Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 85. Yếu Lược Sắc Pháp (Rūpasangahavibhāga)

Thứ hai, 22/04/2024, 13:56 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 19.4.2024

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 85.  YẾU LƯỢC SẮC PHÁP (Rūpasangahavibhāga)

 

Ettāvatā vibhattā hi sappabhedappavattikā Cittacetasikā dhammā rūpaṁ dāni pavuccati. Samuddesā vibhāgā ca samuṭṭhānā kalāpato Pavattikkamato cā ti pañcadhā tattha sangaho.

Cho đến nay, đã phân tích về (danh pháp) tâm và các thuộc tánh. Bây giờ nói về sắc pháp.

Yếu lược về sắc pháp có 5 phần: Liệt kê, phân loại, nhân sanh khởi, phân nhóm và những hình thái diễn tiến.

Chú thích

 

Năm chương đầu của Thắng Pháp Tập Yếu nói về tâm, thuộc tánh của tâm, diễn trình tâm thức, cảnh giới sanh tử và nhân quả nghiệp báo. Chương 6 nói về sắc pháp, quyển Thắng Pháp Tập Yếu còn có thêm  chương nói về duyên sinh, duyên hệ và con đường tu tập. (Đề tài “Yếu Lược Sắc Pháp” là tên của chương thứ 6 trong quyển Thắng Pháp Tập Yếu, chứ không phải là chủ đề của bài học này. Chánh văn bài học này chỉ là lời khai đề).

Chương này, chương thứ 6, nói về sắc pháp và trong phần cuối của chương thì có đoạn ngắn yếu lược về pháp chân đế thứ tư là niết bàn.

Chữ “rūpa” - thường được dịch là sắc hay sắc pháp - được hiểu đại lược qua ngôn ngữ thường dùng là vật chất hay cái gì đối lại với tâm thức.

Mặc dù là một thuật ngữ khá quen thuộc trong Phật học, nhưng cũng dễ làm bối rối vì chữ “rūpa” có nghĩa là vật chất như trong vật lý, cảnh sắc tức đối tượng của thị giác, vật thể như tượng Phật … Trong Phạm ngữ và Hán ngữ, thì cả hai chữ “rūpa” hay sắc đều cần được hiểu cẩn thận theo ngữ cảnh.

Trong Phạm ngữ Pāḷi, thuật ngữ “rūpa” bắt nguồn từ động từ “ruppati” có nghĩa là bị biến thể, bị quấy động, bị đập đổ, bị áp đảo, bị vụn vỡ (Mahāniddesa:  ruppati, kuppati, ghaṭṭīyati, pīḷīyati, bhijjati). Các nhà làm Sớ giải thì chú thích rằng, sở dĩ mang ý như vậy vì vật chất có đặc tính bị biến thể, do nhiều điều kiện chi phối như nhiệt độ nóng lạnh, dưỡng tố thiếu đủ … Điều này cũng thuận theo Phật ngôn trong Tương Ưng Bộ III, 86: “Này chư Tỳ khưu, tại sao gọi là sắc? Vì chúng bị biến thể theo nóng, lạnh, đói, khát, côn trùng, gió, nắng …”

Sắc Pháp trong Phật học thường là đề tài song đôi với danh pháp hay tâm pháp. Danh sắc được hiểu nôm na là thân tâm. Danh là tâm, sắc là thân. Sắc pháp trong Thắng Pháp “Abhidhamma” chú trọng về hiện tượng vật chất chung quanh sự hiện hữu của một chúng sanh, hơn là thuần vật lý như môn vật lý ngày nay. Hai lãnh vực trong vật lý ngày nay gần như không được nói tới, nhưng lại rất quen thuộc trong sắc pháp của Thắng Pháp, là vai trò của tâm và nghiệp lực.

Cũng như tâm pháp, khi nói về sắc pháp trong Tam Tạng Pāḷi, thì khái niệm về đơn vị cực vi tức sát na được xem là trọng điểm. Mặc dù trong sắc pháp cũng nói về “diễn trình sắc pháp” (hay lộ sắc), nhưng không được xem là tương đương với diễn trình tâm, vì tâm thức luôn luôn chỉ có một dòng sinh diệt tiếp nối (không thể hai sát na đồng sanh, đồng diệt ở mỗi chúng sanh), nhưng điều này đối với vật chất hoàn toàn khác biệt.

Trong cách dùng từ ngữ đối với thế giới vật chất, Phạm ngữ tương đối giới hạn so với môn vật lý ngày nay, vì thời Phật trụ thế, nhân loại có rất ít từ ngữ về môn này so với hiện nay. Thí dụ, như bốn thuật ngữ đất, nước, lửa, gió được dùng trong rất nhiều ngữ cảnh sai biệt như thể rắn, thể lỏng, nhiệt lượng, thể khí ... không nên ngạc nhiên vì cách sử dụng “tạm mượn mà xài” này. Hay như chữ “paramānu” có thể hiểu là nguyên tử, trong ngôn ngữ đương đại là “đơn vị vật chất nhỏ nhất không thể chia chẻ hơn nữa”.

Dù danh pháp hay sắc pháp theo Thắng Pháp, hay nói chung là theo Phật học, do duyên mà sanh nên duyên diệt thì diệt. Ý nghĩa này làm nền tảng của nhận thức trong hành trình tu tập.

Năm phần: liệt kê, phân loại, nhân sanh khởi, phân nhóm và những hình thái diễn tiến trong phần sắc pháp cũng cho thấy cách luận giải và trình bày rất khác so với tâm pháp.

 

 Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Ý kiến bạn đọc