- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
Bài 116. Bốn Thánh Đế (ariyasacca)
Cattāri ariyasaccāni – dukkhaṃ ariyasaccaṃ, dukkhasamudayo ariyasaccaṃ, dukkhanirodho ariyasaccaṃ, dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasaccaṃ.
Có bốn thánh đế: khổ thánh đế, khổ tập thánh đế, khổ diệt thánh đế, khổ diệt đạo thánh đế.
Chú Thích
Thuật ngữ “ariyasacca” mặc dù thường được gọi tắt là “đế”, nhưng cần gọi cho đủ là “diệu đế” hay “thánh đế’. Không phải sự thật nào cũng là diệu đế. Chỉ có sự thật có công năng “chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc” mới là diệu đế. Chữ “ariya” trong Phạm ngữ còn mang ý nghĩa “thánh”. Theo Sớ Giải, thì bốn sự thật này gọi là thánh đế bởi vì được giác ngộ và tuyên thuyết bởi bậc thánh tối thượng là Đức Phật và dẫn người nghe lãnh hội trở thành những thánh nhân.
Tứ diệu đế là chủ đề lớn, rất lớn, trong Phật học. Thắng Pháp Abhidhamma giải thích tứ đế theo vi mô có phần khác biệt với Kinh Tạng vốn thường giảng theo cách vĩ mô. Đây là điểm cần đặc biệt lưu ý ở bài này.
Khổ đế (dukkha ariyasacca), theo cả Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng đều bao gồm cả ba: A. Khổ do khó chịu (dukkha-dukkha) như sanh, già, bệnh, chết, thương phải xa, ghét phải gần, muốn không được, sầu, bi, khổ, ưu, ai. B. Hoại khổ (vipariṇāma-dukkha) là nỗi khổ do biến đổi hoại diệt những thứ mình yêu thích không tồn tại mãi, mà tất cả đều có thời gian tồn tại giới hạn. C. Hữu vi khổ (saṅkhāra-dukkha) là sự khổ theo phạm trù rộng lớn nhất như Phật ngôn “Tất cả pháp hữu vi là khổ”. Trong cách nói vi mô về bản thể pháp thì khổ đế là 81 tâm hiệp thế, 51 thuộc tánh (trừ thuộc tánh tham), 28 sắc pháp. Cách nêu bản thể pháp này nằm trong phạm trù hữu hạn so với cách nói vĩ mô, với toàn bộ danh pháp và sắc pháp đều nằm trong hữu vi khổ (saṅkhāra-dukkha).
Khổ tập thánh đế (dukkhasamudayo ariyasacca) là nguyên nhân sanh khổ. Theo Thắng Pháp, thì bản thể của tập đế là thuộc tánh tham (lobha cetasika). Thuộc tánh này bao gồm dục ái, sắc ái, vô sắc ái dẫn đến tái sanh trong tam giới. Điều này được nêu rõ trong mười kiết sử và bốn thánh quả: không còn dục ái thì không còn tái sanh trong cõi dục, đoạn tận ba thứ ái thì không sanh tử trong tam giới. Trong Kinh Tạng, đặc biệt là Kinh Chuyển Pháp Luân, thì tập đế bao gồm dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Trong cách giảng đầy đủ, thì ba thứ ái bao gồm ái chấp đối với thị dục, ái chấp đối với sự tồn tại, ái chấp đối với sự không tồn tại. Hai ái chấp sau được xem là tà kiến (thường kiến và đoạn kiến). Nếu nói tới kiến chấp sai lạc thì bản thể pháp phải bao gồm cả ba thuộc tánh tham phần là tham, tà kiến, mạn tức ba pháp bản thể của ái chấp, mạn chấp và kiến chấp chứ không phải chỉ có thuộc tánh tham (lobha cetasika). Theo Ngài Ledi Sayadaw thì dục ái, hữu ái, phi hữu ái còn có thể hiểu là sự bám chấp cái mình thích, cái mình muốn có và cái mình muốn tan biến vì không thích như được đề cập trong Kinh Đế Thích Sở Vấn, Trường bộ.
Khổ diệt thánh đế (dukkhanirodho ariyasacca) là sự chấm dứt hoàn toàn khổ đau chính là niết bàn. Về điểm này, Thắng Pháp nêu rõ niết bàn là một thực thể trong bốn thực thể chân đế chứ không đơn thuần là “sự đoạn diệt của pháp hữu vi” - một định nghĩa thường dẫn tới sự “chấp thủ sai lạc” được Ngài Sāriputta chỉ rõ trong Tương Ưng Bộ.
Khổ diệt đạo thánh đế (dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasacca) là sự huân tu và thành tựu viên mãn đồng bộ tám đạo chi (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định) dẫn đến đoạn trừ kiết sử, thành tựu chánh trí, chứng ngộ niết bàn. Bản thể của tám đạo chi này là tám thuộc tánh (trí tuệ, tầm, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, cần, niệm, nhất hành), nhưng chỉ khi nào tám thuộc tánh được tinh luyện đến mức viên mãn đồng sinh thì mới thành đạo chi.
(Tứ diệu đế là một đề tài rất rộng theo cách nói vi mô và vĩ mô, pháp học và pháp hành. Người học Phật cần rất thận trọng để không rơi vào cái nhìn hạn hẹp. Ở đây chỉ là chú thích kinh văn chứ không thể là sự trình bày đầy đủ với một chủ đề lớn của Tứ Diệu Đế)
Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.