Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG - THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - Bài 16. Tâm Thiện Sắc Giới (Rūpāvacarakusalacittāni)

Thứ sáu, 22/07/2022, 17:55 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 22.7.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

16. Tóm lược tâm dục giới tịnh hảo

Vedanā-ñāṇa-saṃkhārabhedena catuvīsati

Sahetu-kāmāvacarapuññapākakriyā matā.

Tâm dục giới hữu nhân được hiểu là tâm thiện, tâm quả và tâm duy tác. Ba loại tâm nầy tổng cộng có 24 thứ tâm y cứ theo cảm thọ, trí tuệ và tác động.

17. Tóm lược tâm dục giới

Kāme tevīsapākāni puññāpuññāni vīsati

Ekādasa kriyā cā ti catupaññāsa sabbathā.

Tâm dục giới gồm có 23 tâm quả, 20 tâm thiện và bât thiện, 11 tâm duy tác. Như vậy tổng cộng 54 tâm.

18. Tâm Thiện Sắc Giới

(Rūpāvacarakusalacittāni)

Chánh văn

1. Vitakka-vicāra-pīti-sukh’-ekaggatā-sahitaṃ paṭhamajjhāna-kusalacittaṃ.

2. Vicāra-pīti-sukh’-ekaggatā-sahitaṃ dutiyajjhāna-kusalacittaṃ.

3. Pīti-sukh’-ekaggatā-sahitaṃ tatiyajjhāna-kusalacittaṃ.

4. Sukh’-ekaggatā-sahitaṃ catutthajjhāna-kusalacittaṃ.

5. Upekkh’-ekaggatā-sahitaṃ pañcamajjhāna-kusalacittañ cā ti.

Imāni pañca pi rūpāvacara-kusalacittāni nāma.

1. Tâm thiện sơ thiền với tầm, tứ, hỷ, lac, nhất hành

2. Tâm thiện nhị thiền với tứ, hỷ, lạc, nhất hành

3. Tâm thiện tam thiền với hỷ, lạc, nhất hành

4. Tâm thiện tứ thiền với lạc, nhất hành

5. Tâm thiện ngũ thiền với xả, nhất hành

Những tâm nầy được gọi là 5 tâm thiện sắc giới

Vitakka > tầm

Vicāra > tứ

Pīti > hỷ

Sukha > lạc

Ekaggatā > nhất hành

sahita > cùng với

paṭhamajjhāna > sơ thiền

kusalacittaṃ > tâm thiện

dutiyajjhāna > nhị thiền

tatiyajjhāna > tam thiền

catutthajjhāna > tứ thiền

pañcamajjhāna > ngũ thiền

rūpāvacara-kusalacittāni – tâm thiện sắc giới

Chú thích

Tất cả chúng sanh không tu tập đều sống với tâm dục giới. Muốn đi cao hơn vào cảnh giới của sắc giới, vô sắc giới, siêu thế đều cần tới công phu tu tập.

Trong dục giới tâm thường tiếp xúc với năm cảnh: sắc, thinh, khí, vị, xúc. Năm cảnh nầy đa dạng, thuộc ngoại giới, lệ thuộc vay mượn, thô thiển, là nhân giao động của tâm.

Hệ quả trực tiếp cố hữu của năm cảnh dục: năm pháp ngăn ngại

Khi tâm sống nhiều với những gì thấy, nghe, ngữi, nếm, xúc chạm nếu không tu tập thì sẽ dẫn đến năm hệ quả tất nhiên là:

1. Tham dục hay sự khao khát dính mắc với những gì khả ý

2. Sân độc hay sự bực bội bất mãn với những gì nghịch ý

3. Hôn thuỵ hay sự biếng nhác thụ động

4. Trạo hối hay sự giao động tiếc nuối

5. Nghi hoặc hay sự phân vân trù trừ

Đối trị pháp ngăn ngại: năm chi thiền

Năm pháp ngăn ngại là bản chất cố hữu của tâm thiếu tu tập của cuộc sống trong cảnh dục. Đối ngược lại với năm pháp ngăn ngại là năm chi thiền:

1. Tầm là khả năng hướng tâm như ý muốn đối với cảnh. Tầm đối trị với hôn thuỵ.

2. Tứ là khả năng khắn khít gắn bó với cảnh. Tứ đối trị nghi hoặc.

3. Hỷ là sự hân hoan đối với cảnh. Hỷ đối trị sân độc.

4. Lạc là sự gội nhuần đối với cảnh. Lạc đối trị trạo hối.

5. Định là sự an trụ đối với cảnh. Định đối trị tham dục.

