Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG || THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - Bốn Sanh Thú (bhūmicatukka)

Thứ sáu, 10/11/2023, 19:50 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 27.10.2023

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 71. Bốn Sanh Thú (bhūmicatukka)

Tattha apāyabhūmi, kāmasugatibhūmi, rūpāvacarabhūmi,

arūpāvacarabhūmi cā ti catasso bhūmiyo nāma

Các cõi được chia thành bốn sanh thú (bhūmi):

  1. Sanh thú khổ (apāyabhūmi)
  2. Sanh thú lạc dục giới (kāmasugatibhūmi)
  3. Sanh thú sắc giới (rūpāvacarabhūmi)
  4. Sanh thú vô sắc giới (arūpāvacarabhūmi)

Chú thích: Chữ bhūmi mang hai nghĩa: Một là giới vức. Trong ý nghĩa này, thì tâm siêu thế cũng được gọi là bhūmi. Hai là cảnh giới phân loại của các cõi tử sanh, như trong cách nói lạc cảnh, khổ cảnh. Bản dịch này, dùng chữ “sanh thú” để tránh những lấn cấn trong cách nói.

Chúng sanh trong hai cảnh giới cao là các cõi trời dục giới và cõi sắc giới, có điểm đáng lưu ý là những cõi thấp thường có liên hệ tới nhân loại, như cõi Tứ thiên vương và Tam thập tam thiên trong các cõi trời dục giới. Và ba cõi sơ thiền trong sanh thú sắc giới.

Sanh thú khổ (apāyabhūmi) chắc chắn là thuộc dục giới nên không cần phải thêm chữ dục giới, trong lúc sanh thú lạc thì có cả ba dục giới, sắc giới, và vô sắc giới, nên có cụm từ “sanh thú vui dục giới”.

Sanh thú khổ (apāyabhūmi)

Tāsu nirayo, tiracchānayoni, pettivisayo, asurakāyo cā ti apāyabhūmi

catubbidhā hoti.

 

Có 4 cõi thuộc sanh thú khổ là:

  1. Địa ngục
  2. Bàng sanh
  3. Ngạ quỷ
  4. A tu la

Chú thích:

Địa ngục, theo nghĩa đen là cõi khổ dưới mặt đất, đó là cách gọi theo văn hoá Trung Hoa. Trong Phật Pháp, thì địa ngục là cảnh giới chỉ toàn khổ đau: tự thân khổ và bị hành hạ. Có những cảnh địa ngục mà “ánh sáng không bao giờ chiếu tới, ngoại trừ hào quang liên hệ tới chư Phật toàn giác”. Điều này có thể cho vài sự suy nghĩ khác hơn quan niệm thông thường.

Bàng sanh, là cách nói chúng sanh “đầu mình ngang nhau”, không đi thẳng đứng như nhân loại và chư thiên.

Ngạ quỷ, có nghĩa là “quỷ đói” theo nghĩa đói khát hạnh phúc, phước hạnh, nhưng không có nghĩa là “loài phi nhơn không ăn được”. Có những ngạ quỷ ăn những thứ dơ bẩn. Chữ peta ngoài ý nghĩa “ngạ quỷ”, còn có nghĩa là những thân nhân quá vãng (như cách gọi “hương linh” trong tiếng Việt).

A tu la hiểu nôm na là quỷ dữ. A tu la cũng chỉ cho những vị thiên không có thiện tâm, như những a tu la thiên chống đối thiên chủ Đế Thích. A tu la thiên không phải là chúng sanh thuộc ác đạo.

Sanh thú lạc dục giới (kāmasugatibhūmi)

Manussā, cātummahārājikā, tāvatiṁsā, yāmā, tusitā, nimmānarati,

paranammitavasavattī, cā ti kāmasugatibhūmi sattavidhā hoti.

 Sā pan’āyaṁ ekādasavidhāpi kāmāvacarabhūmicc’eva sankhaṁ

gacchati.

