. Bốn sát na đầu là tâm dục giới tịnh hảo. Sát na thiền thuộc các tâm thiền.

Diễn trình tâm nhập thiền

Sau khi chứng thiền hành giả có khả năng nhập thiền theo ý muốn hay xuất nhập tự tại. Trước khi nhập thiền hành giả cần tác ý thời lượng nhập thiền. (Sự tác ý nầy đôi khi cũng dịch là phát nguyện). Diễn trình tâm nầy giống như diễn trình tâm đắc thiền nhưng có vô số sát na tâm thiền.

1.      Tiềm thức cố hữu

2.      Tiềm thức giao động

3.      Tiềm thức gián đoạn

4.      Tâm khai ý môn

5.      Sát na Chuẩn bị (parikamma)

6.      Sát na Cận hành (upacāra)

7.      Sát na Thuận thứ (anuloma)

8.      Sát na Chuyển tánh (gotrabhū)

9.      Vô số sát na tâm Thiền (jhāna) tuỳ theo thời gian nhập thiền.

10.    Tiềm thức cố hữu.

Ý kiến bạn đọc