Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 115. Mười Tám Giới (Dhātu)

Chủ nhật, 26/01/2025, 04:11 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 115. Mười Tám Giới (Dhātu)

Aṭṭhārasa dhātuyo: (1) cakkhudhātu; (2) sotadhātu; (3) ghānadhātu; (4) jivhādhātu; (5) kāyadhātu; (6) rūpadhātu; (7) saddadhātu; (8) gandhadhātu; (9) rasadhātu; (10) phoṭṭhabbadhātu; (11) cakkhu-viññāṇadhātu; (12) sotaviññāṇadhātu; (13) ghānaviññāṇadhātu; (14) jivhāviññāṇadhātu; (15) kāyaviññāṇadhātu; (16) manodhātu; (17) dhammadhātu; (18) manoviññāṇadhātu.

Có mười tám giới: nhãn giới, nhĩ giới, tỷ giới, thiệt giới, thân giới, sắc giới, thinh giới, khí giới, vị giới, xúc giới, nhãn thức giới, nhĩ thức, tỷ thức giới, thiệt thức giới, thân thức giới, ý giới, pháp giới, ý thức giới.

Chú Thích

Chữ “dhātu - giới” ở đây có nghĩa là nguyên tố. Ngài Tịnh Sự còn dịch là “nguyên chất”. Gọi là nguyên tố vì là thành tố có riêng bản chất duy nhất không thể phân chia (dhārenti). Trong Phạm ngữ, chữ “dhātu” được dùng với nhiều nghĩa, ở đây, phải xác định rõ ý nghĩa “nguyên tố” trong “thập bát giới”. Riêng trong thuật ngữ Phật học Hán Việt, chữ “giới” cũng mang nhiều ý nghĩa khác biệt như giới luật, tam giới, kiết giới… phải rất thận trọng khi dùng.

Cách hiểu về 18 giới theo thông thường cũng tạo nên nhiều ngộ nhận là bao gồm 6 căn, 6 cảnh và 6 thức. Nên lưu ý, bản liệt kê 18 giới: 5 giới đầu tiên (nhãn giới, nhĩ giới, tỷ giới, thiệt giới, thân giới) thuộc về môn (dvāra); 5 giới tiếp theo (sắc giới, thinh giới, khí giới, vị giới, xúc giới) thuộc về cảnh (ārammaṇa); 8 giới còn lại (nhãn thức giới, nhĩ thức, tỷ thức giới, thiệt thức giới, thân thức giới, ý giới , pháp giới, ý thức giới) được kể là thức (viññāna) mặc dù trong “pháp giới” có sắc tế và niết bàn. Cách phân nhóm này có sự khác biệt ý kiến giữa Ngài Saddhamma Jotika và Ngài Sīlananda. (…)

Trong cách nói đơn giản, thì 18 giới là cách giảng rộng 12 xứ, mà trong đó, ý xứ chia thành 7 thức.

Về pháp bản thể, nhãn giới (cakkhu-dhātu) là sắc thần kinh nhãn, nhĩ giới (sota-dhātu) là sắc thần kinh nhĩ, tỷ giới (ghāna-dhātu) là sắc thần kinh tỷ, thiệt giới (jivhā-dhātu) là sắc thần kinh thiệt, thân giới (kāya-dhātu) sắc thần kinh thân, sắc giới (rūpa-dhātu) là sắc cảnh giới, thinh giới (sadda-dhātu) là sắc cảnh thinh, khí giới (gandha-dhātu) là sắc cảnh khí, vị giới (rasa-dhātu) là sắc cảnh vị, xúc giới (phoṭṭhabba-dhātu) là đất, lửa, gió; nhãn thức giới (cakkhuviññāṇa-dhātu) 2 tâm nhãn thức, nhĩ thức giới (sotaviññāṇa-dhātu) là 2 tâm nhĩ thức, tỷ thức giới (ghānaviññāṇa-dhātu) là 2 tâm tỷ thức, thiệt thức giới (jivhāviññāṇa-dhātu) là 2 tâm thiệt thức, thân thức giới (kāyaviññāṇa-dhātu) là 2 tâm thân thức, ý giới (mano-dhātu) là tâm khai ngũ môn và 2 tâm tiếp nhận , pháp giới (dhammā-dhātu) là 52 thuộc tánh tâm, 16 sắc tế và niết bàn, ý thức giới là 76 tâm sau khi đã trừ ra ngũ song thức và 3 tâm ý giới.

Mười tám Giới là một công cụ phân tích sâu sắc trong triết học Phật giáo, đặc biệt trong Abhidhamma. Chúng phá bỏ ảo tưởng về một bản ngã cố định, không thay đổi, bằng cách chỉ ra rằng mọi trải nghiệm phát sinh từ sự tương tác giữa các yếu tố có điều kiện. Thông qua việc hiểu và chiêm nghiệm mười tám Giới, hành giả sẽ đạt được tuệ giác sâu sắc về bản chất thực tại, từ đó mở ra con đường giải thoát khỏi khổ đau.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Ý kiến bạn đọc