Nên lưu ý là sự tu tập càng thuần thục, tầng thiền càng cao thì chi thiền càng giảm. Thí dụ như người học ngoại ngữ thời gian đầu học nói thì vận dụng nhiều cách đặt câu, cách dùng chữ nhưng càng thông thạo thì càng bớt dùng tới những cách đó.

Tánh cách phức hợp của năm chi thiền

Tầm và tứ thường đi chung trong nhiều cụm từ chỉ cho tâm đối với cảnh. Nên hiểu giống như động từ “dán dính” thực tế dán (thí dụ cho tầm) là một chuyện mà “dính” (thí dụ cho tứ) là chuyện khác. Tầm là hướng tâm tới cảnh. Tâm bình thường cũng có vấn đề là nếu muốn hướng tâm vào hơi thở chẳng hạn thì có thể làm như ý hay không là chuyện khác. Tứ là sự gắn bó, khắn khít với cảnh mang tánh quyết đoán nên đoạn trừ nghi hoặc.

Hỷ và lạc là hai chi thiền cần phân biệt rõ. Trước hết ở đây hỷ không phải là thọ hỷ (thọ uẩn) mà là thuộc tánh hỷ (hành uẩn). Có thể thí dụ thọ hỷ như ra đa thụ động (cảm biết nhận tín hiệu) còn thuộc tánh hỷ như ra đa chủ động (phát sóng dò vật thể).

Định hay nhất hành có mặt trong tất cả tâm nhưng định ở đây là khả năng an trụ hay tập chú liên tục trên một cảnh. Trong lúc bản chất của tham dục là vọng móng thì định là sự an lập bền bĩ.

Tại sao gọi là sắc giới?

Sở dĩ gọi là tâm sắc giới vì những tâm thiền nầy bắt đầu sự tu tập y cứ trên ấn tượng đối với vật chất. Ngược lại tâm vô sắc giới dùng ý niệm trừu tượng. Hai giác quan được sử dụng bước đầu là thị giác (như sử dụng kasina màu sắc) và xúc giác (như hơi thở) khi tâm định thuần thục thì chỉ còn lại ấn tượng. Nên hiểu đã là ấn tượng thì không còn là cảnh sắc hay cảnh xúc mà là cảnh pháp.

Quang tướng: hiện tượng tế nhị của vật chất

Trong quá trình tu tập tâm thiền sắc giới hành giả đi qua những “cầu nối” giữa vật thể mà tâm thể để rồi từ từ thể nhập hẳn vào tâm thể. Những cầu ấy bước đầu là các kasina (vật thể để chú tâm) rồi sau đó chỉ giữ lại ấn tượng (tợ tướng) rồi biến mãn (quang tướng). Quá trình nầy liên quan tới hai thứ: màu sắc (màu gốc xanh, vàng, đỏ, trắng) và ánh sáng (điển quang) vốn là hiện tượng vật chất cực nhanh, đi cực xa tương thích với khả năng biến mãn rộng lớn của tam muội định.

Tâm sắc giới không biết cảnh sắc. Sắc giới ở đây chỉ cho đề mục định liên quan tới vật chất đối ngược với vô sắc giới là đề mục hoàn toàn trừu tượng. Tâm sắc giới tuy thành tựu do sự tu tập bước đầu có liên hệ tới sắc nhưng khi khi tâm sắc giới chỉ biết cảnh pháp.

Thắng pháp Tạng trình bày năm thiền trong lúc Kinh Tạng trình bày bốn thiền. Sự khác biệt là Kinh Tạng trình bày nhị thiền là tầng thiền “không tầm không tứ” cò Thắng Pháp Tạng thì nói đến tầng thiền “không tầm có tứ”. Kỳ thật thì không có gì khác nhau. Kinh Tạng cũng nói đến pháp “vô tầm hữu tứ” như trong Kinh Phúng Tụng, Trường Bộ chẳng hạn. Rất tiếc là một số học giả không nghiên cứu Thắng pháp kết luận võ đoán là Abhidhamma “thêm thắt” ngũ thiền, một cách nhận định rất thiếu cơ sở.

KINH TẠNG THẮNG PHÁP TẠNG
Sơ thiền (Tầm, tứ, hỷ, lạc, định) Sơ thiền (Tầm, tứ, hỷ, lạc, định)
Nhị thiền (Tứ, hỷ, lạc, định)
Nhị thiền (hỷ, lạc, định) Tam thiền (hỷ, lạc, định)
Tam thiền (lạc, định) Tứ thiền (lạc, định)
Tứ thiền (xả, định) Ngũ thiền (xả, định)

Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc