Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 87. Phân Loại Sắc Pháp (Rūpavibhāga)(tiếp theo)

Thứ sáu, 21/06/2024, 07:31 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 87. PHÂN LOẠI SẮC PHÁP (rūpavibhāga)

 

Sabbañ ca pan’etaṃ rūpaṃ ahetukaṃ, sappaccayaṃ, sāsavaṃ,

sankhataṃ, lokiyaṃ, kāmāvacaraṃ, anārammaṇaṃ, appahātabbam

evā ti ekavidham pi ajjhattikabāhirādivasena bahudhā bhedaṃ

gacchati.

 

Tất cả sắc pháp là vô nhân, hữu duyên, hữu lậu, hữu vi, hiệp thế, dục giới, vô tri, bất ưng trừ. Như vậy gọi sắc chỉ có một. Cũng có thể phân thành nhiều loại như nội sắc, ngoại sắc …v.v…

 

Chú thích

Đây là một trong hai phân đoạn về sự phân loại sắc pháp (rūpavibhāga). Điều thú vị của phần này thật ra không phải là phân loại, mà nói về đặc tính chung của tổng thể sắc pháp. Những đặc tính chung này khẳng định cái nhìn về vật chất theo Phật Pháp và từ đó tạo nên cái nhìn về vật chất theo Phật Pháp, hoàn toàn khác biệt với hầu hết cái nhìn của người đời.

Sắc pháp chỉ có một (ekavidham) có nghĩa là mang chung đặc tính không có ngoại lệ. Tất cả sắc đều cùng có những đặc tính được nêu ra. (nên lưu ý là những từ ngữ về các đặc tính, sau đây là thuật ngữ nên hiểu theo cách dùng chuyên môn của Thắng Pháp)

Vô nhân – ahetuka – hay không có 6 căn cội là tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si. Chính vì vậy không mang yếu tố thiện ác. Điều này rất khác với quan niệm y khoa ngày nay, khi nói về một số tính tình tốt xấu là do cơ thể có tế bào DNA nào đó.

Hữu duyên – sappacaya – cũng giống như tâm thức, vật chất được kết cấu do duyên. Không có vật chất nào hoàn toàn độc lập mà không tuỳ thuộc ở duyên trợ. Chính vì vậy theo Thắng Pháp và Phật Pháp nói chung, thì không bao giờ có một cõi nào tồn tại mà không bị chi phối bởi duyên sanh, duyên diệt.

Hữu lậu – sāsava – là đối tượng của lậu hoặc tức là thứ phiền não dẫn vào cuộc tử sinh. Thế giới vật chất, nói một cách tuyệt đối, thì không có chỗ đứng trong con đường giác ngộ giải thoát.

Hữu vi – saṇkhata – là pháp được kết cấu bởi nhiều điều kiện. Điều này phải được hiểu là sự sanh khởi, tồn tại, hoại diệt của vật chất là do nhân duyên tụ tán, không quyết định bởi yếu tố duy nhất dù là thượng đế.

Hiệp thế - lokiya – là pháp thuộc thế gian. Vật chất không bao giờ là một phần của cứu cánh giải thoát. Điều này có thể hiểu như sự khẳng định trong kinh điển chữ Hán: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”.

Dục giới – kāmāvacara – có nghĩa là dù ở cõi nào, dục giới hay sắc giới, thì vật chất cũng thuộc về đối tượng của dục ái, thuộc dục trưởng dưỡng.

Vô tri hay vô cảnh – anārammaṇa – nghĩa là vật chất không thể có thức tri như tâm. Đây là sự khác biệt đối lập giữa danh và sắc. Cái biết của trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) ngày nay, không thể xem là cái biết của tâm thức mà chỉ là sản phẩm chế tác thuần vật lý.

Bất ứng trừ - appahātabba – hay vô sở đoạn có nghĩa là vật chất không phải là đối tượng để đoạn trừ đối với người tu tập. Tu có nghĩa là tu tâm. Phiền não kiết sử ở nơi tâm chứ không phải ở vật chất. Tam tạng Pāli không bao giờ nói về sự chuyển luân xa (cakra) để thanh lọc phiền não. Những gì liên hệ tới vật chất trong hành trì tu tập đơn thuần ở tác động hay phó sản (by-product), chứ không là đối tượng chính yếu.

Kathaṃ?

Pasādasankhātaṃ pañcavidham pi ajjhattikarūpaṃ nāma; itaraṃ bāhirarūpaṃ.

Pasāda-hadayasankhātaṃ chabbidham pi vatthurūpaṃ nāma; itaraṃ avatthurūpaṃ.

Pasāda-viññattisankhātaṃ sattavidham pi dvārarūpaṃ nāma; itaraṃ advārarūpaṃ.

Pasāda-bhāva-jīvitasankhātaṃ aṭṭhavidham pi indriyarūpaṃ nāma; itaraṃ anindriyarūpaṃ.

(Phân chia nhiều loại) là thế nào?

Năm sắc thần kinh thuộc nội sắc; tất cả sắc còn lại thuộc ngoại sắc.

