Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 84. Hiện Tượng Tử Sanh (Catupaṭisandhikama)(tiếp theo)

Thứ bảy, 13/04/2024, 05:53 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 12.4.2024

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 84. Hiện Tượng Tử Sanh (Catupaṭisandhikama)

 

DÒNG TÂM THỨC KẾT NỐI TỬ SANH

Paccāsannamaraṇassa tassa vīthicittāvasāne bhavangakkhaye vā cavanavasena paccuppannabhavapariyosānabhūtaṁ cuticittam uppajjitvā nirujjhati. Tasmiṁ niruddhāvasāne tass’ānantaram eva tathāgahitaṁ ālambanam ārabbha savatthukaṁ avatthukam eva vā yathārahaṁ avijjānusayaparikkhittena taṇhānusayamūlakena sankhārena janīyamānaṁ sampayuttehi pariggayhamānaṁ sahajātānam adhiṭṭhāna bhāvena pubbangamabhūtaṁ bhavantarapaṭisandhānavasena paṭisandhi sankhātaṁ mānasaṁ uppajjamānam eva patiṭṭhāti bhavantare.

 

Với một người trong giờ phút lâm chung, giây phút cuối hay kết thúc tiềm thức (hộ kiếp) thì tử thức sanh rồi diệt. Sau khi tử thức diệt, kiết sanh thức sanh khởi dù có sắc ý vật hay không có.

Ngay sau tử thức, kiết sanh thức sanh khởi trong kiếp sống tái tục. Kiết sanh thức tạo nên do nghiệp với sự tác động của vô minh tiềm miên và ái tiềm miên.

Kiết sanh thức được gọi như vậy vì là vai trò nối liền hai kiếp sống cùng với những thuộc tánh. (Kiết sanh thức) đóng vai trò tiên phong dẫn đạo đối với những gì xảy ra (trong kiếp sống kế tiếp).

Chú thích

Theo Tam Tạng Pāli thì ngay sau tâm tử, kiết sanh thức lập tức sanh khởi không có khoảng thời gian xen kẻ chờ đợi, như thời gian tồn tại đi tìm cảnh giới tái sanh của thân trung ấm theo Phật giáo Đại thừa.

Tất cả sự tái sanh trong tam giới đều có sự chi phối của vô minh và ái dục tiềm miên. Không còn vô minh và ái thì chấm dứt sanh tử.

Kiết sanh thức đóng vai trò tiên phong khởi đầu kiếp sống, định đặt cho chủng loại và những nền tảng căn bản cho kiếp sống mới. Kiết sanh thức không quyết định hoàn toàn hoạt thức, nhưng có những ảnh hưởng nhất định, thí dụ người sanh bằng tâm vô nhân hay nhị nhân, thì không bao giờ chứng thiền hay đạo quả.

Sắc ý vật là chỗ nương của ý, tuy vậy không phải lúc nào cũng phải có. Chúng sanh cõi vô sắc không có sắc ý vật.

Maraṇāsannavīthiyaṁ pan’ettha mandappavattāni pañc’eva javanāni pāṭikankhitabbāni. Tasmā yadā paccuppannālambanesu āpātham āgatesu dharantesv’eva maraṇaṁ hoti, tadā paṭisandhibhavangānam pi paccuppannālambanatā labbhatī ti katvā kāmāvacarapaṭisandhiyā chadvāragahitaṁ kammanimittaṁ gatinimittañ ca paccuppannam atītam ālambanaṁ upalabbhati. Kammaṁ pana atītam eva, tañ ca manodvāragahitaṁ. Tāni pana sabbāni pi parittadhammabhūtān’ev’ālambanāni.

 

Ở đây, trong diễn trình tâm cận tử, chỉ có 5 tâm xử lý (javana) yếu ớt sanh khởi. Do vậy, khi cái chết xảy ra thì cảnh của tâm là cảnh hiện tại. Cảnh của tâm tái sanh (kiết sanh thức) và những tiềm thức tiếp nối ngay sau đó có chung đối tượng cũng là cảnh hiện tại.

