Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 87. Phân Loại Sắc Pháp (Rūpavibhāga)

Chủ nhật, 16/06/2024, 14:38 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 87. PHÂN LOẠI SẮC PHÁP (rūpavibhāga)

 

Sabbañ ca pan’etaṃ rūpaṃ ahetukaṃ, sappaccayaṃ, sāsavaṃ,

sankhataṃ, lokiyaṃ, kāmāvacaraṃ, anārammaṇaṃ, appahātabbam

evā ti ekavidham pi ajjhattikabāhirādivasena bahudhā bhedaṃ

gacchati.

 

Tất cả sắc pháp là vô nhân, hữu duyên, hữu lậu, hữu vi, hiệp thế, dục giới, vô tri, bất ưng trừ. Như vậy gọi sắc chỉ có một. Cũng có thể phân thành nhiều loại như nội sắc, ngoại sắc …v.v…

 

Chú thích

Đây là một trong hai phân đoạn về sự phân loại sắc pháp (rūpavibhāga). Điều thú vị của phần này thật ra không phải là phân loại, mà nói về đặc tính chung của tổng thể sắc pháp. Những đặc tính chung này khẳng định cái nhìn về vật chất theo Phật Pháp và từ đó tạo nên cái nhìn về vật chất theo Phật Pháp, hoàn toàn khác biệt với hầu hết cái nhìn của người đời.

Sắc pháp chỉ có một (ekavidham) có nghĩa là mang chung đặc tính không có ngoại lệ. Tất cả sắc đều cùng có những đặc tính được nêu ra. (nên lưu ý là những từ ngữ về các đặc tính, sau đây là thuật ngữ nên hiểu theo cách dùng chuyên môn của Thắng Pháp)

Vô nhân – ahetuka – hay không có 6 căn cội là tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si. Chính vì vậy không mang yếu tố thiện ác. Điều này rất khác với quan niệm y khoa ngày nay, khi nói về một số tính tình tốt xấu là do cơ thể có tế bào DNA nào đó.

Hữu duyên – sappacaya – cũng giống như tâm thức, vật chất được kết cấu do duyên. Không có vật chất nào hoàn toàn độc lập mà không tuỳ thuộc ở duyên trợ. Chính vì vậy theo Thắng Pháp và Phật Pháp nói chung, thì không bao giờ có một cõi nào tồn tại mà không bị chi phối bởi duyên sanh, duyên diệt.

Hữu lậu – sāsava – là đối tượng của lậu hoặc tức là thứ phiền não dẫn vào cuộc tử sinh. Thế giới vật chất, nói một cách tuyệt đối, thì không có chỗ đứng trong con đường giác ngộ giải thoát.

Hữu vi – saṇkhata – là pháp được kết cấu bởi nhiều điều kiện. Điều này phải được hiểu là sự sanh khởi, tồn tại, hoại diệt của vật chất là do nhân duyên tụ tán, không quyết định bởi yếu tố duy nhất dù là thượng đế.

Hiệp thế - lokiya – là pháp thuộc thế gian. Vật chất không bao giờ là một phần của cứu cánh giải thoát. Điều này có thể hiểu như sự khẳng định trong kinh điển chữ Hán: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”.

Dục giới – kāmāvacara – có nghĩa là dù ở cõi nào, dục giới hay sắc giới, thì vật chất cũng thuộc về đối tượng của dục ái, thuộc dục trưởng dưỡng.

Vô tri hay vô cảnh – anārammaṇa – nghĩa là vật chất không thể có thức tri như tâm. Đây là sự khác biệt đối lập giữa danh và sắc. Cái biết của trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) ngày nay, không thể xem là cái biết của tâm thức mà chỉ là sản phẩm chế tác thuần vật lý.

Bất ứng trừ - appahātabba – hay vô sở đoạn có nghĩa là vật chất không phải là đối tượng để đoạn trừ đối với người tu tập. Tu có nghĩa là tu tâm. Phiền não kiết sử ở nơi tâm chứ không phải ở vật chất. Tam tạng Pāli không bao giờ nói về sự chuyển luân xa (cakra) để thanh lọc phiền não. Những gì liên hệ tới vật chất trong hành trì tu tập đơn thuần ở tác động hay phó sản (by-product), chứ không là đối tượng chính yếu.

(còn tiếp)

 Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Ý kiến bạn đọc