Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG | THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) | Bài 104. Tứ Thực (Āhara)

Thứ sáu, 20/12/2024, 08:15 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

Bài 103. Tứ Thực (āhara)

Cattāro āhārā – kabaḷīkāro āhāro, phasso dutiyo, manosañcetanā tatiyā, viññāṇaṃ catutthaṃ.

Có bốn thực: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, thức thực.

Chú thích

Thực – āhārā – là chất liệu dinh dưỡng, thức ăn, dưỡng tố. Đây là chủ đề lớn trong Phật học xác lập rõ những gì sản sinh, nuôi dưỡng sự tồn tại của chúng sanh trong đời. Tứ thực nói rõ về vai trò của duyên nghiệp. Tứ thực cho thấy không có sự tồn tại của một ý chí tối tôn, độc tôn thường được gọi là Thượng Đế. Tứ thực cho thấy sự hiện hữu phức tạp của cả hai hiện tượng tâm lý và vật lý. Chữ thực, dù thoạt nghe rất vật chất, nhưng nên hiểu bao gồm của các khái niệm với hai hiện tượng như vật chất và tâm thức, cụ thể và trừu tượng, nhân sanh và sự duy trì.

Đoàn thực - kabaḷīkāhāra – là dưỡng tố vật chất như cơm bánh đối với thân thể con người, ánh sáng đối với cây cỏ hoa lá, nhiệt lượng đối với vật chất… Đoàn thực duy trì và tác động sanh khởi thế giới vật chất. Nhưng không phải là duyên trợ duy nhất, cũng như thực phẩm nuôi thân nhưng vẫn có những yếu tố khác thí dụ như tập thể dục…

Xúc thực – phassāhāra – là sự giao thoa giữa căn và cảnh tạo nên tác động dây chuyền đặc biệt là cảm thọ (vedanā).

Tư niệm thực - manosañcetanāhāra – là chủ tâm tạo tác hay hiện tượng nghiệp tạo nên quả dị thục (vipāka) và từ đó là sự sanh khởi và tồn tại của luân hồi sanh tử.

Thức thực - viññāṇāhāra – là vai trò của tâm thức trong sự sanh khởi và tồn tại đối với cả hai thế giới tâm lý và vật lý.

Nói về bản thể nên nhớ là có sự sai biệt tứ thực trong cách nói giữa Kinh Tạng và Thắng Pháp, giữa định nghĩa căn bản và duyên hệ (paccayo) trong ngay chính Thắng Pháp, giữa cách nói đại loại và vĩ mô trong Phật học. Những pháp bản thể ở đây chỉ nêu lên từ góc cạnh của căn bản Thắng Pháp. Đoàn thực (Kabaḷīkārāhāra) được nhận dạng với sắc dưỡng tố (rūpa-āhāra). Xúc thực (phassa) được nhận dạng với thuộc tánh xúc (phassa cetasika). Tư niệm (manosañcetanā) được nhận dạng với thuộc tánh tư (cetanā cetasika). Thức (Viññāṇa) được nhận dạng với tất cả tâm (citta).

Một số ý niệm sau đây đi xa hơn là nội dung bài này, nhưng rất lợi ích để tham khảo khi nói về tứ thực.

Phật ngôn “Sabbe sattā āhāraṭṭhitikā - tất cả chúng sanh tồn tại do dưỡng tố”. Câu Phật ngôn này mang ý nghĩa lớn trong Phật học và vũ trụ quan. Câu này hàm nghĩa là sự sanh ra và tồn tại của của mỗi chúng sanh trong đời đều có nhân, có duyên để trong sự khởi sanh và duy trì. Tứ thực cho thấy sự khác biệt sâu xa giữa Phật Pháp và các tôn giáo thần ngã khác.

Tứ thực, trong cách nói thường thức, đồng nghĩa với duyên nghiệp. Chúng sanh do duyên nghiệp mà sanh ra, mà có sự khác biệt, mà tồn tại và chính do duyên nghiệp mà bị già chết rồi chuyển sinh.

Đoàn thực cho biết có những dưỡng tố trong vật chất nuôi sống và làm tốt sức khỏe như hàm lượng sinh tố (vitamin), đạm chất (protein), calo (calorie)… đối với thân thể con người… Đồng thời có những thức đối lập huỷ hoại như virus…

Xúc thực là sự giao thoa của căn, cảnh, thức cho thấy dù tâm hay cảnh không phải là yếu tố duy nhất trong cuộc sống. Thí dụ lưỡi nếm vị thì chính thiệt căn, cảnh vị và vị giác đều có vai trò nhất định tạo nên cảm thọ. Chính xúc tạo nên sự tương tác giữa tâm và cảnh, một lãnh vực lớn ảnh hưởng đến cuộc sống.

Tư niệm thực là nghiệp tạo nên quả và từ đó là luân hồi sanh tử. Nghiệp là cách nói chung, mà chủ tâm tạo tác là xác định của Đức Phật về cái gì thật sự là nghiệp. Thuộc tánh tư (cetanā cetasika) giống như vị tổng thống trong tổng thống chế đối với toàn bộ chính sách điều hành một quốc gia. Khi Đức Phật dạy “chính tư là nghiệp” mang ý nghĩa khác biệt to lớn giữa Phật Pháp và sự hiểu biết về nghiệp lực.

Thức thực nói lên vai trò của tâm thức trong hiện tượng giới. Đây là mảng trống mà khoa học ngày nay không đi sâu, vì khoa học của nhân loại thường nhấn mạnh yếu tố vật chất và mù mờ về vai trò tâm thức. Tâm thức có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống qua những ghi nhận về thiện ác, khổ vui, tích cực, tiêu cực…

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Ý kiến bạn đọc