Khi tái sanh vào cõi dục giới, cảnh là nghiệp tướng đã qua hay hiện tướng của cảnh giới tái sanh (thú tướng), sáu căn môn thì cảnh có thể là hiện tại hay quá khứ. Nhưng nếu cảnh là hạnh nghiệp thì luôn là quá khứ và chỉ qua ý môn. Tất cả cảnh của tâm thức (tái sanh cõi dục giới) được xem là cảnh hy thiểu (giới hạn nhỏ bé).

Chú thích

Cảnh của tâm cận tử có thể tiếp tục trở thành cảnh của kiết sanh thức và tiềm thức ở kiếp sống kế tiếp.

Trong ba cảnh của diễn trình hoạt thức cận tử là: hạnh nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng, thì hạnh nghiệp thuộc cảnh quá khứ chỉ có thể cảm nhận qua ý môn, như một người sắp lâm chung nhớ nghĩ nghiệp đã làm.

Nghiệp tướng và thú tướng có thể là cảnh quá khứ hay hiện tại và có thể biết qua cả sáu môn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt…), như một người lúc lâm chung thấy màu vàng liên tưởng tới y ca sa từng cúng dường.

(Có sự bất đồng ý kiến của Ngài Ledi Sayadaw đối với đoạn này được Ngài Anuruddha viết. Theo Ngài Ledi Sayadaw, thì hiện tướng về cảnh giới tái sanh (Hán dịch là thú tướng) như cảnh xe trời tới rước hoặc lửa hừng địa ngục, chỉ là sự chiêu cảm của tâm qua ý môn, chứ không phải là cảnh thật được nhận biết bởi thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác).

Rūpāvacarapaṭisandhiyā pana paññattibhūtaṁ kammanimittam ev’ālambanaṁ hoti. Tathā āruppapaṭisandhiyā ca mahaggatabhūtaṁ paññattibhūtañ ca kammanimittam eva yathārahaṁ ālambanaṁ hoti.

Asaññasattānaṁ pana jīvitanavakam eva paṭisandhibhāvena patiṭṭhāti. Tasmā te rūpapaṭisandhikā nāma. Arūpā arūpapaṭisandhikā. Sesā rūpārūpapaṭisandhikā.

 

 Khi tái sanh vào cõi sắc giới, cảnh luôn thuộc về nghiệp tướng và chỉ là khái niệm thi thiết. Khi tái sanh vào cõi vô sắc giới, đối tượng nghiệp tướng thuộc cảnh đại hành (đáo đại) và mang khái niệm tuỳ theo mỗi trường hợp riêng.

Đời sống của những chúng sanh cõi vô tưởng, khởi đầu với nhóm sắc mạng quyền. Những chúng sanh này thuần sanh sắc pháp, trong lúc chúng sanh vô sắc thuần danh pháp. Tất cả chúng sanh còn lại gồm cả hai sắc và vô sắc.

Chú thích

Cảnh của tâm cận tử ở chúng sanh tái sanh vào cõi sắc giới luôn là thiền cảnh và thuộc về hạnh nghiệp chứ không bao giờ là nghiệp tướng hay thú tướng.

Chúng sanh tái sanh vào cõi vô sắc với thiền cảnh tương hợp với tầng thiền cao nhất như không vô biên, thức vô biên … cũng là thuộc cảnh của hạnh nghiệp.

Chúng sanh tái sanh vào cõi vô tưởng không có kiết sanh thức mà chỉ có nhóm sắc mạng quyền (gồm 9 sắc pháp).

Āruppacutiyā honti heṭṭhimāruppavajjitā

Paramāruppasandhī ca tathā kāme tihetukā.

Rūpāvacaracutiyā aheturahitā siyuṁ

Sabbā kāmatihetumhā kāmesv’eva pan’etarā.

 

Khi một chúng sanh ở cõi vô sắc mệnh chung, chỉ có thể sanh vào cõi vô sắc cao hơn hoặc sanh làm người tam nhân ở cõi dục giới.

Khi một chúng sanh cõi sắc giới mệnh chung, không bao giờ tái sanh làm người vô nhân.

