Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG || THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - Dẫn Nhập Về Cảnh Giới Sanh Tử Trong Chương Vīthimuttasangahavibhāga (Những Điều Nằm Ngoài Diễn Trình Tâm Thức)

Thứ bảy, 28/10/2023, 06:08 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 27.10.2023

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 70.  Dẫn Nhập Về Cảnh Giới Sanh Tử Trong Chương Vīthimuttasangahavibhāga (Những Điều Nằm Ngoài Diễn Trình Tâm Thức)

 

Đây là một chương mới, với tên gọi “nghe hơi lạ tai”. Trong giáo trình của Ngài Saddhamma Jotika và giáo trình của Ngài Tịnh Sự, thì chương này đề cập ba chủ đề: Người, cõi, và nghiệp.

Trong Thắng Pháp Tập Yếu của Ngài Anuruddha, thì phần nói về các hạng chúng sanh, đã được đề cập trong phần cuối của diễn trình tâm thức.

Có ba chữ Pāli, cần phân rõ ý nghĩa liên quan tới cảnh giới sanh tử là: avacara, bhūmi, và gati. Avacara thường được dịch là “giới” như dục giới, sắc giới, vô sắc giới (cũng như từ vựng “tam giới”). Bhūmi thường được dịch là cõi, nhưng là một từ nhiều nghĩa cần nắm vững ngữ cảnh. Gati thường được dịch là “thú” như thiện thú, ác thú; có khi cũng dịch là đạo như trong lục đạo.

Sự phân chia các cõi trong Phật học có nhiều cách khác nhau. Hai cảnh khổ vui gồm thiện thú (sugati), ác thú (duggati). Tam giới bao gồm dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Bốn giới vức (bhūmi) gồm khổ cảnh, lạc cảnh dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Năm sanh thú gồm địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, người, trời. Sáu nẻo hay lục đạo (gati) gồm địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, a tu la, nhân loại, chư thiên. Kinh Tạng Pāli nói nhiều về 5 sanh thú hơn là bảng liệt kê lục đạo, trong lúc Phật giáo Mật Tông và Đại Thừa thường nói về lục đạo. Thắng Pháp Pāli thường liệt kê theo 4 bhūmi.
 

Và một phần nói về “cõi nào có tâm nào”, “tâm nào có ở cõi nào” cũng là phần cuối của chương diễn trình tâm thức. Và những cảnh giới sanh tử cũng được nêu lại trong chương mới này. Do vậy, sẽ được gom chung trong chương mới.

Cảnh giới sanh tử, với 31 cõi, vốn tương đồng giữa Thắng Pháp Tạng và Kinh Tạng. Chính vì điểm này, do phân theo cõi nên Kinh Tạng chỉ nói bốn tầng thiền, trong khi Thắng Pháp Tạng nói về 5 tầng thiền.

Các cõi không nằm trong phân ranh của không gian, thí dụ mặt đất là nơi sinh sống của 5 hạng chúng sanh (địa tiên, người, bàng sanh, ngạ quỷ, a tu la). Trong lúc cõi vô sắc không thể phân theo trên dưới, trái phải trong khái niệm nhận thức của không gian, vì những cõi này không có vật chất.

Ý kiến bạn đọc