Sáu sắc pháp gồm 5 sắc thần kinh và sắc ý vật thuộc căn sắc; tất cả sắc pháp còn lại là phi căn sắc.

Bảy thứ sắc pháp gồm 5 sắc thần kinh và hai sắc biểu tri thuộc môn sắc; những sắc còn lại là phi môn sắc.

Tám thứ sắc pháp gồm 5 sắc thần kinh, 2 sắc giới tính, sắc sinh lực thuộc quyền sắc; những sắc còn lại là phi quyền sắc.

 

Pasāda-visayasankhātaṃ dvādasavidham pi oḷārikarūpaṃ, santike

rūpaṃ, sappaṭigharūpañ ca; itaraṃ sukhumarūpaṃ, dūre rūpaṃ,

appaṭigharūpañ ca.

Kammajaṃ upādinnarūpaṃ; itaraṃ anupādinnarūpaṃ.

Rūpāyatanaṃ sanidassanarūpaṃ; itaraṃ anidassanarūpaṃ.

Mười hai sắc pháp gồm 5 sắc thần kinh và 7 sắc cảnh (sắc, thinh, khí, vị, đất, lửa, gió) được gọi là thô sắc, cận sắc, đối sắc; những sắc còn lại là tế sắc, viễn sắc, phi đối sắc.

Sắc do nghiệp sanh gọi là thủ sắc; những sắc còn lại là phi thủ sắc.

Sắc cảnh sắc là hữu kiến sắc; những sắc còn lại là phi hữu kiến sắc

Cakkhādidvayaṃ asampattavasena, ghānādittayaṃ sampatta

vasenā ti pañcavidham pi gocaraggāhikarūpaṃ; itaraṃ agocaraggāhika

rūpaṃ. Vaṇṇo, gandho, raso, ojā, bhūtacatukkañ cā ti aṭṭhavidham pi

avinibbhogarūpaṃ; itaraṃ vinibbhogarūpaṃ.

Mắt và tai không chạm vật thể trong lúc mũi, lưỡi, thân chạm vật thể. Năm sắc (thần kinh này) là hữu cảnh sắc; những sắc còn lại là vô cảnh sắc.

Màu, mùi, vị, dưỡng tố và tứ đại là tám sắc bất ly; những sắc còn là khả ly sắc.

Chú Thích

Nội sắc và ngoại sắc ở đây không phải là trong hay ngoài theo ý nghĩa không gian mà là ý nghĩa chủ thể, khách thể theo tâm cảnh. Năm sắc thần kinh gọi là nội sắc vì thuộc về chủ thể. Những sắc khác có thể nằm trong thân nhưng vẫn gọi là ngoại sắc.

Căn sắc (vatthu), ngài Tịnh Sự dịch là “vật” là chỗ nương của tâm và các thuộc tánh. Tâm của chúng sanh cõi vô sắc không nương căn (vật).

Môn sắc (dvāra) là kênh sanh khởi của tâm. Môn khác căn (vật) ở điểm như nhãn căn (hay nhãn vật) chỉ có tâm nhãn thức nương, nhưng nhãn môn là kênh có nhiều tâm sanh khởi liên hệ tới thị giác. Tiềm thức (bhavaṅga) không sanh qua môn sắc.

Quyền sắc (indriya) là sắc có khả tính chi phối những sắc pháp đồng sanh. Năm sắc thần kinh, 2 sắc giới tính và sắc sinh lực được xem là có lực ảnh hưởng đến những vật chất liên hệ.

Thô sắc, cận sắc, đối sắc là những thuật ngữ để nói theo chuyên môn, giống như trong ngành vật lý có những vật chất có thể đo đạt bằng dụng cụ (instrument), còn những thứ khác chỉ có thể biết qua lý thuyết.

Thủ sắc (upādinna) là sắc tạo nên bởi nghiệp vốn do tác động bởi ái (taṇhā) và tà kiến (diṭṭhi). Sắc do nghiệp tạo gồm 9 pháp cố định là 5 sắc thần kinh, 2 sắc giới tính, sắc ý vật, sắc sinh lực; 9 sắc nghiệp bất định là 4 sắc đại chủng, màu, mùi, vị, dưỡng tố, chân không. Những sắc pháp khác không do nghiệp tạo.

Hữu kiến sắc (Sanidassanarūpa) là vật chất có thể nhận biết bằng thị giác.

Tiếp cận sắc (Sampattagāhikarūpa) là sắc phải tiếp xúc với cảnh ở khoảng cách gần mới nhận biết như mũi, lưỡi, thân. Trong lúc mắt và tai thì có thể thấy và nghe từ xa.

Hữu cảnh sắc (Gocaraggāhika-rūpa) là sắc có đối tượng nhận biết. Ở đây chỉ cho năm sắc thần kinh.

Bất ly sắc (Avinibbhoga) là những vật chất luôn có mặt không thể không có. gồm tứ đại, màu, mùi, vị, dưỡng tố. Tất nhiên tuỳ vào giác quan của mỗi loài hay phương tiện nhận biết. Thí dụ có những màu sắc của vi khuẩn chỉ có thể thấy qua kính hiển vi.

 Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Ý kiến bạn đọc