Người tam nhân trong cõi dục giới sau khi mệnh chung, có thể sanh bất cứ cảnh giới nào.

Còn lại, (người nhị nhân và vô nhân) chỉ tái sanh trong cõi dục giới.

Chú thích

Do đặc tính chứng đắc tuần tự bỏ cái trước mới chứng cái sau, nên chúng sanh ở cõi vô sắc sau khi chết chỉ tái sanh theo hai cách:

Một là sanh vào cõi cao hơn như từ cõi thức vô biên xứ sanh lên cõi vô sở hữu xứ … chứ không bao giờ sanh vào cõi thiền thấp hơn.

Hai là sanh là người tam nhân trong cõi dục giới, có nghĩa là không bao giờ sanh làm chúng sanh thiếu phước trong cõi dục giới.

Chúng sanh cõi sắc giới sau khi chết, không bao giờ sanh vào bốn cõi khổ (địa ngục, ngạ quỹ…).

Người tam nhân trong cõi dục giới có thể sanh lại bất cứ cõi nào trong tam giới.

Người nhị nhân và vô nhân chỉ có thể tái sanh trong cõi dục, vì hai hạng người này không bao giờ chứng thiền định.

Icc’evaṁ gahitapaṭisandhikānaṁ pana paṭisandhinirodhā nantarato pabhuti tam ev’ālambanam ārabbha tad eva cittaṁ yāva cuticittuppādā asati vīthicittuppāde bhavass’angabhāvena bhavangasantatisankhātaṁ mānasaṁ abbocchinnaṁ nadīsoto viya pavattati. Pariyosāne ca cavanavasena cuticittaṁ hutvā nirujjhati. Tato parañca paṭisandhādayo rathacakkam iva yathākkamaṁ eva parivattantā pavattanti.

 

Với những ai còn tái sanh, sau khi kiết sanh thức sanh khởi, ngay lập tức tiếp nối là dòng tâm thức có cùng một cảnh tiếp tục hiện khởi, như một dòng sông. Loại tâm này là tiềm thức (hay hộ kiếp hoặc hữu phần), là nền tảng hiện hữu của kiếp sống. Tâm tiềm thức chỉ gián đoạn bởi những diễn trình hoạt thức, rồi tiếp tục tái hiện tiếp nối. Đến giây phút cuối cùng, tiềm thức trở thành tử thức. Rồi (kiếp sống khác) tiếp tục với kiết sanh thức và những tâm khác như vòng quay của bánh xe.

Chú thích

Ở đây, không có chú thích về sự khác biệt lớn về sự tử sanh của các bậc thánh còn luân hồi, như các bậc thất lai, nhất lai và bất lai.

Chư vị thánh còn luân hồi, luôn luôn tái sanh bằng kiết sanh thức tam nhân và không bao giờ tái sanh vào cõi thấp hơn.

Do nghiệp lực, nên vòng quay tử sinh luôn luôn đi tới rất khó ngưng lại, trừ khi đoạn tận vô minh và ái dục.

Trừ một số ít chúng sanh đại phước, đối với đa số còn lại, sự tái sanh là “bước đi vô định”. Số chúng sanh tái sanh vào cõi vui ít hơn vào cõi khổ, vì ít chúng sanh mệnh chung với tâm thanh thản, tự tại.

Paṭisandhibhavangavīthiyo

Cuti c’eha tathā bhavantare

Puna sandhibhavangam icc’ayaṁ

Parivattati cittasantati.

Paṭisankhāya pan’etam addhuvaṁ

Adhigantvā padam accutaṁ budhā

Susamucchinnasinehabandhanā

Samam essanti cirāya subbatā.

 

Ở đây và lần nữa

Kiết sanh thức, tiềm thức,

hoạt thức, rồi tử thức

Lần nữa và lần nữa

Dòng tâm thức cuộn chảy

Người trí ngộ vô thường

Tự bản thân điều phục

Cắt đoạn mọi kiết sử

Và ái chấp triền phược

Chứng đạt quả bất tử.

 Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Ý kiến bạn đọc