Có bảy cõi thuộc sanh thú lạc dục giới là:

  1. Nhân loại
  2. Tứ thiên vương
  3. Tam thập tam thiên (Đạo Lợi)
  4. Dạ ma
  5. Đâu suất
  6. Hoá lạc thiên
  7. Tha hoá tự tại

Chú thích:

Nhân loại là chữ dịch của manussa - nguyên nghĩa là chúng sanh có tâm thức tiến bộ - hay nói cách khác, con người là sinh vật khôn ngoan có khả năng cải thiện cuộc sống. Loài người có khả năng thành tựu quả vị tối thượng là Phật quả, mà cũng có thể tạo ác nghiệp như giết cha, giết mẹ. Mặc dù trong xã hội loài người có vui, có khổ nhưng Phật pháp gọi cõi người là thiện thú hay cõi vui.

Tứ thiên vương là cõi có bốn thiên vương toạ vị ở bốn phương hướng. Bốn thiên vương này, cai quản các chúng sanh, được hiểu như những “vị thần”. Thiên vương Đông Phương Dhataraṭṭha cai quản hội chúng gandhabba (càn thát bà) - những nhạc công của cõi trời. Thiên vương Nam Phương Virūḷhaka cai quản các địa tiên như thọ thần, lâm thần, sơn thần… Thiên vương Tây Phương Virūpakkha cai quản các long vương, quỷ thần. Thiên vương Bắc Phương Vessavaṇa cai quản các dạ xoa.

Tam thập tam thiên có nghĩa là “cảnh giới của ba mươi ba vị trời”, liên hệ tới cá nhân của vị đế thích hiện tại, khi còn là thanh niên Magha trong tiền kiếp, đã tạo phước cùng với 32 người bạn. Trước khi có 33 vị trời này thì chỉ gọi là “Đạo Lợi”.

Sanh thú sắc giới (rūpāvacarabhūmi)

Brahmapārisajjā, brahmapurohitā, mahābrahmā cā ti paṭhamajjhānabhūmi.

Parittābhā, appamāṇābhā, ābhassarā cā ti dutiyajjhānabhūmi.

Parittasubhā, appamāṇasubhā, subhakiṇhā cā ti tatiyajjhānabhūmi.

Vehapphalā, asaññasattā, suddhāvāsā cā ti catutthajjhānabhūmi ti

rūpāvacarabhūmi soḷasavidhā hoti.

Avihā, atappā, sudassā, sudassī, akaniṭṭhā cā ti suddhāvāsabhūmi

pañcavidhā hoti

Có 16 cõi thuộc sanh thú sắc giới:

  1. Ba cõi sơ thiền: a. Phạm chúng thiên; b. Phạm phụ thiên; c. Đại phạm thiên
  2. Ba cõi nhị thiền: a. Thiểu quang thiên; b. Vô lượng quang thiên; c. Quang âm thiên.
  3. Ba cõi tam thiền: a. Thiểu tịnh thiên; a. Vô lượng tịnh thiên; c. Biến tịnh thiên
  4. Bảy cõi tứ thiền: a. Quảng quả; b. Vô tưởng; c. (Ngũ) tịnh cư

Tịnh cư thiên gồm năm cõi: Vô phiền; vô nhiệt; thiện hiện, thiện kiến, sắc cứu cánh.

Sanh thú vô sắc giới (arūpāvacarabhūmi)

Ākāsānañcāyatanabhūmi, viññāṇañcāyatanabhūmi, ākiñcaññāyatanabhūmi, n’evasaññān’āsaññāyatanabhūmi cā ti arūpabhūmi

catubbidhā hoti

Có 4 cõi thuộc sanh thú vô sắc:

  1. Không vô biên xứ
  2. Thức vô biên xứ
  3. Vô sở hữu xứ
  4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Ý kiến bạn đọc