Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 84. HIỆN TƯỢNG TỬ SANH (catupaṭisandhikama)

Thứ bảy, 23/03/2024, 06:27 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 22.3.2024

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 84. HIỆN TƯỢNG TỬ SANH (catupaṭisandhikama)

 

NGUYÊN NHÂN MẠNG CHUNG

Āyukkhayena, kammakkhayena, ubhayakkhayena, upacchedaka kammunā cā ti catudhā maraṇ’uppatti nāma.

Có bốn nguyên nhân của mạng chung là: hết tuổi thọ, hết nghiệp lực, hoặc cả hai, hay có sự can thiệp của đoạn nghiệp.

CHÚ THÍCH

Tuổi thọ là tính thọ mạng trung bình của sanh loại. Thí dụ nhân loại sống trên dưới 80 tuổi mà một người mệnh chung vào tuổi đó được xem là hết tuổi thọ.

Hết nghiệp lực có nghĩa là do sức mạnh trì nghiệp không còn. Thí dụ một người có phước sanh làm vua, nhưng khi phước không còn thì băng hà mặc dù còn trẻ.

Cả hai thọ mạng của sanh loại và nghiệp lực cũng có thể đồng thời xảy ra.

Sự can thiệp của đoạn nghiệp, là mãnh lực của nghiệp chi phối mặc dù tuổi thọ tự nhiên vẫn chưa mãn phần. Thí dụ, như một số các thiên nhân hoá sanh, dù thọ mạng còn, nhưng do tạo nghiệp lành gì đó có năng lực mạnh, thì mệnh chung sanh vào cõi cao hơn. Ác nghiệp cũng có năng lực đoạn nghiệp. Sự chi phối này được thí dụ như ngọn đèn tắt do gió thổi thay vì hết dầu hay lụn tim.

3 nguyên nhân đầu được hiểu là chết theo hạn kỳ. Nguyên nhân thứ tư được xem là “bất đắc kỳ tử”.

 

HIỆN TƯỚNG LÚC LÂM CHUNG

Tathā ca marantānaṃ pana maraṇakāle yathārahaṃ abhimukhī bhūtaṃ bhavantare paṭisandhijanakaṃ kammaṃ vā taṃkammakaraṇakāle rūpādikam upaladdhapubbam upakaraṇabhūtañ ca kammanimittaṃ vā anantaram uppajjamānabhave upalabhitabbaṃ upabhogabhūtañ ca gatinimittaṃ vā kammabalena channaṃ dvārānaṃ aññatarasmiṃ paccupaṭṭhāti.

Đối với người lâm chung, những hiện tướng sau đây xảy ra do nghiệp lực:

  1. Hạnh nghiệp tức là sở hành tạo quả tái sanh đời kế tiếp tuỳ theo trường hợp.
  2. Nghiệp tướng như một hình ảnh, vật thể có liên quan tới nghiệp đã tạo.
  3. Dấu hiệu của cảnh giới tái sanh, tức là những gì sẽ xảy đến và kinh qua sau khi tái sanh.

CHÚ THÍCH

Tất cả chúng sanh còn luân hồi, khi mạng chung thì diễn trình tâm thức sau cùng đều chiêu cảm một trong ba hiện tướng (nimitta):

  1. Sở hành hay những tạo tác như hành động bố thí, sát sanh … đã tạo.
  2. Những dấu ấn liên quan tới những gì đã tạo, như đồ tể thấy con dao, người làm ruộng thấy nông cụ …
  3. Hình ảnh dự báo về cảnh giới sắp tái sanh như lâu đài thiên cung hay lửa địa ngục …

Nên nhớ, cả ba đều là sự chiêu cảm của nghiệp lực dẫn dắt đi tái sanh. Hai hiện tướng đầu là sự trạng lại của nghiệp đã tạo lúc bình sinh; hiện tướng thứ ba là một thứ linh cảm về cõi sắp sanh vào do nghiệp tạo.

Theo Sớ Giải, thì hạnh nghiệp trạng lại thuần thuộc cảnh pháp của ý căn. Trong lúc nghiệp tướng hay những chỉ dấu liên hệ tới nghiệp có thể qua sáu căn (thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, ý tưởng). Riêng hình ảnh dự báo cảnh giới tái sanh (cũng gọi là thú tướng hay dấu hiệu của sanh thú) thì xảy ra như mộng triệu (chiêm bao).

 

TRẠNG THÁI TÂM CẬN TỬ

Tato paraṃ tam eva tath’opaṭṭhitaṃ ālambanaṃ ārabbha vipaccamānakakammānurūpaṃ parisuddham upakkiliṭṭhaṃ vā upalabhitabbabhavānurūpaṃ tatth’onataṃ va cittasantānaṃ abhiṇhaṃ pavattati bāhullena. Tam eva vā pana janakabhūtaṃ kammam abhinava karaṇavasena dvārappattaṃ hoti.

Ngay sau khi tâm cảnh hiện khởi, dòng tâm thức tương thích sẽ trở nên thuần thục. Dù thanh tịnh hay ô nhiễm, tâm thức sẽ diễn tiến hướng về cảnh giới tái sanh tương ứng. Cũng có thể do nghiệp tái sanh hiện khởi qua căn môn với hình thái hoàn toàn mới mẻ.

Chú Thích

Đoạn này, ghi rõ là phân đoạn tâm cận tử, có thể là sự trạng lại cảnh cũ của nghiệp đã làm hoặc là cảnh mới hoàn toàn (abhinavakaraṇavasena), do cảnh giới tái sanh hoàn toàn khác biệt, như một chúng sanh từ cảnh khổ sanh vào thiên giới chẳng hạn.

(còn tiếp với phân đoạn: GIÒNG TÂM THỨC KẾT NỐI TỬ SANH) 

 Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Ý kiến bạn đọc