Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG || THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - Cảnh Giới Trổ Quả Của Nghiệp - Thiện Nghiệp Dục Giới.

Thứ bảy, 27/01/2024, 05:57 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 29.12.2023

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 78.  Cảnh Giới Trổ Quả Của Nghiệp - Thiện Nghiệp Dục Giới

Kāmāvacarakusalaṁ pi kāyadvāre pavattaṁ kāyakammaṁ,

vacīdvāre pavattaṁ vacīkammaṁ, manodvāre pavattaṁ manokammañ

cā ti kammadvāravasena tividhaṁ hoti.

Thiện nghiệp dục giới có ba theo nghiệp môn là: thân nghiệp từ thân môn; ngữ nghiệp từ khẩu môn; ý nghiệp từ ý môn.

Tathā dāna-sīla-bhāvanāvasena. Cittuppādavasena pan’etaṁ

aṭṭhavidhaṁ hoti.

Tương tự như vậy, gồm có ba là bố thí, trì giới và tu tâm. Nhưng nếu kể về phương diện tâm sanh thì có tám.

Dāna-sīla-bhāvanā-apacāyana-veyyāvacca-pattidāna-pattānu-modana-dhammasavana-dhammadesanā-diṭṭhijjukammavasena dasavidhaṁ hoti.

Cũng được tính có 10 là: bố thí, trì giới, tu tâm, cung kính, phục vụ, hồi hướng phước, tuỳ hỷ phước, thính pháp, thuyết pháp, huân tập chánh kiến.

Tam pan’etaṁ vīsatividham pi kāmāvacarakammam icc’eva

sankhaṁ gacchati.

Hai mươi nghiệp bất thiện và nghiệp thiện, được biết là nghiệp thuộc dục giới.

Chú Thích:

Thiện nghiệp dục giới là loại nghiệp tạo quả lành trong cõi dục giới. Đây là loại nghiệp mà nhân loại có thể cảm nhận rõ ràng, cụ thể, sâu sắc qua cuộc sống hằng ngày với những điều vừa lòng như ý. 

Thiện nghiệp dục giới cũng được liệt kê qua “thập thiện” với ba nghiệp môn: thân, ngữ, ý. Mặc dù thập thiện được liệt kê đối lập với thập ác với chữ “không”, như không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói chia rẽ, không nói độc ác, không nói phù phiếm, không tham ác, không sân ác, không tà kiến ác, nhưng phải hiểu là “phải có chất liệu tích cực” để có được thân hiền thiện, ngữ hiền thiện, ý hiền thiện. Một đứa trẻ sống ngây thơ không làm thập ác, không thể gọi là “bậc hiền trí do tam nghiệp hiền thiện”

Hai liệt kê: ba pháp (bố trí, trì giới và tu tâm) và mười pháp (bố thí, trì giới, tu tâm, cung kính, phục vụ, hồi hướng phước, tuỳ hỷ phước, thính pháp, thuyết pháp, huân tập chánh kiến) được gọi chính xác theo thuật ngữ Phật học là puññakiriyavatthu - nền tảng hay cơ sở tạo phước. Điều này có nghĩa là, đây là những nền tảng làm điều kiện căn bản cho thiện hạnh. Thí dụ, một người tụng một thời kinh Tam Bảo hằng ngày, có thể có cúng dường hương đăng hoa quả (bố thí), tụng đọc năm học pháp căn bản (trì giới), niệm tâm từ (tu tâm), đảnh lễ (cung kính), cầu an, cầu siêu (phục vụ), chia phước (hồi hướng), nói những lời sādhu (tuỳ hỷ phước), lắng nghe và trì tụng Phật ngôn (thính pháp và thuyết pháp), ôn nhắc về vô thường, khổ não, vô ngã (huân tập chánh kiến).

Nói chính xác thì tất cả thiện nghiệp hay bất thiện là liệt kê theo tâm sanh (cittuppāda). Tất cả nghiệp tạo nên bởi 12 tâm bất thiện là nghiệp bất thiện; tất cả nghiệp tạo nên bởi 8 tâm thiện dục giới tịnh hảo được gọi là nghiệp thiện dục giới. Do vậy nghiệp dục giới (gồm cả thiện và bất thiện) tổng cộng có 20.

Mặc dù thiện nghiệp dục giới trên phương diện tâm thuật, không cao bằng tâm thiện sắc giới, vô sắc giới, siêu thế. Nhưng được gọi là “tâm đại thiện” vì khả năng biết nhiều cảnh, hiện hữu trong nhiều cõi, làm nhiều việc, cho nhiều quả. Người tu tập rất cần hiểu rõ 8 tâm thiện dục giới tịnh hảo hay tâm đại thiện với nhiều chiều kích trong cuộc sống.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và chú thích

Ý kiến bạn đọc