- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
Bài học ngày 6.10.2023
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
Bài 66. Tiềm Thức Ngoại Vi (Āgantuka Bhavaṅga)
Domanassasahagatajavanāvasāne ca pana tadārammaṇāni c’eva bhavangāni ca upekkhāsahagatān’eva bhavanti. Tasmā yadi somanassapaṭisandhikassa domanassasahagatajavanāvasāne tadārammaṇasambhavo natthi, tadā yaṁ kiñci paricitapubbaṁ parittārammaṇam ārabbha upekkhāsahagatasantīraṇaṁ uppajjati. Tam anantaritvā bhavangapāto va hotī ti pi vadanti ācariyā.
(Trong trường hợp thông thường) khi chặng tâm xử lý thọ ưu chấm dứt, thì cả hai tâm dư hưởng, và tâm tiềm thức đều thọ xả.
Với một người tục sinh bằng tâm thọ hỷ (nên tiềm thức cũng thọ hỷ) khi tâm xử lý là thọ ưu thì sau đó không có tâm dư hưởng, mà theo các vị a xà lê, là tâm kiểm tra thọ xả bắt cảnh quen thuộc mông lung nào đó. Rồi lập tức trở về với tiềm thức thọ hỷ.
Chú Thích
Cảm thọ là một trong những phương diện quan trọng, khi nói về diễn trình tâm thức. Trong cuộc sống, đôi khi có sự tương phản lớn giữa tiềm thức và hoạt thức về cảm thọ. Một người với tiềm thức thọ hỷ, do tục sinh bằng tâm thọ hỷ, mà gặp những cảnh thọ ưu, thì giữa tâm xử lý thọ ưu và tiềm thức thọ hỷ, có một thứ tâm sanh khởi để làm “trái độn”, được gọi là āgantuka bhavaṅga.
Thuật ngữ āgantuka bhavaṅga, là một từ vựng dể hiễu nhưng khó dịch, được Ngài Tịnh Sự dịch là “hộ kiếp khách". Ngài Bodhi trong bản tiếng Anh dịch là adventitious bhavanga – tiềm thức bất chợt hay tình cờ.
Gọi thứ tâm này là “tiềm thức”, vì không cùng cảnh với tâm xử lý (javana) như tâm dư hưởng. Bản Hậu Sớ Giải chú thích một cách thú vị: “Gọi đây là tiềm thức, vì lý do tâm kiểm tra có năm chức năng là tục sinh (paṭisandhi), tiềm thức (bhavaṅga), tử thức (cuti), kiểm tra (santīraṇa) và dư hưởng (tadārammaṇa). Phần hành ở đây không thể là tục sinh, tử thức, kiểm tra, dư hưởng nên chỉ có thể gọi là tiềm thức”.
Bởi vì chặng tâm này, chỉ làm môi giới trung hoà cảm thọ cho tiềm thức, nhưng không hẳn là tiềm thức, nên giáo trình này gọi là “tiềm thức ngoại vi” hay tiềm thức trung hoà.
Nên nhớ một số quy luật ở đây. Trước hết là, chúng sanh tục sinh bằng tâm nào thì tiềm thức là thức tâm đó. Luôn luôn như vậy, không có ngoại lệ. Khi nói về tiềm thức trung hoà hay tiềm thức ngoại vi, do hoạt thức là tâm sân thọ ưu nên không thể lập tức trở về tiềm thức thọ hỷ.
Một quy luật khác, sau tâm thọ ưu chỉ có thể là tâm thọ xả, không thể là tâm thọ hỷ, nên phải có thứ tâm trung hoà làm trái độn. Đây là lý do có thứ tâm “tiềm thức ngoại vi”.
Trong lúc, tâm dư hưởng luôn là tâm biết cùng một cảnh với tâm xử lý (nên HT Minh Châu dịch là “đồng sở duyên tâm”), thì tâm tiềm thức ngoại vi biết cảnh khác với tâm xử lý. Đó là cảnh trạng lại một ấn tượng mơ hồ từ kiếp trước (paricitapubbam), chứ không là cảnh của tiềm thức hay hiện tại. Nên nhớ, dù tiềm thức ngoại vi không biết cảnh giống tiềm thức thông thường, nhưng không thể gọi là hoạt thức, vì luôn luôn là cảnh trạng lại từ kiếp trước rất mơ hồ.
(Lưu ý: trong chánh văn quyển Thắng Pháp Tập Yếu, thì sau bài này lại là phần tóm lược “quy luật về tâm dư hưởng”, mà đúng ra phải tiếp theo bài học trước. Phần này nói về “tiềm thức ngoại vi”, xen vào giữa có thể tạo ngộ nhận đây là một phần của tâm dư hưởng. Thực tế thì rất khác biệt)./.