Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) || Bài 123. Trưởng duyên (Adhipatipaccayo)

Thứ sáu, 11/04/2025, 04:03 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 123. Trưởng duyên (Adhipatipaccayo)

Trưởng – Adhipati – là pháp dẫn đầu, chủ đạo, có khả năng lôi kéo các pháp đồng sanh đi theo chiều hướng nào đó. Có bốn pháp được biết là có khả năng đóng vai trò làm trưởng. Các pháp trưởng giống như vai trò lãnh đạo trong một quốc gia. Do vậy năng duyên và sở duyên của bốn pháp này khác biệt nhau. Đây là trường hợp đặc biệt cần lưu ý.

Bốn pháp trưởng là:

  1. Dục (Chanda) là ý muốn. Nên lưu ý trong Thắng Pháp “ý muốn – chanda” khác với tham (lobha). Tham có đặc tính là vướng mắc trong lúc dục thì không.

Năng duyên là thuộc tánh dục (chanda cetasika). Sở duyên là 84 tâm xử lý (javana) tương ưng thuộc tánh dục (8 tâm tham, 2 tâm sân, 8 tâm thiện dục giới, 8 tâm duy tác dục giới tịnh hảo, 9 tâm thiện đáo đại, 9 tâm duy tác đáo đại và 40 tâm siêu thế và 50 thuộc tánh (trừ nghi hoặc và dục); 17 sắc tâm tương ưng dục trưởng (taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ). (84 tâm xử lý ở đây có thể gọi là nhóm tâm xử lý hữu nhân. Có cả thảy 85 tâm làm việc xử lý (javana) trong đó có tâm sinh tiếu là tâm xử lý vô nhân duy nhất).

  1. Cần (Viriya) là sự siêng năng cần mẫn.

Năng duyên là thuộc tánh cần (viriya cetasika). Sở duyên là 84 tâm xử lý hữu nhân (javana) tương ưng thuộc tánh cần (8 tâm tham, 2 tâm sân, 8 tâm thiện dục giới, 8 tâm duy tác dục giới tịnh hảo, 9 tâm thiện đáo đại, 9 tâm duy tác đáo đại và 40 tâm siêu thế và 50 thuộc tánh (trừ nghi hoặc và cần); 17 sắc tâm tương ưng cần trưởng (taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ).

  1. Tâm (Citta) là vai trò chủ đạo của tâm đối với toàn bộ sự việc, như ý nghĩa của câu kinh Pháp cú 1 và 2 “tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác…”. Tâm trưởng (Cittādhipati) thường ít được hiểu rõ như ba trưởng còn lại.

Năng duyên là 84 tâm xử lý (javana) hữu nhân (8 tâm tham, 2 tâm sân, 8 tâm thiện dục giới, 8 tâm duy tác dục giới tịnh hảo, 9 tâm thiện đáo đại, 9 tâm duy tác đáo đại và 40 tâm siêu thế. Sở duyên là danh sắc đồng sanh.

  1. Thẩm (Vimaṃsā) là sự suy xét, thẩm định bao gồm cả quán tri và liễu tri. Sự nhận biết chính xác sự việc có hiệu ứng ảnh hưởng to lớn, như một phát minh về định luật vật lý nào đó thay đổi cái nhình của khoa học.

Năng duyên là thuộc tánh tuệ quyền. Sở duyên 66 tâm xử lý hợp trí. 37 tâm sở đồng sanh với trí tuệ. Các 17 sắc tâm tương ưng thẩm trưởng (taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ).

Bốn pháp này cũng là bản thể của tứ thần túc.

Nên lưu ý có hai loại Trưởng (Adhipati): Cảnh Trưởng (Ārammaṇa-adhipati) và Câu Sanh Trưởng (Sahajāta adhipati). Trưởng duyên được trình bày hôm nay thuộc “câu sanh trưởng” nghĩa là pháp dẫn đạo đối với danh sắc đồng sanh. Bài học tới sẽ là “cảnh trưởng duyên” vốn chỉ được liệt kê trong “duyên hệ giảng rộng”.

Dưới đây là trích đoạn trong quyển “Toát yếu A Tỳ Đàm” của Hoà thượng Tuệ Siêu đoạn giải về “trưởng duyên”.

3. Trưởng duyên (Adhipatipaccayo)

Trưởng duyên là sự trợ giúp bằng sức mạnh vượt trội, thế chủ lực, trọng điểm thu hút. Như trong bầy thú rừng, con đầu đàn mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn sẽ dẫn dắt đàn sinh tồn.

Chánh tạng giải thích: Adhipatipaccayo’ti chandasampayuttakānaṃ – chandādhipati dhammānaṃ taṃsamutthānānañca rūpānaṃ adhipatipaccayena paccayo – Viriyādhipati viriyasampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ adhipatipaccayena paccayo – Cittādhipati cittasampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ adhipatipaccayena paccayo – Vimaṃsādhipati vimaṃsasampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ adhipatipaccayena paccayo – Yaṃ yaṃ dhammaṃ garuṃ katvā ye ye dhammā upajjanti cittacetasikā dhammā, te te dhammā tesaṃ tesaṃ dhammānaṃ adhipaccayena paccayo.

Gọi là trưởng duyên, như dục trưởng trợ các pháp tương ưng dục và các sắc tâm hữu dục trưởng bằng trưởng duyên – Cần trưởng trợ các pháp tương ưng cần và các sắc tâm hữu cần trưởng bằng trưởng duyên – Tâm trưởng trợ các pháp tương ưng tâm và các sắc tâm hữu trưởng bằng trưởng duyên – Thẩm trưởng trợ các pháp tương ưng thẩm và các sắc tâm hữu thẩm trưởng bằng trưởng duyên – Các pháp nào như tâm và tâm sở sanh khởi do lấy pháp chi chi làm trọng, thì pháp chi chi ấy trợ pháp tâm và tâm sở ấy bằng trưởng duyên.

Chú giải:

Dục trưởng (chandādhipati) là tâm sở dục trong đổng lực đa nhân.

Pháp tương ưng dục (chandasampayuttakānaṃ dhammānaṃ) là 84 tâm đổng lực đa nhân và 50 tâm sở (trừ hoài nghi và dục). Các sắc tâm hữu dục trưởng (taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ) là 17 sắc tâm có dục trưởng làm duyên.

Cần trưởng (viriyādhipati) là tâm sở cần trong đổng lực đa nhân. Pháp tương ưng cần (viriyasampayuttakānaṃ dhammānaṃ) là 84 tâm đổng lực đa nhân và 50 tâm sở (trừ hoài nghi và cần). Các sắc tâm hữu cần trưởng (taṃsamuṭṭhānānañca rūpaṃ) là 17 sắc tâm có cần trưởng làm duyên.

Tâm trưởng (cittādhipati) là 84 tâm đổng lực đa nhân (nhị nhân, tam nhân) gồm 8 tâm tham, 2 tâm sân, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố, 9 tâm thiện đáo đại, 9 tâm tố đáo đại và 40 tâm siêu thế. Các pháp tương ưng tâm (cittasampayuttakānaṃ dhammānaṃ) là 51 tâm sở hợp đổng lực đa nhân (trừ tâm sở hoài nghi). Các sắc tâm hữu trưởng (taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ) là 17 sắc tâm đổng lực đa nhân làm trưởng.

Thẩm trưởng (vimaṃsādhipati) là tâm sở trí tuệ trong đổng lực tam nhân (hợp trí). (Paccayasaṅgaha) Các pháp tương ưng thẩm (vimaṃsasampayuttakānaṃ dhammānaṃ) là 66 tâm đổng lực hợp trí và 37 tâm sở đồng sanh với trí tuệ. Các sắc tâm hữu thẩm trưởng (taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ) là 17 sắc tâm có thẩm trưởng làm duyên. Các pháp nào như tâm và tâm sở sanh khởi (ye ye dhammā uppajjanti cittacetasikā dhammā) trong pháp duyên này là 8 tâm tham, 8 tâm đại thiện, 4 tâm đại tố hợp trí, 40 tâm siêu thế (cả thảy 60 tâm), cùng 45 tâm sở phối hợp các tâm ấy. Do lấy pháp chi chi làm trọng (yaṃ yaṃ dhammaṃ garuṃ katvā) tức là pháp cảnh trưởng như tâm (trừ 2 tâm sân, 2 tâm si, thân thức thọ khổ) và tâm sở (trừ 4 sân phần, 1 hoài nghi) 18 sắc rõ thành cảnh tốt và níp-bàn.

Ý kiến bạn đọc